Kinh tế Trung Quốc hồi phục thần kỳ, dần bứt phá khỏi ‘hố sâu’ Covid-19
Nền kinh tế Trung Quốc đang khởi sắc khi quốc gia này đang nỗ lực tìm cách thoát khỏi tình trạng hỗn loạn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 19/10 cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng trưởng 0,7% trong 3 quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý III/2020, mức tăng này là 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 2,7% so với quý trước.
Giới hoạch định chính sách toàn cầu đang đặt hy vọng vào một sự hồi phục mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc để kích thích nhu cầu, trong bối cảnh các nền kinh tế còn chật vật xoay sở với các biện pháp giãn cách xã hội và làn sóng Covid-19 thứ 2.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng dự báo, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới tăng trưởng trong 2020, với mức tăng 1,9%.
“Sức khỏe” kinh tế Trung Quốc đang tốt lên
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Quý I/2020, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sụt giảm 6,8% do tác động nghiêm trọng của đại dịch. Sau cú sốc đó, nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng hồi phục. Nhiều số liệu cho thấy, tiêu dùng ở nước này tăng trên diện rộng, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cũng có dấu hiệu khởi sắc.
NBS cho biết, nhiều chỉ số kinh tế quan trọng của nước này đều đạt được kết quả khả quan. Sản lượng công nghiệp trong quý III/2020 đã tăng 5,8% so với một năm trước đó và nhanh hơn mức tăng 4,4% trong quý II/2020. Đầu tư tài sản cố định cũng đã ghi nhận mức tăng 0,8% trong 3 quý đầu năm nay.
Tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị theo khảo sát chính thức đã giảm xuống mức 5,4% trong tháng 9, so với mức kỷ lục 6,2% hồi tháng 2, khi đại dịch Covid-19 ở trong giai đoạn cao điểm.
NBS cũng thông tin rằng, Bắc Kinh dự kiến sẽ tạo ra 9 triệu việc làm mới tại các thành phố trong năm nay, so với con số 11 triệu của năm ngoái, đồng thời duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị vào khoảng 6%.
Trong bối cảnh phần lớn thế giới vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với đại dịch Covid-19, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang diễn ra tương đối thuận lợi nhờ vào việc kiềm chế tốt dịch bệnh. Bên cạnh việc thực thi các chính sách nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh, Bắc Kinh đã chi hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á của Bloomberg Chang Shu nhận định, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc đang duy trì. Thương mại toàn cầu là động lực mạnh mẽ ngoài mong đợi đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước cũng đang trở nên tự tin hơn. Sự lạc quan trở lại dựa trên thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn thành công dịch Covid-19.
Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế như tăng chi tiêu công, hạ lãi suất cho vay, giảm thuế và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong hệ thống ngân hàng. . Chính phủ Trung Quốc cũng hạn chế vay nợ để hỗ trợ tăng trưởng, thay vào đó thực hiện các biện pháp có mục tiêu cụ thể, khác với việc bơm tiền ồ ạt như trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Chuyên gia kinh tế trưởng của Hang Seng Bank China Wang Dan khẳng định, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III/2020 đã nhanh hơn nhiều so với giai đoạn nửa đầu năm, chủ yếu là nhờ động lực từ hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, bất động sản và các kết quả tốt trong hoạt động xuất khẩu.
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) Dịch Cương cho rằng, Trung Quốc có chính sách tài khóa tích cực, chủ động và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế.
"Hiện tại, Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được Covid-19. Nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn vững vàng, sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tiếp diễn và mang lại lợi ích cho kinh tế toàn cầu", ông Dịch Cương nhấn mạnh.
Shen Jianguang, chuyên gia kinh tế trưởng tại Công ty fintech Trung Quốc JD Digits dự đoán rằng, sự phục hồi trên diện rộng của Trung Quốc trong quý III/2020 cho thấy, nền kinh tế quốc gia này có thể đạt mức tăng trưởng lên tới 2,3% trong năm 2020 và hơn 9% trong năm 2021.
Thông điệp đáng khích lệ cho toàn cầu
Dựa trên số liệu của IMF, Bloomberg ước tính, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tăng từ mức 26,8% trong năm 2021 lên mức 27,7% vào năm 2025.
Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc của Capital Economics, viết: “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi nhanh chóng, với sự phục hồi ngày càng mở rộng và ngày càng ít phụ thuộc vào kích thích đầu tư hơn”.
Chuyên gia Rob Subbaraman, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu của Nomura tại Singapore nhận định, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một thông điệp đáng khích lệ và đầy hy vọng đối với phần còn lại của thế giới. Nếu bạn có thể xử lý thành công cuộc khủng hoảng y tế, nền kinh tế của bạn có thể phục hồi.
Trang CNBC cũng nhận thấy, bên cạnh những ý nghĩa về mặt tinh thần, đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ tác động tích cực đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo chiến lược gia về thị trường toàn cầu tại châu Á-Thái Bình Dương của công ty Invesco David Chao, các nền kinh tế ở châu Á sẽ là đối tượng được hưởng lợi lớn từ đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc. "Sự phục hồi kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đưa các nền kinh tế châu Á tiến lên một mức độ nhất định", ông David Chao nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có rất nhiều "ổ gà cần tránh", bao gồm làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra hay căng thẳng với Mỹ trên nhiều phương diện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận