Kinh tế sụp đổ, cổ phiếu tăng giá: Điều gì đang diễn ra?
Nhiều lý giải được đưa ra cho hiện tượng kinh tế xuống dốc nhưng giá cổ phiếu lại đi lên. VietnamFinance trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết của nhà kinh tế học Paul Krugman đăng trên tờ The New York Times.
"Những gì xấu cho nước Mỹ đôi khi lại tốt cho thị trường chứng khoán.
Các tin tức kinh tế khủng khiếp đang dần được công bố. Đừng bận tâm đến số liệu GDP quý I. Mức giảm GDP gần 5% sẽ bị coi là rất tệ trong thời gian bình thường, nhưng báo cáo này chỉ mới phản ánh “vài gọt đầu tiên của trận mưa lớn”. Dữ liệu cập nhật hơn cho thấy một nền kinh tế đang "rơi khỏi vách đá". Văn phòng Quốc hội Mỹ dự báo tỷ lệ thất nghiệp sẽ vào khoảng 16% cuối năm nay, và ngay cả mức này vẫn có thể là một đánh giá thấp.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu, đã lao dốc trong vài tuần đầu tiên của cuộc khủng hoảng Covid-19, dần lấy lại phần lớn các tổn thất đó khi ít nhiều trở lại mức giá của mùa thu năm ngoái - thời kỳ mà tất cả đang nói về một nền kinh tế đang hoạt động tốt thế nào.
Chuyện gì đang xảy ra?
Vâng, bất cứ khi nào bạn xem xét tác động kinh tế lên giá cổ phiếu, bạn phải nhớ 3 nguyên tắc. Thứ nhất, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ hai, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế. Thứ ba, thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế.
Điều đó có nghĩa là, mối quan hệ giữa hiệu suất đầu tư cổ phiếu – chủ yếu được thúc đẩy bởi sự dao động giữa lòng tham và sự sợ hãi – và tăng tưởng kinh tế luôn nằm ở đâu đó giữa sự lỏng lẻo và không tồn tại. Trở lại những năm 1960, nhà kinh tế học vĩ đại Paul Samuelson đã châm biếm rằng thị trường chứng khoán đã dự đoán 9 trong số 5 cuộc suy thoái gần nhất.
Nhưng tôi cho rằng có những lý do sâu xa hơn khiến thị trường chứng khoán hiện tại và nền kinh tế thực sự bị ngắt kết nối: các nhà đầu tư mua cổ phiếu một phần vì họ “không còn nơi nào để đi”. Trên thực tế, có một hàm ý rằng “chứng khoán mạnh bởi vì toàn bộ nền kinh tế yếu”.
Rốt cuộc, cái gì là sự thay thế chính cho đầu tư cổ phiếu? Đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, những ngày này, trái phiếu đem về lợi nhuận cực kỳ thấp. Lãi suất đối với trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm chỉ là 0,6%, giảm từ mức hơn 3% vào cuối năm 2018. Nếu bạn muốn trái phiếu bảo vệ bạn khỏi lạm phát tương lai, lợi suất của nó là âm (-) 0,5%.
Vì vậy, mua cổ phiếu của các công ty vẫn đang làm ăn có lãi bất chấp suy thoái do Covid-19 có vẻ hấp dẫn.
Tại sao lãi suất lại thấp như vậy? Bởi vì thị trường trái phiếu dự tính được nền kinh tế sẽ suy thoái trong nhiều năm tới và tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền rẻ trong tương lai gần. Như tôi đã nói, có một hàm ý rằng “chứng khoán mạnh vì nền kinh tế yếu”.
Câu hỏi là nếu như sự yếu kém của nền kinh tế là tốt cho thị trường cổ phiếu thì tại sao thị trường lại sụt giảm nhanh chóng vào đầu năm nay? Câu trả lời là trong vài tuần của tháng 3, thế giới đã đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính như năm 2008, khiến các nhà đầu tư vào tháo chạy. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng đó đã được ngặn chặn nhờ các hành động cực kỳ quyết liệt và chưa từng có tiền lệ của FED.
Nếu không có những hành động đó, chúng ta sẽ phải đối mặt với một thảm họa kinh tế thậm chí còn lớn hơn năm 2008.
Hãy tưởng tượng chúng ta sẽ ở đâu nếu FED đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra theo cách mà chính quyền Donald Trump đối phó với đại dịch?
Trở lại với sự mất kết nối giữa chứng khoán và nền kinh tế, hóa ra đây là một hiện tượng lâu dài, ít nhất là vào giữa những năm 2000.
Hãy suy nghĩ về tất cả những điều tiêu cực mà chúng ta đã học về nền kinh tế hiện đại kể từ năm 2007. Chúng ta đã học được rằng các nền kinh tế tiên tiến kém ổn định hơn, chịu nhiều khủng hoảng định kỳ hơn.
Tăng trưởng năng suất đã giảm, cho thấy sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong những năm 1990 và đầu những năm 2000 là biến chuyển một lần. Hiệu suất nền kinh tế nói chung đã tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán của hầu hết các nhà quan sát đưa ra 15 năm trước.
Cổ phiếu, tuy nhiên, đã diễn biến rất thuận lợi. Trước thềm khủng hoảng Covid-19, tỷ lệ vốn hóa thị trường so với GDP – một chỉ số yêu thích của Warren Buffett – cao hơn nhiều so với mức năm 2007 và cao hơn một chút so với mức đỉnh của bong bóng dot-com. Tại sao?
Câu trả lời chính, chắc chắn, nằm ở vấn đề kênh đầu tư thay thế. Mặc dù việc làm đã phục hồi từ cuộc Đại suy thoái nhưng sự phục hồi đó đạt được nhờ mặt bằng lãi suất thấp nhất lịch sử. Nhu cầu lãi suất thấp là một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém về kinh tế: các doanh nghiệp dường như không mặn mà lắm với việc đầu tư mặc dù lợi nhuận cao, họ thường thích mua lại cổ phiếu của chính họ. Lãi suất thấp tốt cho giá cổ phiếu.
Tôi đã đề cập rằng thị trường chứng khoán không phải nền kinh tế.
Không ai trong chúng ta có thể tuyên bố rằng định giá hiện tại của thị trường chứng khoán là hoàn toàn chính xác. Tôi cho rằng các nhà đầu tư đang quá háo hức trước những tin tốt, nhưng sự thật là tôi không biết thị trường sẽ đi về đâu.
Thay vào đó, vấn đề là khả năng phục hồi của thị trường, trên thực tế, có hàm ý gì đó bất chấp những tin tức khủng khiếp – và bằng cách đó, không có gì làm cho nó có thể tồi tệ hơn. Đừng chú ý đến chỉ số Dow Jones, hãy để mắt tới những công việc đang biến mất.".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận