Kinh tế quý I khả quan song không thể lơ là
Chiều 31/3, tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2021, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Quý I ghi nhận nhiều điểm sáng
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 31/3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2021, phiên họp cuối cùng trước khi Chính phủ khóa XIV được kiện toàn với các thành viên Chính phủ mới.
Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận về Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; cùng một số nội dung quan trọng khác.
Chính phủ thống nhất đánh giá, trong quý I/2021, với chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của Nhân dân cả nước, kinh tế, xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số tốt hơn, đặc biệt là tăng trưởng GDP cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
“Có thể nói, trong quý I, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đời sống và niềm tin của người dân tăng lên, không khí làm ăn kinh doanh trong nhân dân khởi sắc hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế quý I/2021 tăng 4,48% (cùng kỳ năm ngoái tăng 3,68%); Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1% (cùng kỳ chỉ tăng 5,9%), xuất siêu trên 2 tỷ USD; Vốn đầu tư phát triển tăng khá, đạt 6,3%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng; Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng khá, ước đạt 6,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45% (cùng kỳ chỉ tăng 7,12%)…
Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021, tăng 5,1% so với cùng kỳ; nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,42% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,01%). Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường giúp nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chỉ số CPI được kiểm soát ở mức thấp. CPI tháng 3/2021 giảm 0,27% so với tháng trước, tăng 1,16% so với cùng kỳ - thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý I/2021 chỉ tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020.
Tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá còn nhiều vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới, như: Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng cao; hiện tượng sốt đất đã diễn ra ở nhiều khu vực, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế…
Về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo xây dựng, ban hành ngay các chương trình hành động, kế hoạch công tác để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Bên cạnh đó, tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, xem nhẹ trong phòng chống dịch COVID-19. Đẩy nhanh quá trình nghiên cứu phát triển và thử nghiệm vaccine, cũng như có kế hoạch nhập khẩu vaccine để phục vụ tiêm phòng trên diện rộng, đồng thời, sớm nghiên cứu và ban hành cơ chế "Hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy thương mại, đầu tư.
Chính phủ khẳng định cần tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu kép. Vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô, phù hợp với các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực.
Trong đó, về điều hành chính sách tiền tệ cần tiếp tục chủ động, linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Giữ ổn định thị trường ngoại hối, không để xảy ra biến động bất lợi. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Điều hành lãi suất, tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường. Kiểm soát chặt chẽ lạm phát. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại họp báo, trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề áp dụng hộ chiếu vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay “hộ chiếu vaccine” đang được Bộ Y tế làm việc với các Bộ, ngành để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa mở cửa nền kinh tế bằng việc mở lại các đường bay quốc tế.
Theo đó, Bộ Y tế đang nghiên cứu lên các phương án, trước hết là phương án cách ly phù hợp với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine theo quy định. Bộ cũng đang chuẩn bị các kịch bản cho việc sử dụng hộ chiếu vaccine trong tương lai. Tuy nhiên, “đây vẫn là các phương án chúng ta phải bàn kỹ vì phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. Lợi ích là việc mở cửa lại đường bay để phát triển kinh tế còn nguy cơ là việc vẫn có thể xảy ra lây nhiễm cộng đồng. Đây là việc chúng ta còn cần phải nghiên cứu thêm”, Thứ trưởng Trương Quốc Cường thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận