Kinh tế phục hồi làm gia tăng áp lực lạm pháp
Dù phải đối mặt với nhiều thách thức như chi phí đi vay tăng, giá năng lượng và lương thực vẫn ở mức cao, nền kinh tế toàn cầu vẫn thể hiện sự bền bỉ đáng kinh ngạc.
Các số liệu công bố hồi tuần trước cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp tại nhiều nền kinh tế lớn từ Mỹ, châu Âu cho tới Trung Quốc đều ghi nhận sự tăng trưởng trong tháng 2. Đây được coi là thông tin tích cực đối với các chính phủ nhưng lại khiến giới chức các ngân hàng trung ương cảm thấy bối rối bởi điều này đồng nghĩa với việc, cuộc chiến chốnglạm phátmà họ đang tiến hành sẽ trở nên khó khăn hơn.
Theo Wall Street Journal, đi kèm với sự phục hồi tốt của nền kinh tế toàn cầu, thị trường việc làm cũng trở nên nóng hơn. Thị trường lao động Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu, với tiền lương tăng nhanh và nhu cầu tuyển dụng ở mức cao. Còn tại châu Âu, tỷ lệthất nghiệptrong tháng đầu năm vẫn ở gần mức thấp kỷ lục.
Sức nóng của thị trường lao động càng làm gia tăng áp lực lạm phát vốn đã rất trầm trọng tại các nền kinh tế. Tốc độ hạ nhiệt lạm phát tại Mỹ và châu Âu đã chững lại đáng kể trong tháng 2. Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc cũng được dự báo sẽ khiến giá nguyên liệu và năng lượng tăng cao, làm gia tăng áp lực lạm phát toàn cầu.
Ông Johan Grahn - Chuyên gia về thị trường, Quỹ quản lý đầu tư Allianz nhận định: "Các chỉ số kinh tế quan trọng từ chỉ số giá tiêu dùng, giá sản xuất, mức chi tiêu của người tiêu dùng, đều tăng vượt kỳ vọng. Các số liệu trên thị trường việc làm cũng vượt xa mức mong đợi. Tất cả những điều đó đang khiến thị trường phải đánh giá lại khả năng tăng lãi suất của ngân hàng trung ương".
Hiện cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đang hướng tới khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, để hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.
Bank of America dự báo, FED có thể nâng lãi suất lên gần 6%, trong khi Morgan Stanley nhận định, mức đỉnh lãi suất của ECB có thể đạt 4% trong năm nay. Tác động từ việc lãi suất tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển.
Ông Christian Keller - chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Barclays cho biết: "Đối với các ngân hàng trung ương, thông điệp duy nhất từ sự gia tăng tốc độ tăng trưởng và lạm phát gần đây chỉ có thể là các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ mà họ áp dụng cho đến nay vẫn chưa đủ".
Theo Wall Street Journal, chừng nào các ngân hàng trung ương còn quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, bất kỳ dấu hiệu nào về sự mạnh mẽ của nền kinh tế cũng có thể kích hoạt các phản ứng chính sách để hạ nhiệt. Điều này sẽ dẫn tới sự tăng trưởng chậm lại trong nửa cuối năm nay và đe dọa triển vọng phục hồi trong năm 2024.
Trong dự báo mới nhất, Moody's nhận định, kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ giảm tốc đáng kể trong năm nay, với mức tăng trưởng GDP lần lượt là 0,9% và 0,5%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận