Kinh tế Mỹ đã bước một chân vào suy thoái
Sau khi suy giảm 4,8% trong quý đầu năm, kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục bị thu hẹp với tốc độ kỷ lục trong quý hiện tại, có nghĩa kinh tế Mỹ chính thức bước vào suy thoái.
Khó tránh suy thoái
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Tư tuần trước cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới suy giảm với tốc độ hàng năm 4,8% trong quý đầu tiên, lần thu hẹp kể từ năm 2014 và là lần thu hẹp lớn nhất kể từ năm 2008, trong bối cảnh các lệnh hạn chế được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus đã buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa và người tiêu dùng phải ở nhà.
Nguyên nhân do chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm tới 70% hoạt động kinh tế của Mỹ, giảm tới 7,6% trong quý đầu tiên, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1980. Trong khi đầu tư kinh doanh cũng giảm quý thứ ba liên tiếp với mức giảm lớn nhất trong gần 11 năm.
Sự suy giảm của kinh tế Mỹ trong quý đầu năm lớn hơn nhiều so với dự báo của giới chuyên gia là chỉ giảm 4%, cho thấy những tác động khủng khiếp của đại dịch coronavirrus đến kinh tế Mỹ. “Thật khó hình dung khi mà nền kinh tế vẫn hoạt động bình thường trong hơn 80% thời gian của quý đầu tiên”, Stephen Stanley - Nhà kinh tế trưởng của Amherst Pierpont Securities LLC cho biết.
Như vậy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kết thúc quãng thời gian tăng trưởng liên tục kéo dài gần 11 năm, bắt đầu từ giữa năm 2009 khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính. Kể từ đó, GDP của Mỹ đã tăng thêm 7 nghìn tỷ USD và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 thập kỷ là 3,5%.
Thậm chí theo các nhà phân tích, kinh tế Mỹ đã bước một chân vào suy thoái khi mà dự báo sự suy giảm trong quý hiện tại còn lớn hơn nhiều so với quý vừa qua. Theo dự báo của Bloomberg Economics kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục thu hẹp với tốc độ hàng năm là 37% trong quý thứ hai. Tuy nhiên, dự báo này vẫn còn rất lạc quan nếu so với UniCredit khi tổ chức này dự báo kinh tế Mỹ sẽ suy giảm tới 65% trong quý này.
Hy vọng về sự phục hồi nhanh chóng của kinh tế Mỹ đã tan biến khi mà hầu hết các chuyên gia cho rằng, nỗi đau kinh tế vẫn còn dai dẳng ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát. “Sự sụp đổ trong thương mại và hàng tồn kho do sự gián đoạn liên quan đến coronavirus vẫn đang che giấu một bức tranh ảm đạm hơn nhiều”, các nhà kinh tế Yelena Shulyatyeva và Eliza Winger của Bloomberg Economics cho biết.
Mặc dù Chính phủ Mỹ đã triển khai 3 gói cứu trợ với quy mô lên tới 3 nghìn tỷ USD và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0%, không ít doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nguy cơ phá sản, trong khi người tiêu dùng có thể vẫn thắt chặt chi tiêu do lo ngại dịch bệnh, cộng thêm nỗi lo mất việc và thu nhập sụt giảm.
Fed cam kết đồng hành
“Đây là trường hợp nền kinh tế sẽ cần nhiều sự hỗ trợ hơn từ tất cả chúng ta nếu muốn sự phục hồi trở nên mạnh mẽ”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết tại cuộc họp báo trực tuyến sau cuộc họp chính sách tháng Tư của Fed. “Liệu có cần phải làm nhiều hơn nữa? Tôi nghĩ câu trả lời cho điều đó sẽ là có”.
Để hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua những tác động tiêu cực từ đại dịch coronavirus, Fed đã giảm lãi suất cơ bản xuống gần bằng 0%. Fed cũng triển khai nhiều chương trình cho vay với tổng trị giá lên tới 2,3 nghìn tỷ USD như Chương trình bảo vệ tiền lương và các biện pháp khác nhằm bơm tiền cho các doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ tài chính cho thành phố với chương trình cho vay 500 tỷ USD.
Tại cuộc họp chính sách tháng Tư kết thúc vào giữa tuần trước, Fed quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0-0,25% và cam kết sẽ giữ lãi suất gần bằng 0 cho đến khi hoàn thành mục tiêu việc làm đầy đủ và đưa lạm phát quay trở lại xung quanh mục tiêu 2% của Fed.
Đại dịch không chỉ kéo kinh tế Mỹ suy giảm 4,8% trong quý đầu năm mà còn xóa sạch tất cả lượng việc làm mà Mỹ tạo được kể từ sau cuộc Đại suy thoái khi mà hơn 26 triệu người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp trong năm tuần qua.
“Hoạt động kinh tế tổng thể có thể sẽ giảm với tốc độ chưa từng thấy trong quý 2”, Chủ tịch Fed Powell thừa nhận. Tuy nhiên “cả chiều sâu và thời gian suy thoái kinh tế đều không chắc chắn và sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc virus được kiểm soát nhanh như thế nào”.
Trong bối cảnh đó, bên cạnh các gói cứu trợ từ Chính phủ Mỹ, các biện pháp hỗ trợ tiền tệ từ Fed đối với kinh tế Mỹ là vô cùng quan trọng. “Chúng tôi có một số khía cạnh mà chúng tôi vẫn có thể cung cấp hỗ trợ cho nền kinh tế vì bạn biết chính sách tín dụng của chúng tôi không bị giới hạn... Chúng có thể được mở rộng khi cần thiết và chúng tôi có thể triển khai những giải pháp mới”, Powel khẳng định.
Tuy nhiên theo ông Powell, hiện vẫn có những hạn chế pháp lý đối với những gì mà Fed có thể làm, chẳng hạn như không được phép cho vay đối với các công ty mất khả năng thanh toán, nhưng họ sẽ làm mọi thứ được phép làm. “Chúng tôi có thể làm những gì chúng tôi có thể làm và chúng tôi sẽ làm điều đó đến giới hạn tuyệt đối của những sức mạnh đó”, Chủ tịch Fed Jerome Powel cam kết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận