menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quách Dũng

Kinh tế Mỹ bắt đầu chịu tác động từ dịch bệnh

Các nhà hàng, điểm giải trí, khu vực bán lẻ vốn là các ngành đà tăng trưởng dựa trên tiêu dùng và lưu lượng khách hàng tại Mỹ cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm do nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân đang chững lại đáng kể.

Nền kinh tế Mỹ đã giữ vững đà tăng trưởng vững chắc trước khi Covid-19 lan rộng. Số liệu thống kê cho thấy vào tháng 2/2020, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất 50 năm và tiền lương tăng. Bên cạnh đó, tiêu dùng ổn định, lạm phát thấp và thu nhập hộ gia đình tăng.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập vào Mỹ thì nền kinh tế bắt đầu cho thấy những dấu hiệu bị ảnh hưởng. Khu vực sản xuất là những nhân tố chịu tác động đầu tiên khi chỉ số PMI tổng hợp đã giảm liên tục trong 2 tháng đầu năm, trong đó tháng 2 đã chính thức rơi vào ngưỡng thu hẹp 49,6 điểm, đánh dấu lần thu hẹp đầu tiên của chỉ số này kể từ tháng 10/2013. Diễn biến kém tích cực được ghi nhận ở cả hai khu vực chế biến chế tạo và khu vực dịch vụ khi chỉ số PMI chế biến chế tạo đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái còn 50,8 điểm và chỉ số PMI khu vực dịch vụ cũng đã giảm mạnh xuống vùng thu hẹp còn 47 điểm.

Sự thu hẹp của khu vực sản xuất là do nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ đang chịu tác động mạnh từ nguy cơ lây lan của dịch Covid-19. Lĩnh vực hàng không là một trong những khu vực chịu tác động đầu tiên. Theo đó, Hãng hàng không Southwest Airlines, chủ yếu bay các chặng nội địa Mỹ, cho biết đang chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về nhu cầu đi lại và số lượt hủy chuyến tăng. Trong khi đó, United Airlines khuyến khích nhân viên nghỉ phép không lương vào thời điểm đang giảm lịch bay.

Các nhà hàng, điểm giải trí, khu vực bán lẻ vốn là các ngành đà tăng trưởng dựa trên tiêu dùng và lưu lượng khách hàng tại Mỹ cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ suy giảm do nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân đang chững lại đáng kể. Theo đó, nhiều công ty lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau cũng bắt đầu chịu các ảnh hưởng nhất định khi United và Hyatt Hotels đang có kế hoạch ngưng thuê người, hay General Motors và Nestlé SA hạn chế việc đi lại của nhân viên.

Ngoài ra, theo đài CNBC, giới chuyên gia kinh tế nhận định vài tuần tới sẽ là khoảng thời gian đầy thử thách đối với nhiều công ty Mỹ đang chờ đợi các nhà máy Trung Quốc mở cửa trở lại. Quá trình đóng cửa trong một thời gian dài do sự bùng phát dịch bệnh tại Trung Quốc đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhiều công ty tại Mỹ. Cụ thể như hãng Apple cảnh báo doanh thu quý này sẽ không đạt mục tiêu do dây chuyền sản xuất iPhone ở Trung Quốc tê liệt và nhu cầu tại đây sụt giảm.

Trước tình hình đó, một số doanh nghiệp Mỹ đã tiến hành di dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc và tránh được tình trạng tê liệt vì dịch. Azazie, một hãng bán lẻ thời trang ở TP San Jose (bang California), trước đây có 50 xưởng gia công ở Trung Quốc, đã đưa một phần dây chuyền sản xuất tới Campuchia và Việt Nam.

Một tác động đáng kể khác của tình trạng đình đốn trong hoạt động sản xuất tiêu dùng là có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trở lại tại Mỹ. Ngoài ra, thị trường trái phiếu, lợi suất kho bạc giảm xuống mức thấp trong lịch sử, đồng USD tăng giá và thị trường chứng khoán nhiều phiên đỏ lửa cũng đang tạo ra những xáo trộn mạnh mẽ trên các thị trường tài chính tiền tệ và ảnh hưởng mạnh đến thu nhập của các nhà đầu tư.

Trước tình hình đó, Moodys Analytics đã nâng dự báo khả năng suy thoái của Mỹ trong nửa đầu năm 2020 từ 20% lên 40%. Tương tự như vậy, Diane Swonk, Kinh tế trưởng tại Grant Thornton nhận định tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm còn 0,5% trong nửa đầu năm, chậm lại rõ rệt so với mức 2,3% của năm ngoái.

Để chặn đứng nguy cơ này, chính phủ Mỹ đang nỗ lực thực hiện các giải pháp khẩn cấp để hỗ trợ tăng trưởng. Ngày 3/3, Fed đã đột ngột điều chỉnh giảm lãi suất 0,5% trong một phiên họp chính sách tiền tệ đột xuất. Đây là lần cắt giảm lãi suất đột xuất của Fed lần đầu tiên kể từ năm 2008 trở lại đây. Động thái cắt giảm mạnh lãi suất của Fed lần này được lý giải nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ đối phó với những rủi ro từ dịch Covid-19, nhất là giảm thiểu tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và tiêu dùng (giảm cú sốc cầu), qua đó, giúp nền kinh tế đạt được những mục tiêu về việc làm và ổn định giá cả. Động thái này cũng thể hiện việc Fed cần có hành động để củng cố niềm tin, ổn định thị trường tài chính

Bên cạnh hành động của Fed, ngày 6/3, Tổng thống Donald Trump đã ký một dự luật chi tiêu khẩn cấp trị giá 8,3 tỷ USD để chống lại Covid-19, bao gồm tài trợ cho các nỗ lực phát triển vaccine và hỗ trợ các tiểu bang ứng phó dịch bệnh. Ngoài ra, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết chính quyền đang xem xét các biện pháp kịp thời và nhắm vào việc giúp các công nhân và các ngành bị ảnh hưởng. Việc này bao gồm các biện pháp như hoãn thuế đối với những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chủ yếu là khách sạn và du lịch.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả