Kinh tế Internet của Việt Nam và Indonesia sẽ tăng trưởng mạnh nhất khu vực
Giá trị giao dịch thương mại trực tuyến ở Đông Nam Á sẽ đạt hơn 300 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Con số này tăng trưởng gấp ba lần so với mức được dự báo trong năm nay, chủ yếu nhờ lực lượng người dùng Internet khổng lồ trong khu vực với 400 triệu người, trong đó có đến 40 triệu người lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ Internet trong năm nay.
Thương mại điện tử bùng nổ, du lịch trực tuyến xìu
Google, Quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek và hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain trong một báo cáo nghiên cứu chung công bố hôm 10-11, cho hay sức nóng của nền kinh tế internet của Đông Nam Á nguội bớt trong thời kỳ cao điểm dịch Covid-19. Tuy nhiên, giá trị giao dịch thương mại trực tuyến của khu vực này sẽ sớm trở lại đà tăng trưởng nhanh chóng và sẽ đạt giá trị 309 tỉ đô la vào năm 2025, cao hơn gấp ba lần so với năm nay.
Theo báo cáo, nhìn chung, những thay đổi ‘chấn động’ ở hành vi của người tiêu dùng trong năm nay đang tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế internet ở Đông Nam Á.
Báo cáo cho biết khu vực này cũng đón nhận thêm 40 triệu người dùng internet mới trong năm 2020, trong khi đó, trung bình, cứ ba người tiêu dùng mua sắm trực tuyến lần đầu trong năm nay, có một người làm như vậy vì lý do dịch bệnh.
Báo cáo được thực hiện dựa trên cuộc khảo sát 4.700 người tiêu dùng ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines về sự thay đổi hành vi mua sắm trực tuyến của họ trước và sau khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Báo cáo nhận định trong năm nay, tổng giá trị giao dịch trực tuyến ở bốn lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế internet gồm thương mại điện tử, du lịch, vận tải và truyền thông tại khu vực ASEAN chỉ tăng nhẹ 5 tỉ đô la, lên mức 105 tỉ đô la do tác động của đại dịch Covid-19.
Các hạn chế đi lại ở các nước ASEAN để thực thi giãn cách xã hội đã bóp nghẹt một bộ phận của nền kinh tế internet trong khu vực khi nhu cầu du lịch và gọi xe giảm đáng kể. Dù vậy, mức tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử và giao đồ ăn đã bù đắp tác động tiêu cực này.
Báo cáo cho biết lượng giao dịch của người tiêu dùng ở lĩnh vực đặt mua đồ ăn và thực phẩm qua nền tảng trực tuyến lần lượt tăng 34% và 33% sau khi dịch Covid-19 ập đến khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, dịch vụ giáo dục và video trực tuyến cũng tăng trưởng trên mức 20%.
Năm nay, giá trị giao dịch hàng hóa qua kênh thương mại điện tử ở Đông Nam Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng 63% so với năm 2019, lên con số 62 tỉ đô la Mỹ trong năm 2020 vì dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người tiêu dùng chọn cách ngồi ở nhà để mua thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu khác. Báo cáo của Google, Temasek và Bain dự báo thị trường mua sắm trực tuyến của khu vực sẽ đạt giá trị 172 tỉ đô la vào năm 2025, cao hơn mức 153 tỉ đô la trong dự báo của họ trước đây.
Không có gì bất ngờ khi báo cáo ghi nhận dịch vụ du lịch trực tuyến ở Đông Nam bị dịch bệnh tác động nặng nề nhất với giá trị giao dịch giảm 58% so với năm ngoái, về con số 14 tỉ đô la trong năm 2020. Dù vậy, báo cáo nhận định đà phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh sẽ giúp thị trường du lịch trực tuyến của khu vực đạt giá trị 60 tỉ đô vào năm 2025.
Việt Nam và Indonesia dẫn đầu về mức tăng trưởng
Trong năm nay, do tác động của cú sốc Covid-19, nền kinh tế số hóa của Singapore suy giảm về mức 9 tỉ đô la, giảm 24% so với năm ngoái. Singapore là nước duy nhất trong số 6 nước ASEAN được đề cập đến trong báo cáo của Google, Temasek và Bain chứng kiến nền kinh tế internet suy giảm trong năm 2020.
Việt Nam và Indonesia vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số. Việt Nam dẫn đầu tốc độ tăng trưởng của khu vực với giá trị của nền kinh tế số hóa tăng 16% lên mức 14 tỉ đô la trong năm nay.
Indonesia, quốc gia đông dân nhất khu vực sẽ chứng kiến nền kinh tế internet tăng trưởng 11%, lên 44 tỉ đô la trong năm nay.
Con số tăng trưởng này ở Thái Lan, Malaysia và Philippines chỉ ở mức 6-7%.
Báo cáo nhận định nền kinh tế internet của Việt Nam và Indonesia sẽ tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực trong 5 năm tới với mức tăng trung bình lần lượt 29% và 23% mỗi năm. Giá trị của nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt 52 tỉ đô la vào năm 2025, tăng mạnh so với con số 14 tỉ đô la được dự báo trong năm nay.
Covid-19 tàn phá nặng nền kinh tế tổng thể của Indonesia nhưng lại thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử ở nước này. Trong quí 3, nền kinh tế lớn lớn nhất Đông Nam Á rơi vào suy thoái lần đầu tiên trong hơn hai thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Tuy nhiên, Google, Temasek và Bain dự báo giá trị nền kinh tế số hóa của Indonesia vẫn tăng gấp ba, lên con số 124 tỉ đô la vào năm 2025.
Báo cáo của ba công ty này cũng cho biết đại dịch Covid-19 đang tăng tốc sự đón nhận của các dịch vụ tài chính trực tuyến ở Đông Nam Á khi có nhiều nhiều người dùng hơn dựa vào các phương thức không tiếp xúc để thanh toán và chuyển tiền.
Dù vậy, giá trị cho vay trực tuyến ở khu vực này không đổi so với năm ngoái, đứng ở mức 23 tỉ đô la, chủ yếu do các lo ngại nợ xấu.
Báo cáo nhận định: “Các tổ chức cho vay ngang hàng nhắm đến các dịch vụ cho vay ngắn hạn, có độ rủi ro cao và một số tổ chức cho vay truyền thống nhỏ hơn sẽ đối mặt với khó khăn trong những quí tới”.
Báo cáo cho rằng các dịch vụ tài chính số hóa sẽ có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hơn khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đón nhận các phương thức thanh toán trực tuyến. Báo cáo nhận định giá trị thanh toán số hóa của khu vực Đông Nam Á của khu vực sẽ tăng từ mức 600 tỉ đô la trong năm 2019 lên 620 tỉ đô la vào năm 2020 và có thể đạt 1.200 tỉ đô la vào năm 2025.
Trò chuyện với CNBC, Stephanie Davis, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của Google, cho biết đại dịch Covid-19 làm thay đổi rất nhiều trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng khắp Đông Nam Á. Bà cho rằng có bằng chứng đáng khích lệ cho thấy phần lớn sự chuyển dịch sang phương thức mua sắm số hóa của họ sẽ duy trì ngay cả sau đại dịch.
Bà nói: “Chẳng hạn, khi chúng tôi hỏi người tiêu dùng (ở Đông Nam Á) vì sao họ chọn sử dụng thương mại điện tử trong thời kỳ dịch bệnh, họ chia sẻ với chúng tôi rằng là để tránh nguy cơ bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Nhưng điều quan trọng hơn, một tỷ lệ gần tương đương của những người nêu lý do như vậy nói rằng họ cũng thích mua sắm trực tuyến vì tính hiệu quả và thuận tiện”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận