Kinh tế giảm tốc, Trung Quốc vội chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng
Dưới sức ép của cuộc khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản và chiến lược Zero-Covid (triệt tiêu ca nhiễm), kinh tế Trung Quốc gần đây phát đi hàng loạt tín hiệu giảm tốc...
Sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron khiến bức tranh càng thêm phần u ám, báo hiệu về một cú sụt tốc mạnh trong năm tới.
Trong bối cảnh như vậy, Bắc Kinh đã gấp rút triển khai một loạt biện pháp để vực dậy nền kinh tế đang dần đuối sức.
CÚ ĐẢO NGƯỢC GÂY THẤT VỌNG
Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy nhiều thách thức nổi lên ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong tháng 11 vừa qua.
Sau khi tăng trưởng khiêm tốn 4,9% trong tháng 10, doanh thu bán lẻ của Trung Quốc lại sụt tốc trong tháng 11, với mức tăng chỉ đạt 3,9%. Số liệu này thấy những đợt bùng dịch Covid và quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc không chấp nhận sống chung với Sars-CoV2 đang gây ra những tổn thất kinh tế.
Giá nhà ở giảm tháng thứ ba liên tiếp, đồng nghĩa với cuộc khủng hoảng thanh khoản trong ngành địa ốc có thể trở nên trầm trọng hơn. Công ty bất động sản khổng lồ China Evergrande Group đã bị gọi là vỡ nợ và đang chuẩn bị bước vào một cuộc tái cơ cấu nợ lịch sử, trong khi vấn đề thanh khoản cũng đang trở nên căng thẳng ở những doanh nghiệp nhà đất khác của Trung Quốc như Kaisa Group, Shimao Group Holdings…
Trong ngành sản xuất, các biện pháp chống dịch quyết liệt được triển khai khi xuất hiện ca nhiễm tiếp tục khiến các nhà máy tại các vùng sản xuất chủ lực của Trung Quốc bị gián đoạn sản xuất. Tháng 11, ngành sản xuất của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 2,5% đạt được trong tháng 11, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng khoảng 6% đạt được trong mùa hè.
Hơn một tuần trước khi hạ lãi suất, PBOC đã có động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay. Đợt giảm dự trữ bắt buộc này ước tính giải phóng lượng vốn khoảng 188 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Đầu tư tài sản cố định chỉ tăng 5,2% trong 11 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc mạnh so với mức tăng 6,1% đạt được trong 10 tháng đầu năm. Tình trạng giảm tốc này chủ yếu do giảm đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng.
Trong quý 3, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng chậm nhất trong một năm. Hãng tin Bloomberg dự báo trong quý 4 này, GDP của Trung Quốc chỉ đạt mức tăng 4,5%.
Sự ảm đạm của kinh tế Trung Quốc hiện nay là một cú đảo ngược gây thất vọng so với những gì đã diễn ra trong năm 2020, khi nước này là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới đạt mức tăng trưởng dương. Suốt năm 2021, Trung Quốc đã phải chống chọi hàng loạt trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế, gồm cuộc khủng hoảng thiếu điện, khủng hoảng nợ trong ngành bất động sản, và sự suy giảm của tiêu dùng do chiến lược Zero-Covid.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế, đồng thời dịch chuyển lập trường từ thắt chặt sang nới lỏng các biện pháp kiểm soát.
Hơn một tuần trước khi hạ lãi suất, PBOC đã có động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay. Đợt giảm dự trữ bắt buộc này ước tính giải phóng lượng vốn khoảng 188 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên của Chính phủ Trung Quốc hồi đầu tháng 12, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc thừa nhận rằng nền kinh tế trong nước đang đối mặt cùng lúc 3 sức ép, gồm nhu cầu suy giảm, cú sốc nguồn cung, và kỳ vọng suy yếu. Hội nghị nhấn mạnh rằng trong năm tới, Trung Quốc sẽ đặt trọng tâm lớn hơn vào ổn định, đồng thời kết luận “chính sách tiền tệ sáng suốt cần có sự linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, thanh khoản cần được duy trì ở mức hợp lý và đầy đủ”.
Đối với Trung Quốc, năm 2022 là một năm có tầm quan trọng lớn về chính trị, bởi đây là năm nước này tiến hành đại hội đảng. Đầu tháng này, cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc đã lần đầu tiên sử dụng cụm từ “ổn định là ưu tiên cao nhất”.
CUỘC ĐUA GIỮA GIẢM TỐC KINH TẾ VÀ NỚI LỎNG CHÍNH SÁCH
Theo dự báo của Macquarie Capital, kinh tế Trung Quốc vẫn có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 7,8% trong năm nay. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Macquarie, ông Larry Hu, cảnh báo rằng “xu hướng suy giảm tăng trưởng trên diện rộng sẽ tiếp diễn trong năm tới”. Theo ông Hu, mục tiêu tăng trưởng GDP hơn 6% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2021 là trong tầm tay, nhưng “bảo vệ mức tăng 5% cho năm tới sẽ là một nhiệm vụ khó khăn”.
Một điểm sáng hiếm hoi trong loạt dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc là sản lượng công nghiệp tháng 11 thăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn một chút so với mức tăng của tháng 10. “Một tin tốt là khu vực sản suất cho thấy một số dấu hiệu ổn định, nhờ tình trạng thiếu điện đã được khắc phục phần nào và sự vững vàng của nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu”, ông Hu nhận định trong một báo cáo.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả của chiến lược Zero-Covid mà nước này theo đuổi. Đây là chiến lược bao gồm các biện pháp mạnh tay như phong toả từng khu dân cư, toàn thành phố, thậm chí cả một vùng rộng lớn để phản ứng với chỉ một vài ca nhiễm. Những đợt phong toả trước đây tại các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc đã khiến các cảng biển của Trung Quốc tê liệt và gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát ở tỉnh Triết Giang, một trong những khu vực sản xuất và xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, khiến giới phân tích lo ngại. Nhiều nhà máy ở tỉnh này đã phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian gần đây, khi nhà chức trách siết chặt các biện pháp chống dịch trong bối cảnh số ca nhiễm trong đợt bùng dịch này ở Triết Giang vượt hơn 200 ca. Chưa kể, những ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở Trung Quốc cũng đã xuất hiện.
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đặt ra nhiều câu hỏi về hiệu quả của chiến lược Zero-Covid mà nước này theo đuổi. Đây là chiến lược bao gồm các biện pháp mạnh tay như phong toả từng khu dân cư, toàn thành phố, thậm chí cả một vùng rộng lớn để phản ứng với chỉ một vài ca nhiễm. Những đợt phong toả trước đây tại các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc đã khiến các cảng biển của Trung Quốc tê liệt và gây tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu. “Khả năng rất cao là sẽ có thêm những đợt gián đoạn chuỗi cung ứng nữa”, một báo cáo của Capital Economics nhận định.
Giới chuyên gia dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục tung ra các biện pháp quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng.
“Trong vòng một năm qua, chúng ta đã chứng kiến ở Trung Quốc một cuộc đua giữa phục hồi kinh tế và thắt chặt chính sách. Hoá ra thắt chặt đã hạ gục tăng trưởng. Năm tới, cuộc đua sẽ là giữa giảm tốc kinh tế và nới lỏng chính sách. Áp lực đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang ngày càng lớn, nhưng đừng đánh giá thấp quyết tâm của Bắc Kinh trong việc đạt được sự ổn định”, ông Hu nhận xét.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc đã bắt đầu bước vào một chu kỳ nới lỏng, với những đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc giảm lãi suất sẽ tiếp tục được triển khai trong nửa đầu năm tới. Theo các chuyên gia của Societe Generale, việc PBOC hạ lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới đây “phản ánh lập trường chính sách ngày càng mềm mỏng. Hai động thái này còn rất dè dặt, nhưng chắc chắn PBOC sẽ có thêm những bước nới lỏng nữa trong thời gian tới”.
Nỗi lo hình thành bong bóng tài sản là lý do dẫn tới việc Trung Quốc triển khai các biện pháp thắt chặt trong năm ngoái, bao gồm kiềm chế vay nợ tại các công ty bất động sản. Dù hiện nay đã dịch chuyển sang nới lỏng, Bắc Kinh vẫn đang giữ vững quyết tâm giảm nợ trong nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nhà đất. Điều này thể hiện qua việc lãi suất tham chiếu của các khoản vay kỳ hạn 5 năm - lãi suất cơ bản cho các khoản vay thế chấp nhà - được giữ nguyên ở mức 4,65%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận