Kinh tế Đông Nam Á không xấu kịch đường tàu
Tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực Đông Nam Á sẽ chậm lại ở mức 4,2% trong năm nay do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng sẽ tăng trở lại 5% hoặc cao hơn ngay trong năm 2021.
Ðỉnh điểm tiêu cực sẽ rơi vào quý I
Sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Trung Quốc và lan ra nhiều quốc gia trên thế giới đã ảnh hưởng đáng kể tới khu vực Ðông Nam Á.
Tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực dự kiến sẽ chậm lại ở mức 4,2% vào năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến du lịch, làm gián đoạn chuỗi cung ứng khu vực và giảm chi tiêu hộ gia đình.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ trở lại mức 5% vào năm 2021, nhờ các chính sách vĩ mô phù hợp và kích thích tài khóa.
Các mô hình phân tích của Nhóm Nghiên cứu kinh tế châu Á - Oxford Economics cho thấy, dịch Covid-19 sẽ tác động đến du lịch và chuỗi cung ứng trong ngắn hạn, sau đó sẽ có sự phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2020.
Ảnh hưởng của dịch sẽ lớn ở những nước có nguồn thu lớn từ du lịch, đặc biệt phụ thuộc mạnh vào lượng du khách Trung Quốc.
Thái Lan là nước chịu tác động lớn nhất, bởi du lịch chiếm khoảng 20% GDP và 28% khách nước ngoài đến từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, đồng baht của Thái đã tăng giá làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nước này từ năm ngoái.
Dịch bệnh cũng khiến chuỗi cung ứng sản xuất bị ảnh hưởng, trong đó có việc đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Việt Nam, với đặc điểm địa lý gần Trung Quốc, các ngành xuất khẩu chủ lực sử dụng trên 40% nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường này dự báo sẽ có sự sụt giảm mạnh trong sản lượng công nghiệp và xuất khẩu trong quý I, song quý II sẽ có sự hồi phục mạnh.
Nếu như Thái Lan chịu tác động nặng nề nhất về sự suy giảm trong ngành du lịch thì Việt Nam và Singapore chịu tác động chuỗi cung ứng đứt đoạn và hạn chế đi lại.
Indonesia được dự báo chỉ giảm 0,1% GDP do kinh tế không phụ thuộc vào du lịch.
Tuy nhiên, dịch bệnh nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến các dòng đầu tư. Niềm tin bị chấn động sẽ ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng kinh tế.
Ở thời điểm này, chúng tôi kỳ vọng, ảnh hưởng tiêu cực sẽ lên tới đỉnh điểm trong quý I, nhưng tác động chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế đang xấu đi, các chính sách tiền tệ mở rộng và kích thích tài khóa sẽ giúp giảm tác động từ dịch bệnh.
Thái Lan, Malaysia và Philippines đã cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, Indonesia có khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong quý I/2020.
Chính phủ Singapore cũng đưa ra gói hỗ trợ kinh tế lớn hơn dự kiến (1,2% GDP) trong ngân sách 2020 để giúp nền kinh tế nước này đối phó với những khó khăn do đợt bùng phát dịch bệnh.
Trong khi đó, Thái Lan và Malaysia gần đây đã áp dụng những chính sách tương tự. Hai quốc gia này đều đưa ra các gói kích thích kinh tế, dù chưa được công bố chi tiết nhưng được cho rằng, các biện pháp hỗ trợ sẽ hướng đến các nhóm đối tượng bị tổn thương lớn nhất là du lịch và hộ tiêu dùng.
Các nước Ðông Nam Á cũng cho phép thâm hụt ngân sách lớn hơn để thúc đẩy các chương trình đầu tư nội địa.
Bên cạnh nỗ lực thúc đẩy kinh tế duy trì tăng trưởng, động thái tích cực có thể đến từ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như chu kỳ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm.
Ðà xuất khẩu và nhập khẩu dự kiến sẽ cải thiện đáng kể trong suốt thời gian còn lại của năm. Nới lỏng chính sách tiền tệ trong khu vực và chủ động tăng chi tiêu cũng sẽ hỗ trợ thêm cho nhu cầu trong nước và giảm bớt một phần tác động của dịch bệnh.
Nỗ lực lấy lại phong độ
Trong báo cáo quý I cung cấp tới các nhà đầu tư, các chuyên gia kinh tế của ICAEW tập trung phân tích vào 2 nền kinh tế năng động nhất trong khu vực Ðông Nam Á, trước hết là với đảo quốc sư tử Singapore.
Trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, quốc đảo này đã phải đóng cửa với du khách đến từ Trung Quốc, Iran, miền Bắc Italy và Hàn Quốc, khiến ngành dịch vụ du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trong quý I.
Ngoài ra, xuất khẩu dịch vụ của Singapore có thể sẽ giảm mạnh. Chi tiêu tư nhân cũng sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu.
Nhìn về triển vọng tương lai, ngân sách Singapore 2020 - một trong những ngân sách lớn nhất trong lịch sử, sẽ hỗ trợ nền kinh tế khỏi các tác động kinh tế tiêu cực do dịch bệnh.
Gói cứu trợ tài chính của Chính phủ (1,2% GDP) và gói 6,4 tỷ SGD được triển khai để hỗ trợ chi phí tiền lương cho người lao động, doanh nghiệp và các hộ gia đình.
Chi tiêu chính phủ và các khoản đầu tư cố định dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng khả quan với các dự án lớn như Nhà ga số 5 của Sân bay Changi và Hành lang Bắc-Nam trong những tháng tới.
Nhìn chung, tác động từ sự bùng phát của dịch Covid-19 có thể ngắn hạn, nhưng GDP của Singapore có thể sẽ chậm lại 1% vào năm 2020.
Với Thái Lan, tăng trưởng GDP quốc gia này được nhận định giảm xuống 1,9% vào năm 2020, từ mức 2,4% trong năm 2019, do ảnh hưởng bởi dòng chảy du lịch và tiêu dùng tư nhân giảm.
Ngoài ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và nhu cầu nhập khẩu thấp hơn của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa của Thái Lan.
Trước đó, nền kinh tế Thái Lan kết thúc năm 2019 với sự tăng trưởng suy yếu trên diện rộng, GDP chậm lại tới 1,6% so với cùng kỳ trong quý I/2019.
Tuy nhiên, với các chính sách vĩ mô phù hợp, Thái Lan có thể mong đợi sự phục hồi vững chắc vào nửa cuối năm 2020.
Ðến nay, Ngân hàng Thái Lan đã cắt giảm lãi suất xuống mức 1%/năm trong tháng 2 để chống lạm phát cùng với các biện pháp tài khóa khác. Chính phủ Thái Lan có thể sẽ công bố hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình và ngành du lịch, với gói tài chính kích cầu bổ sung.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận