menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Thành Dũng

Kinh tế châu Âu kẹt trong thế khó

Kinh tế khu vực châu Âu tăng trưởng nhẹ trong quý đầu năm nhưng đang đối diện với nguy cơ suy thoái do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 29/4 cho biết GDP quý I của 19 quốc gia khu vực đồng euro tăng hơn 0,2% so với quý IV/2021 và 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế Mỹ quý rồi giảm 1,4%.

Số liệu về giá tiêu dùng trong tháng 4 do Eurostat công bố cũng ghi nhận tỷ lệ lạm phát tăng lên 7,5%, từ mức 7,4% trong tháng 3. Giá năng lượng đã giảm 3,7% trong tháng, nhưng vẫn cao hơn 38% so với một năm trước đó.

Đầu năm, khi các hạn chế Covid-19 giảm dần, nền kinh tế châu Âu được dự báo phục hồi mạnh mẽ trong năm nay. Tuy nhiên, khủng hoảng Ukraine nổ ra vào tháng 2 đã làm tiêu tan những hy vọng đó. Các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm tăng trưởng do chi phí năng lượng tăng cao, có thể trở thành suy thoái kinh tế nếu nguồn cung cấp khí đốt và dầu từ Nga bị gián đoạn.

Các nhà phân tích tại Capital Economics cho biết bất chấp con số khả quan trong quý đầu tiên, "chúng tôi cho rằng GDP của khu vực đồng euro có khả năng giảm trong quý II do ảnh hưởng từ cuộc chiến Ukraine và giá năng lượng tăng cao làm ảnh hưởng thu nhập thực tế của các hộ gia đình và cả niềm tin của người tiêu dùng, cũng như trầm trọng thêm các vấn đề từ phía cung".

Chi phí năng lượng tăng vọt đang là thách thức lớn nhất đối với châu Âu. "Giá năng lượng tăng mạnh đang làm giảm nhu cầu và tăng chi phí sản xuất", Luis de Guindos, Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đánh giá. Cùng với đó, sự gián đoạn mới về nguồn cung cấp thành phẩm và phụ tùng từ Trung Quốc cũng tạo ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp.

Cũng theo vị này, cuộc chiến tại Ukraine đang đè nặng lên niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo ra những nút thắt mới. "Những diễn biến này cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong giai đoạn sắp tới", ông dự báo.

Để đối phó với sự gia tăng lạm phát trong những tháng gần đây, ECB cho biết có thể kết thúc chương trình mua trái phiếu trong ba tháng đến hết tháng 9, mở đường cho đợt tăng lãi suất cơ bản đầu tiên kể từ năm 2011.

Các cuộc khảo sát về hoạt động của châu Âu trong những tuần mà Nga đưa quân vào Ukraine cho thấy nền kinh tế khu vực này đang duy trì tốt hơn so với một số lo ngại của nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách. Như cuộc khảo sát của Ifo về các doanh nghiệp Đức ghi nhận niềm tin phục hồi trong tháng 4, sau khi sụt giảm vào tháng 3. Còn khảo sát của EU về người tiêu dùng ghi nhận sự phục hồi một phần...

Tuy nhiên, chiến sự càng kéo dài và chi phí năng lượng ở mức cao thì nguy cơ tăng trưởng giảm dần càng lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đầu tháng cũng đã hạ dự báo tăng trưởng của eurozone năm nay xuống 2,8%, từ mức 3,9% trước đó.

IMF cho rằng tăng trưởng có thể yếu hơn ở một số nền kinh tế lớn trong khu vực bao gồm Pháp, Đức và Italy. "Có nguy cơ một số trong số các nước này có thể bước vào một cuộc suy thoái kỹ thuật nhẹ", Alfred Kammer, người đứng đầu IMF tại châu Âu cho biết.

Một cuộc suy thoái sẽ trở nên dễ xảy ra hơn nếu Nga quyết định cắt giảm bán khí đốt tự nhiên và dầu cho các thành viên khu vực đồng euro như Đức, hoặc nếu EU áp đặt lệnh cấm vận nhập khẩu năng lượng từ nước này.

Giả định các lệnh trừng phạt giữ nguyên như hiện tại và giá dầu trung bình khoảng 100 USD một thùng năm nay, các nhà kinh tế tại JPMorgan ước tính châu Âu sẽ tiêu tốn gần 600 tỷ euro (tương đương 634 tỷ USD) để nhập khẩu năng lượng cho 2022, vào khoảng 4% GDP eurozone. Trong khi trung bình trước dịch chỉ chiếm khoảng 2,5%.

Trường hợp ngừng nhập khẩu năng lượng từ Nga, chi phí có thể tăng thêm từ 2% đến 3% sản lượng kinh tế. Điều này sẽ làm giảm mạnh năng lực tài chính mà các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.

Việc ngừng cung cấp năng lượng đột ngột của Nga cũng có thể dẫn đến sự sụt giảm sản lượng của các ngành có ít lựa chọn thay thế. "Nếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga đột ngột bị ngừng, nó sẽ gây ra thiệt hại kinh tế không thể phục hồi", Martin Brudermüller, Giám đốc điều hành của tập đoàn hóa chất BASF SE của Đức, cho biết.

Phát biểu trước các cổ đông hôm 29/4, ông Brudermüller cho biết công ty có thể phải ngừng sản xuất tại nhà máy Ludwigshafen nếu nguồn cung khí đốt của Nga bị ngắt. "Nói một cách dễ hiểu, không có giải pháp ngắn hạn nào để thay thế khí đốt tự nhiên từ Nga. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các phương án để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga càng nhanh càng tốt", ông nói.

Alfred Stern, Giám đốc điều hành của một trong những công ty năng lượng lớn nhất châu Âu OMV, cho biết EU gần như không thể tìm ra các giải pháp thay thế cho khí đốt của Nga trong ngắn hạn.

"Chúng ta nên nói rõ ràng rằng trong ngắn hạn, sẽ rất khó cho châu Âu, nếu không muốn nói là không thể thay thế các dòng khí đốt của Nga. Vì vậy, đây có thể là một cuộc tranh luận trung và dài hạn. Trước mắt, tôi nghĩ cần phải tập trung và đảm bảo rằng chúng ta duy trì được khí đốt cho các ngành công nghiệp, các hộ gia đình", Stern nói.

Trong công bố số liệu, Eurostat không đưa ra phân tích hoạt động kinh tế trong quý đầu tiên. Nhưng các cơ quan quốc gia thành viên đã cung cấp một số ý kiến về những gì nằm đằng sau sự tăng trưởng khiêm tốn 3 tháng đầu năm.

Tại Pháp và Tây Ban Nha, sự sụt giảm lớn trong chi tiêu tiêu dùng đã kìm hãm tăng trưởng trong quý I, phản ánh tác động của các hạn chế của Covid-19 đối với việc tiếp cận dịch vụ đòi hỏi sự tiếp xúc giữa người và người. Bên cạnh đó là áp lực ngân sách hộ gia đình do hóa đơn năng lượng tăng. Tuy nhiên, ở cả hai nước, chi đầu tư và xuất khẩu tiếp tục tăng.

Trong khi nền kinh tế của Pháp đình trệ và của Tây Ban Nha chậm lại, nền kinh tế của Đức đã tăng trưởng lại sau khi giảm vào quý cuối năm ngoái. Ngược lại, nền kinh tế của Italy đã giảm trong 3 tháng đầu năm, sau khi tăng trưởng trong 3 tháng cuối năm qua.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại