menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quang Minh

Kinh tế bền vững tăng tốc trong khối APEC

Không còn là ý tưởng, kinh tế bền vững đã có những tín hiệu lan tỏa rõ nét trong cộng đồng doanh nghiệp và chính sách của khối APEC.

Trước đây, kén tằm thải loại có thể được dùng để đeo vào đầu ngón tay khi rửa vật dụng. Nhưng Silk Cocoon (Thái Lan) đã nâng tầm giá trị bằng cách may chúng lại với nhau thành ví tiền, túi đựng điện thoại, hộp khăn giấy, hay chụp đèn ngủ.

Bộ sưu tập của họ gây tò mò các khách mời khi xuất hiện trong triển lãm của Hội nghị chuyên đề về mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh khuôn khổ năm APEC 2022 (APEC BCG Symposium) hôm 20/5 tại Bangkok.

Cũng tại sự kiện, Faslink - một doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu ngành may mặc Việt Nam, mang đến chiếc áo có sợi vải được làm từ bã cà phê. Với khẩu hiệu "Uống cà phê. Mặc cà phê", chiếc áo thu hút sự chú ý của Phó thủ tưởng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit khi tham quan.

"70% danh mục sản phẩm của công ty là đến từ các công nghệ xanh", bà Trần Hoàng Phú Xuân, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc Faslink, cho biết.

Kinh tế bền vững tăng tốc trong khối APEC

Phó thủ tưởng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit sờ thử chất liệu chiếc áo thun từ sợi bã cà phê, với sự giới thiệu của bà Trần Hoàng Phú Xuân, Nhà sáng lập, Tổng giám đốc Faslink (áo dài trắng) sáng 20/5 tại khuôn khổ APEC BCG Symposium. Ảnh: Viễn Thông

Không chỉ còn là khẩu hiệu, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất những sản phẩm upcycle (chuyển đổi sáng tạo các nguyên liệu thải bỏ để chúng tạo ra sản phẩm giá trị hơn ban đầu) thay vì dừng lại ở phong trào recycle (tái chế vật dụng để tận dụng giá trị còn lại của nó).

Thamonwan Virodchaiyan, Đồng sáng lập Moreloop, một startup Thái Lan được 4 tuổi là người theo đuổi recycle và upcycle. Moreloop là một nền tảng để các nhà dệt may bán vải thừa sau quá trình sản xuất cho những nhà thiết kế, những đơn vị có nhu cầu, thay vì chất đầy trong kho hoặc bán giá phế liệu, thải bỏ ra bãi rác.

"Biến đổi khí hậu tác động đến tất cả chúng ta trên hành tinh này thì tại sao chúng ta không là một phần của giải pháp", Thamonwan Virodchaiyan nói tại hội nghị. Startup của cô đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ giảm được 1.000 tấn carbon phát thải.

Ricca Tezuchi, Nhà sáng lập Propeller Design (Nhật Bản) kể về chủ nghĩa tối giản trong thiết kế giúp sản phẩm công ty giảm nguyên liệu tiêu thụ và dễ sử dụng hơn. Họ thiết kế chiếc bàn chải đánh răng với lỗ nhỏ ở phần đầu mà theo nghiên cứu riêng là có thể tăng độ bền, giúp kéo dài thời gian phải mua mới bàn chải. "Từ những thay đổi rất nhỏ sẽ góp phần tạo nên những thay đổi lớn", cô nói.

Kinh tế bền vững đã trở thành đề tài nghị sự chính của nhiều nước cộng đồng Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) gần đây, nhất là sau biến cố Covid-19. Thái Lan, chủ nhà của APEC 2022 chọn chủ đề "Mở rộng mọi cơ hội, Kết nối đa chiều và Cân bằng mọi khía cạnh".

Trong đó, mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (Bio-Circular-Green Economy Model - BCG) là một nội dung trọng tâm. Tại Hội nghị hôm 20/5, Phó Thủ tướng Thái Lan Jurin Laksanawisit cho biết các thành viên APEC sẽ trao đổi kinh nghiệm và tiến tới sử dụng mô hình này cho 21 nền kinh tế. Theo ông, BCG tốt cho đa dạng sinh học, trong khi kinh tế tuần hoàn giúp sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên tạo ra ít chất thải có hại nhất cho môi trường.

Nhiều nước APEC gần đây cam kết cao về phát triển bền vững. Tương tự Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản cũng đặt mục tiêu trung hòa carbon vào 2050. Tại Thái Lan, mô hình BCG phát triển khá sôi nổi. Theo tính toán của Bộ Thương mại nước này, nền kinh tế BCG của họ đóng góp khoảng 21% GDP và sử dụng khoảng 16,5 triệu lao động. Mục tiêu đặt ra là con số sẽ cải thiện lên 24% sau 6 năm nữa.

Để làm điều đó, chính phủ sẽ tập trung hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, vốn đang đóng góp khoảng 34% GDP. "Họ rất nhanh nhẹn và có tiềm năng áp dụng các nguyên tắc BCG cũng như có các tác động xã hội và môi trường đáng kể", Kathathong Thongyai, Trợ lý Tổng cục trưởng, Vụ Xúc tiến Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Thái Lan, nhận xét.

Nhật Bản đã hành động với "Chiến lược phát triển xanh", ban hành tháng 10/2020. "Chúng tôi đi từ ý tưởng xem việc giải quyết các thách thức của biến đổi khí hậu là cơ hội để tăng trưởng trong tương lai", Takashi Hattori, Phó tổng cục trưởng, Cục Chính sách Thương mại, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), nói.

Nước này chọn ra 14 lĩnh vực then chốt để triển khai bằng 8 nhóm giải pháp như ưu tiên vốn, hỗ trợ thuế, tài chính, điều chỉnh các quy định và tiêu chuẩn, gia tăng hợp tác với viện trường, quốc tế... Họ lập quỹ "Đổi mới sáng tạo Xanh" có quy mô 2.000 tỷ yen và giảm thuế đến 10% cho các dự án đầu tư trung hòa carbon.

Hay như Singapore, quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á đưa ra thuế carbon vào năm 2019, cho hay sẽ tiếp tục mạnh tay hơn. Vốn là một trong những nước có thuế carbon cao nhất thế giới nhưng họ vẫn có kế hoạch tăng thêm.

Hiện thuế carbon tại đây là 5 USD/tCO2e (một tấn carbon hoặc khối lượng loại khí nhà kính khác tương tương một tấn carbon). Tuy nhiên, con số này sẽ lên 25 USD vào 2024, 45 USD vào 2025-2027 và đạt 50-80 USD vào 2030.

Theo các chuyên gia, việc triển khai sản xuất bền vững và kinh tế bền vững thời điểm này hợp lý bởi nhu cầu thực của thị trường. "Nhu cầu các sản phẩm xanh, bền vững ngày càng nhiều. Không phải chính sách thúc đẩy nó mà chính nhu cầu thị trường đang thúc đẩy việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản phẩm bền vững", ông Kathathong Thongyai nói.

Một số doanh nghiệp cũng đồng tình. Ông Kosin Virapornsawan, Giám đốc nhà sản xuất đồ chơi Plan Creations (Thái Lan) cho hay từ khi đại dịch xuất hiện, những đứa trẻ ở nhà nhiều hơn nên nhu cầu đồ chơi tăng nhưng phụ huynh cũng yêu cầu thân thiện môi trường hơn. Không chỉ thế, công ty còn nghĩ ra những giải pháp tiết kiệm đồ chơi để hạn chế tiêu hao nguyên liệu.

"Việc sản xuất rất mất nhiều nguyên liệu và thời gian nhưng trẻ con chơi hai phút là chán. Vì vậy, chúng tôi đưa ra mô hình cho thuê đồ chơi. Bây giờ còn có thêm dịch vụ vệ sinh sửa chữa đồ chơi", ông nói. Ngoài ra, họ còn tận dụng nguyên liệu thừa trong sản xuất, kết hợp thêm các nguyên liệu khác để cho ra những sản phẩm đồ chơi mới. Thay vì trước đây, phế phẩm chỉ được bán với giá rẻ như cho, khoảng 1-2 baht mỗi kg.

Kinh tế bền vững tăng tốc trong khối APEC

Các sản phẩm recycle và upcycle trình diễn tại APEC BCG Symposium. Bên trái là những chiếc đèn ngủ đang được thắp sáng với vỏ chụp đèn may bằng kén tằm. Ảnh: Viễn Thông

Hay như doanh nghiệp của bà Phú Xuân, không chỉ có chiếc áo cà phê mà đội ngũ R&D còn nghiên cứu ra các loại sợi vải làm từ vỏ hàu, lá bạc hà, thân và lá sen, chai nhựa PET. Chúng đã được thương mại hóa thành công. Mới nhất có thể kể đến vải làm từ vỏ hàu, với những bộ sưu tập ra mắt từ năm ngoái.

Hợp tác với Owen, họ đã bán được 200.000 chiếc áo chất liệu này. "Thế hệ trẻ, đặc biệt là gen Z đòi hỏi nhiều hơn về sản phẩm bền vững nên thị trường vật liệu thời trang bền vững cũng phát triển nhanh trong 3 năm trở lại đây", bà Xuân nhận xét. "Nhiều người nghĩ tập trung mục tiêu bền vững thì khó có lợi nhuận. Nhưng tôi nghĩ theo đuổi thì sẽ tồn tại lâu dài và tạo ra lợi nhuận dài hạn", bà nói thêm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết để kinh tế bền vững từ một "mầm xanh" có thể vươn cao và chiếm tỷ trọng lớn trong đóng góp GDP. Ông Peter Govindasamy, Giám đốc cấp cao Nhó nghiên cứu quốc tế về biến đổi khí hậu, thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết sự chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp sẽ mang đến tác động hai chiều, tích cực lẫn tiêu cực cho nền kinh tế, xã hội và môi trường.

"Tác động như vậy sẽ gia tăng trong những năm tới." ông nói. Ở Singapore, điều họ quan tâm nhất ở chiều tiêu cực là lao động. Vì vậy, họ xem người lao động là trung tâm của quá trình chuyển đổi sang carbon thấp, bằng cách tập trung vào việc chuyển đổi việc làm, tạo ra nhiều việc làm tử tế và trình độ cao hơn. "Quá trình chuyển đổi phải đảm bảo sự công bằng cho những người đang làm việc trong những ngành phát thải carbon cao, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau", ông nói.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, cô Thamonwan Virodchaiyan của Moreloop cho rằng chính phủ nước nào cũng có ngân sách cho phát triển bền vững. Nếu họ dùng ngân sách đó để tổ chức các sự kiện, vận động tuyên truyền doanh nghiệp hưởng ứng không thôi thì chẳng ai chắc bao nhiêu thực sự chuyển hướng hay quay về sản xuất truyền thống.

Với cách làm này, số tiền bỏ ra dễ dàng tan biến mà không mang lại hiệu quả. Vì vậy, theo cô nên tập trung ngân sách để ưu đãi thuế, giảm giá trên các sản phẩm bền vững nhằm khuyến khích nhu cầu. "Tôi biết rằng việc điều chỉnh các chính sách thuế không dễ dàng nhưng cách này tôi nghĩ sẽ hiệu quả", cô nói.

Chile đặt lộ trình đi đến nền kinh tế tuần hoàn vào 2040. Bà Elizabeth Zapata, Giám đốc phát triển công nghệ Cơ quan Phát triển Kinh tế Chile cho hay khi thiết kế lộ trình thì nước này cũng có nhiều sai sót và thách thức.

Sau thời gian rút kinh nghiệm, họ chia sẻ kinh nghiệm rằng các chính phủ nên tiếp cận theo hướng từ dưới lên, xây dựng những dự án hợp tác công - tư với mục tiêu rõ là giải quyết những thách thức nào của biến đổi khí hậu. "Nên cổ cho việc hợp tác và cộng sinh trong đổi mới sáng tạo và công nghiệp", bà nói.

Ở tầm vĩ mô hơn, theo ông Peter Govindasamy, một chính sách hài hòa giữa lợi ích thương mại và bền vững môi trường chưa có sẵn trong WTO. Đó sẽ là vấn đề cần giải quyết để đạt được kết quả "win-win "cho tất cả tổ chức, từ quốc gia đến WTO và Liên hợp quốc.

Trước mắt, theo ông Takashi Hattori, chính các thành viên APEC phải cùng giải quyết các vấn đề của biến đổi khí hậu hướng đến trung hòa carbon. Với đóng góp của mình, Nhật Bản đang có chương trình "Sáng kiến tương lai châu Á - Nhật Bản" và "Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á".

"APEC cần là một vườn ươm của các ý tưởng", ông nói.

Viễn Thông

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại