Kinh tế ASEAN phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19
Báo cáo của HSBC đã cho thấy tiềm năng của kinh tế ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc liên tục nâng cao năng lực sản xuất bất chấp suy thoái toàn cầu.
Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo về “Triển vọng ASEAN - Xuất khẩu: Một câu chuyện kiên cường đáng ngạc nhiên” với những nội dung chính xoay quanh vấn đề xuất khẩu của ASEAN, sự trở lại của du lịch, những triển vọng và cơ hội rộng mở trong khu vực.
Theo báo cáo, thời điểm hiện tại, mặc dù suy thoái toàn cầu đang là chủ đề của nhiều thảo luận, các nền kinh tế ASEAN vẫn đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ.
Trong khi ASEAN không hoàn toàn “miễn dịch” trước tình hình thương mại chậm lại, thị phần ngày càng tăng trên thị trường xuất khẩu toàn cầu – thành quả của nhiều năm nỗ lực thu hút đầu tư FDI chất lượng - có khả năng tạo ra một bước đệm vững chắc. HSBC cho rằng khi thế giới dần trở lại bình thường và hạn chế đi lại được nới lỏng, sẽ thấy sự dịch chuyển tất yếu trong nhu cầu toàn cầu từ hàng hóa sang dịch vụ, một “liều thuốc bổ” với các ngành du lịch và lữ hành.
Kinh tế ASEAN sau 2 năm đại dịch
Hai năm đại dịch vừa qua đã dẫn đến mức tăng trưởng thương mại ấn tượng ở châu Á. Nhu cầu toàn cầu đã tăng lên - từ hàng điện tử tiêu dùng đến đồ dùng nhà bếp và thiết bị thể thao gia đình – tiếp thêm nhiên liệu cho động cơ bên ngoài của Châu Á. Rõ ràng ASEAN chính là khu vực được hưởng được lợi. Ngay cả khi tính đến hiệu ứng cơ sở, xuất khẩu vẫn bền bỉ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái trong 6 tháng đầu năm 2022.
Xuất khẩu hàng điện tử là lĩnh vực chiếm tới một phần ba tổng số hàng châu Á xuất đi và ở ASEAN tỷ lệ này lên tới 50-60%. Sau 2 năm nhu cầu đối với các sản phẩm điện tử liên tục mạnh mẽ, giờ đây đã xuất hiện dấu hiệu sơ khởi cho thấy chu kỳ công nghệ đang vào giai đoạn “chững lại”.
Theo các chuyên gia sự bùng nổ trên cũng đồng nghĩa nâng cao năng lực sản xuất, nhờ dòng vốn FDI ổn định. Malaysia liên tục nhận được một phần lớn vốn FDI của khu vực, gần đây đã đạt mức cao tới 10% GDP (Biểu đồ 6), 70% trong số đó rót vào sản xuất thiết bị điện tử.
Nhắc đến các nước có FDI vượt trội trong khu vực, Việt Nam cũng là một quốc gia nổi bật. Nhờ các khoản đầu tư có tổng giá trị 18 tỷ USD của Samsung trong 20 năm qua, Việt Nam đã dần chuyển mình trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng. Xuất khẩu điện tử tiêu dùng của Việt Nam đã tăng mạnh từ dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2000 lên mức hơn 30% như hiện nay.
Du lịch ASEAN “hồi sinh” sau đại dịch Covid-19
Dựa trên các ước tính của báo cáo, ASEAN có thể sẽ có thêm động lực, đặc biệt là các nền kinh tế chú trọng về du lịch như Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, những thách thức toàn cầu, bao gồm chi phí sinh hoạt tăng ở một số nơi trên thế giới, có thể làm chậm quá trình phục hồi và có thể mất một thời gian để lượng khách du lịch trong khu vực đạt đến mức như trước đại dịch.
Các chuyên gia nhận định: “Không phải mọi thứ đều có thể đóng gói và xếp vào container. Không ai có thể xuất khẩu một khung cảnh đẹp, một buổi hoàng hôn hay bãi cát trắng thơ mộng". Về kinh tế, du lịch được coi là hoạt động xuất khẩu dịch vụ và du lịch không phải là loại hình dịch vụ duy nhất được xuất khẩu. Các dịch vụ khác bao gồm thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO), dịch vụ viễn thông và máy tính, vận tải, dịch vụ tài chính và nghiên cứu.
Không may là xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là du lịch, đã sụt giảm nghiêm trọng trong đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới mở cửa biên giới cho phép đi lại, du lịch ASEAN sẽ phục hồi đúng vào lúc cần nhất.
Với mức lương cạnh tranh, tài nguyên thiên nhiên và người dân hiếu khách, xuất khẩu dịch vụ là một thành phần quan trọng của nền kinh tế ASEAN. Trước năm 2020, mặc dù chỉ chiếm khoảng 3% GDP của thế giới, tỷ trọng của ASEAN trong tổng xuất khẩu dịch vụ của thế giới đã lên mức khá lớn là 7%. Con số này thậm chí còn vượt mức 8%, nếu tính cả số lượng khách du lịch đến ASEAN so với tổng số khách du lịch trên thế giới.
Xu hướng du lịch từ câu chuyện hậu đại dịch
Du lịch là một thành phần quan trọng của kinh tế ASEAN nhưng tầm quan trọng của ngành này ở mỗi nước một khác. Hai nền kinh tế nổi bật là Thái Lan và Việt Nam, với doanh thu từ du lịch lên tới 10% GDP vào năm 2019.
Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh vào năm 2020 và 2021 khi đại dịch buộc các nền kinh tế ngừng hoạt động du lịch liên quan đến nghỉ dưỡng. Trong khi đó, Malaysia và Philippines hầu như không có nguồn thu từ khách du lịch nào vào năm 2021. Kể từ đầu năm 2022, khu vực này đã và đang tăng tốc nỗ lực để mở cửa du lịch quốc tế trở lại.
Chuyên gia của HSBC nhận định rằng Thái Lan và Malaysia vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển, xét tầm quan trọng của du lịch đối với hai nền kinh tế này trước COVID-19. Nếu du lịch trở lại bình thường, Thái Lan và Malaysia có thể tăng trưởng thêm lần lượt 5,5 điểm phần trăm và 3,9 điểm phần trăm. Tăng trưởng tiềm năng ở những nơi khác ít hơn nhưng mọi nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng đều đáng quý.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số rủi ro đề cao quá mức sự phục hồi trong ngành du lịch. Du lịch phục hồi như mức trước đại dịch có thể không nhanh như mong đợi do tổn thất kinh tế là hậu quả của đại dịch và những quan ngại về lạm phát dẫn đến khả năng chi tiêu cho du lịch của các hộ gia đình cũng bị hạn chế. Đồng thời vấn đề về lao động mất việc làm trong ngành du lịch dưới tác động của Covid-19 cũng là vấn đề đáng được lưu tâm.
Báo cáo nhấn mạnh đây là tiềm năng về khả năng bền bỉ của ASEAN, đặc biệt là với Thái Lan, Malaysia và cả Việt Nam. Có thể sóng gió trên phạm vi toàn cầu sẽ mang đến những thách thức, tuy nhiên, sự dịch chuyển của nhu cầu trên thế giới từ hàng hóa sang dịch vụ cũng như việc đi lại, du lịch tiếp tục được mở cửa có thể giúp ASEAN đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn sắp tới.
Không có gì ngạc nhiên khi các nền kinh tế như Thái Lan đang rất lưu tâm đến sự hồi sinh của ngành du lịch. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan nhận định rằng rủi ro lớn nhất có thể làm chệch hướng sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan là một cú sốc đối với ngành du lịch.
Theo các chuyên gia, một điểm cần nhớ nữa ở đây là tầm quan trọng của Trung Quốc trong việc phục hồi sau đại dịch của ASEAN. Một phần lớn khách du lịch ở một số nền kinh tế ASEAN đến từ Trung Quốc. Ví dụ, một phần ba các hoạt động du lịch của Thái Lan đến từ các khoản chi tiêu của những du khách này. Do đó, đây là một yếu tố mấu chốt có thể xác định mức độ phục hồi du lịch của ASEAN.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận