Kinh tế 2022: Nắm bắt cơ hội, giảm thiểu rủi ro
Sau khi tăng tốc trong quý I và II/2021, tăng trưởng kinh tế quý III đột ngột giảm mạnh 6,02% - mức giảm lớn nhất kể từ khi chúng ta tính chỉ tiêu này. Tuy nhiên trong quý IV, tăng trưởng đã phục hồi mạnh mẽ gắn với quan điểm và cách phòng chống dịch mới.
Ông đánh giá thế nào về kết quả kinh tế - xã hội gắn với câu chuyện điều hành của Chính phủ trong năm 2021 và đặc biệt trong giai đoạn cuối năm vừa qua?
Trước hết, phải thấy rằng đây là lần đầu tiên kể từ Đổi mới chúng ta gặp phải tình trạng khó khăn thế này do dịch bệnh. Nó thể hiện rất rõ trong các chỉ số kinh tế của quý III. Nhưng sang đến quý IV, chúng ta đã thấy những kết quả đột phá ngoạn mục. Theo tôi, đó là minh chứng về khả năng của nền kinh tế Việt Nam. Khả năng này bao gồm cả hai phía cung và cầu. Trong đó, cung là khả năng của các doanh nghiệp vẫn có thể đáp ứng được các nhu cầu tăng đột biến. Về phía cầu, nhu cầu từ người dân, từ thị trường là có thật.
Kết quả đó được thúc đẩy từ những thay đổi cả trong nhận thức và thể chế. Bên cạnh đó, có thể thấy hoạt động kinh tế - xã hội chuyển sang online. Cuộc CMCN 4.0 tác động đến cả quy trình xuất hàng, nhập hàng; cả thương mại và đầu tư… của chúng ta. Một ví dụ là trong tháng 12 vừa rồi, Ví điện tử MoMo đã kêu gọi được 200 triệu USD vốn đầu tư, còn đầu năm vừa qua họ cũng đã kêu gọi được một gói vốn gần 200 triệu USD. Bloomberg đánh giá hiện tài sản của MoMo lên đến 2 tỷ USD…
Trong điều kiện bình thường, để một doanh nghiệp có thể kêu gọi được vốn như vậy là rất khó, mà lại còn kêu gọi vốn đầu tư trong giai đoạn giãn cách xã hội không có sự tương tác trực tiếp, chỉ thông qua các hình thức giao tiếp trực tuyến mà các nhà đầu tư nước ngoài họ vẫn chấp nhận bỏ vốn tới 200 triệu USD thì đó là ví dụ cho thấy chúng ta cần phải thay đổi tư duy. Khoa học công nghệ và cuộc CMCN 4.0 đã gõ cửa đến từng doanh nghiệp và rõ ràng đây là những cơ hội rất tốt.
Về Chính phủ đã thay đổi tương đối rõ nét. Đó là những thay đổi căn bản về phương thức điều hành kinh tế. Nhờ đó, doanh nghiệp có được hành lang pháp lý để thực thi các thay đổi trong hoạt động. Đó là những sự thay đổi rất quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nền tảng cho những sự chuyển đổi từ chiến lược “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn” có được nhờ Việt Nam đẩy nhanh tiêm chủng. Ông đánh giá thế nào về chiến lược vắc-xin của Việt Nam. Điều đó tác động thế nào đến tình hình kinh tế - xã hội trong năm qua?
Nếu chúng ta nhìn lại quá trình chống dịch thì có thấy sự thay đổi tư duy của Chính phủ là rất lớn. Đến 29/5, khi đợt dịch lần thứ tư do biến chủng Delta bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang thì chúng ta vẫn là một quốc gia chưa có đến 3.000 người nhiễm và số lượng người chết là gần như bằng không. Khi đó, chúng ta vẫn áp dụng mô hình “Zero Covid”, nhấn mạnh vào truy vết, cách ly, phong tỏa, điều trị và đến lúc đó chúng ta vẫn thành công.
Nhưng với số ca nhiễm bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh, chúng ta thấy tác động của biến chủng Delta đến Việt Nam là rất rõ ràng. Lập tức ngay từ tháng 7, chúng ta đã chuyển hẳn sang 5K + vắc-xin, cho thấy chuyển biến nhanh đến mức độ nào.
Từ lúc tìm nguồn vắc-xin đến triển khai nhanh tiêm chủng, đến thời điểm này, có thể tự hào rằng chúng ta đã vượt qua con số mà thế giới công nhận là một nước đạt được miễn dịch cộng đồng, khi chúng ta đã có đến 82% những người từ 18 - 65 tuổi được tiêm hai mũi vắc-xin, vượt ngưỡng được coi là miễn dịch cộng đồng 70% dân số. Đó chính là những thay đổi rất quan trọng giúp nền kinh tế quý IV có những bước đột phá ngoạn mục.
Năm 2021, chúng ta thu hút được 31,15 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 9,2% so với 2020; giải ngân của các dự án đầu tư nước ngoài đạt 19,74 tỷ USD, tương đương những năm trước. Đó là kết quả đáng tự hào trong bối cảnh dịch bệnh dẫn tới các hạn chế đi lại, tiếp xúc, đầu tư - kinh doanh…
Với các ý kiến đánh giá Việt Nam có thể gặp bất lợi trong thu hút vốn FDI do có những giai đoạn hạn chế về khả năng thích ứng với dịch bệnh, họ đánh giá như thế là hoàn toàn đúng bởi vì với phương pháp tiếp cận số liệu, so sánh với phương pháp xử lý vấn đề của các quốc gia trên thế giới và với thực lực của nền kinh tế Việt Nam thì ở thời điểm nào đó họ đưa ra dự báo như thế.
Nhưng, họ quên mất một yếu tố nội sinh của Việt Nam là người dân và doanh nghiệp qua ba đợt dịch bùng phát trước đó đã tin tưởng vào các phương án, biện pháp chống dịch của Chính phủ. Rõ ràng, người dân và doanh nghiệp cảm nhận được Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, của Nhà nước đang sát cánh, đồng hành cùng với họ trong việc chống dịch. Cho nên, tất cả những gì mà Chính phủ, cơ quan quản lý đưa ra người ta đều tuân thủ, chấp hành tốt. Và chính việc người ta chấp hành như thế, cộng với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Chính phủ, chúng ta đạt được kết quả tốt.
Chưa có một nước nào trên thế giới đặt ra nhiệm vụ là ngoại giao vắc-xin. Không có nước nào giao cho các cơ quan ngoại giao nhiệm vụ như vậy, nhưng chúng ta đã làm như vậy. Chúng ta đánh giá việc có được vắc-xin là nhiệm vụ cấp bách trong 6 tháng cuối năm và Chính phủ chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế để đạt được việc đó. Hay cũng không có nước nào trên thế giới mà Chính phủ lập được quỹ vắc-xin với đóng góp của người dân, doanh nghiệp lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Như vậy, chúng ta thấy rằng có sự tin tưởng và chính sự tin tưởng này, cộng với sự quyết liệt trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đã thành yếu tố nội sinh giúp cho chúng ta có được kết quả như vừa qua. Nó cho thấy một điều rất đúng: ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực là quyết định…
Có hai số liệu khi đặt cạnh nhau thấy có sự phân vân. Thứ nhất là thu ngân sách thu nội địa vượt dự toán 118 nghìn tỷ đồng, trong khi lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường năm nay lên tới hơn 100 nghìn doanh nghiệp. Ông thấy có nghịch lý gì giữa hai con số này?
Có chứ! Nó chứng tỏ một điều là từ trước đến nay, chúng ta chưa quan tâm đến bản chất của các số liệu phản ánh hoạt động doanh nghiệp. Chúng ta nói đến con số bao nhiêu doanh nghiệp tham gia đăng ký mới và số vốn đăng ký là bao nhiêu. Chúng ta hồ hởi coi như đó là một chỉ tiêu thắng lợi. Nhầm! Cái quan trọng nhất đối với khu vực doanh nghiệp là bao nhiêu doanh nghiệp còn hoạt động và hiệu quả hoạt động thế nào.
Thực tế là trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, sẽ có một loạt các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đăng ký hoạt động nhưng phải rời bỏ thị trường. Theo các con số của các nhà khoa học kinh tế trên thế giới, 5 năm đầu tiên gia nhập thị trường là khó khăn nhất. Cho nên, con số doanh nghiệp tham gia vào thị trường rất quý nhưng nó không quý bằng con số doanh nghiệp còn hoạt động, đóng góp được thuế.
Với tình hình năm 2021, số doanh nghiệp gia nhập tương đương với doanh nghiệp rời bỏ thị trường, nhưng nền kinh tế vẫn ổn định. Đó là do có những doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt và có hiệu quả. Thế nên, trong bối cảnh tăng trưởng GDP chỉ còn 2,58% trong năm 2021 nhưng xuất khẩu vẫn cao hơn 19%, nhập khẩu vẫn tăng 26,5%. Như vậy, chúng ta thấy vẫn có một số doanh nghiệp chủ chốt giữ vững được.
Nó cũng đặt ra vấn đề có nên chỉ tập trung vào phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa không? Nếu cứ nhỏ và vừa thì có ai đóng thuế không? Theo tôi, vấn đề ở đây là phải có doanh nghiệp đầu tàu, không phân biệt sở hữu để họ đi lên, sau đó dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo trở thành một hệ sinh thái doanh nghiệp, thì khi đó nền kinh tế - xã hội mới phát triển bền vững.
Một trong những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế năm 2021 là xuất khẩu, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 đã lần đầu tiên vượt lên trên 30 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện khu vực FDI vẫn đang chiếm ưu thế trong xuất khẩu và xuất siêu, thưa ông?
Có thể khẳng định nếu không có xuất khẩu tăng mạnh như vậy thì không có được tăng trưởng GDP như năm vừa qua. Nhưng, con số xuất khẩu của Việt Nam như thế cũng là một tín hiệu đáng buồn, nhìn sâu bên trong nó cho thấy đang hình thành nền kinh tế trong nền kinh tế - nền kinh tế FDI trong nền kinh tế của Việt Nam. Trước đây, tỷ trọng xuất khẩu của FDI chỉ vào khoảng 60 - 65% còn giờ trong dịch lại đã lên đến 73-74%, tức là chiếm đến gần 3/4 khối lượng xuất khẩu của Việt Nam.
Có được kết quả này một phần cũng nhờ các chính sách áp dụng với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là theo giấy phép đầu tư. Như vậy, ở đây nền pháp lý đối với họ là ổn định và không phụ thuộc vào các chính sách đối phó với dịch bệnh của Chính phủ cũng như các bộ, ngành.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm trước.
Tuy nhiên, không phủ nhận là khả năng ứng phó với đột biến của khu vực FDI là rất tốt. Chẳng hạn họ không thiếu lao động bởi vì họ tuân thủ pháp luật tốt, có nhà cho công nhân ở nên khi giãn cách xã hội họ áp dụng “một cung đường, hai điểm đến”; họ đảm bảo quyền lợi của người lao động như bình thường… Tức là, trên những chính sách mình ban hành họ làm tốt, khả năng ứng phó với đột biến của họ là tốt… Bằng chứng là, khi TP. Hồ Chí Minh mở cửa trở lại thì có khoảng 95% doanh nghiệp FDI đã gần đạt được công suất lúc bình thường.
Một điểm đáng chú ý nữa trong bức tranh kinh tế năm 2021 là lạm phát được kiểm soát ở mức rất thấp. Ông đánh giá như thế nào về câu chuyện kiểm soát lạm phát trong thời gian vừa qua cũng như rủi ro cho năm tới?
Có thể khẳng định chúng ta đã làm rất tốt công tác kiểm soát giá cả thị trường, đặc biệt trong giai đoạn đóng cửa nền kinh tế. Chúng ta đã thúc đẩy hoạt động của các trung tâm thương mại và qua đó góp phần rất lớn kiểm soát được giá cả. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò của chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát năm qua.
Nhưng, chính sách tiền tệ của năm 2022 là rất nặng nề. Dự báo nhập khẩu lạm phát và chi phí sản xuất mới cũng cao hơn. Như vậy, áp lực tăng giá của năm 2022 là rất rõ ràng, vì vậy chính sách tiền tệ sẽ phải đi trước một bước.
Bên cạnh kiểm soát lạm phát, việc đảm bảo được dòng tiền cho doanh nghiệp hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, phải kiểm soát dòng vốn đến đúng địa chỉ, sử dụng đúng mục đích. Bởi nếu không, dòng vốn sẽ chảy vào các khu vực mang tính đầu cơ như bất động sản, chứng khoán thì rủi ro sẽ là rất lớn, đồng thời cũng sẽ tạo áp lực đến lạm phát.
Nói như vậy để thấy, áp lực lên chính sách tiền tệ là rất lớn. Thực tế đó đòi hỏi phải có chính sách tài khóa song hành với chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Chính sách tài khóa trong 4 năm còn lại của kế hoạch 5 năm tới, đặc biệt trong hai năm 2022-2023, phải mở rộng hơn: Chấp nhận bội chi, chấp nhận nợ công, chấp nhận nợ Chính phủ tăng lên. Trước mắt, phải chấp nhận nợ Chính phủ tăng lên vì lúc này Chính phủ với tư cách là người tiêu dùng lớn nhất cũng phải tăng chi tiêu thì mới kích cầu được. Vấn đề là chọn tiêu như thế nào, tiêu vào đâu?
Theo tôi, có thể nên quay trở lại với nhóm doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp nhà nước với phần vốn là hơn 1,5 triệu tỷ đồng, với tổng tài sản là 3,5 triệu tỷ đồng, nếu huy động được vốn này quay vòng - giống như các doanh nghiệp khác của các thành phần kinh tế khác - thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế. Đây là khối tài sản của xã hội mà nhà nước đang quản lý và hiện nay chúng ta đang sử dụng kém hiệu quả khối tài sản đó. Kém hiệu quả không phải là thất thoát mà do cứ để nguyên như thế, không chịu tìm cách để nó quay vòng tạo ra giá trị…
Với các dự án đầu tư công, không phát triển thì không thu hút được tiền vào, nhưng vấn đề là phải phát triển theo hướng để cho doanh nghiệp trong nước đáp ứng được triển khai. Tuyến Metro Cát Linh - Hà Đông, Metro Bến Thành - Suối Tiên là minh chứng cho thất bại trong đầu tư công, khi nhập toàn bộ công nghệ, nhập toàn bộ thiết bị mà trong nước chẳng đóng góp được gì...
Vậy ông có khuyến nghị gì để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022?
Có thể nói nền kinh tế năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song cũng có không ít cơ hội. Tuy nhiên, mặc dù cơ hội là có và nhìn thấy cơ hội để nắm bắt, nhưng bắt tay vào làm và quyết tâm làm hay không là vấn đề.
Một khuyến nghị lớn nhất là cần chấp nhận rủi ro, trong cuộc chiến về kinh tế như lúc này cũng phải chấp nhận tổn thất. Ví dụ như chấp nhận đẩy bội chi ngân sách lên 5% GDP hay bao nhiêu thì quan trọng hơn là từ mức bội chi ấy cần xác định xem nó sẽ tác động lên nền kinh tế của chúng ta như thế nào, khiến mô hình kinh tế “rung lắc” ra sao, liệu các “rung lắc” ấy có tắt dần không. Chúng ta phải điều hành làm sao để “rung lắc” đó không vượt quá khả năng chịu đựng của kết cấu kinh tế, đặc biệt sau đó phải tắt dần để nền kinh tế đi vào ổn định.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2021, cả nước có 116,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.611,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 854 nghìn lao động, giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước; có 2.524,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 43,5 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là 4.136 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8% so với năm trước; có 43,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 2,2% so với năm 2020), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động năm 2021 lên gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm trước.
Năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn gần 55 nghìn doanh nghiệp, tăng 18% so với năm trước; 48,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,8%; 16,7 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,1%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận