Kinh nghiệm nào cho nhà đầu tư qua sự cố hệ thống VNDirect?
Rủi ro với VNDirect cũng có thể xảy ra đối với bất kỳ công ty chứng khoán nào trên thị trường, dù doanh nghiệp đều đầu tư bài bản vào hệ thống công nghệ thông tin và bảo mật nhằm đảm bảo cao nhất quyền lợi khách hàng. Câu chuyện là nhà đầu tư nên làm gì để tự bảo vệ mình khi đầu tư chứng khoán?
Công ty chứng khoán VNDirect công bố bị tổ chức hacker quốc tế tấn công vào hệ thống, khiến toàn bộ nền tảng giao dịch của công ty này tạm thời không thể truy cập được. Sự việc diễn ra từ trưa Chủ nhật (24-3), kéo dài mấy ngày liên tiếp.
Kể từ khi bị hacker tấn công, nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Công ty VNDirect đều không thể đăng nhập vào tài khoản để giao dịch. Sự cố cũng được các chuyên gia an ninh mạng đánh giá là nghiêm trọng, cần nhiều ngày để xử lý và khắc phục1.
Với thị phần lớn thứ 3 trên sàn HOSE, sự cố hiển nhiên ảnh hưởng đến nhà đầu tư trên diện rộng. Việc không thể vào tài khoản khiến nhà đầu tư mất đi các cơ hội mua bán cổ phiếu để chốt lời hoặc cắt lỗ khi cần thiết. Nhiều nhà đầu tư còn chia sẻ sợ bị lộ thông tin cá nhân sau sự cố, có thể dẫn đến những phiền phức không đáng có hoặc bị lừa đảo.
Điều quan trọng khác, nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo lắng rằng sau khi hệ thống của VNDirect hoạt động trở lại, tài khoản chứng khoán của họ có hiển thị đúng dữ liệu tại thời điểm trước khi bị hacker tấn công hay không. Trong khi đó, bản thân các nhà đầu tư này cũng chỉ “nhớ mang máng” các thông tin trong tài khoản, như tổng tài sản, số dư tiền mặt hay số tiền vay margin…
Việc hệ thống bị lỗi dẫn đến không thể truy cập được vào tài khoản giao dịch chứng khoán là một sự việc không hề mới. Câu chuyện này, trong vài năm gần đây, đã diễn ra nhiều lần tại các công ty chứng khoán khác nhau với các mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Rủi ro với VNDirect cũng có thể xảy ra đối với bất kỳ công ty chứng khoán nào trên thị trường, mặc dù các doanh nghiệp đều đầu tư bài bản vào hệ thống công nghệ thông tin và bảo mật nhằm đảm bảo cao nhất quyền lợi khách hàng.
Ngay sau khi sự cố của VNDirect xảy ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản hỏa tốc, yêu cầu các công ty chứng khoán khác cùng rà soát vấn đề bảo mật hệ thống. Trong trường hợp công ty phát hiện các dấu hiệu mất an toàn bảo mật, phải chủ động, tập trung nguồn lực để xử lý, khắc phục. Dấu hiệu cảnh báo được lan tỏa đi khắp thị trường2.
Từ phía nhà đầu tư, các biện pháp chủ động để bảo vệ bản thân và kiểm soát tài khoản của mình là cần thiết.
Điều dễ thấy nhất là nhà đầu tư nên mở tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán khác nhau để chia nhỏ tài sản nhằm hạn chế rủi ro mỗi khi có sự cố hệ thống xảy ra.
Nhà đầu tư cũng nên có thói quen chụp lại toàn bộ thông tin về tài sản và danh mục đầu tư chứng khoán của mình vào cuối mỗi ngày để có thêm dữ liệu nhằm quản lý tài khoản của mình được tốt hơn.
Một điều quan trọng khác là nhà đầu tư nên sử dụng công cụ thống kê, như Excel chẳng hạn, để ghi chép lại toàn bộ những thông tin trong tài khoản chứng khoán. Việc ghi chép này vừa giúp nhà đầu tư nắm được chi tiết các thông số trong tài khoản chứng khoán, vừa đánh giá được hiệu quả của việc đầu tư cổ phiếu.
File Excel có thể gồm 3 bảng tính. Bảng đầu tiên tính tổng nguồn vốn đầu tư chứng khoán, bảng thứ hai là bảng tính tổng lợi nhuận từ hoạt động mua bán cổ phiếu và bảng cuối cùng là bảng tính tổng giá trị tài sản hiện tại.
Đối với bảng tính tổng nguồn vốn đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư ghi chép lại tất cả những khoản tiền phát sinh tăng, giảm trong quá trình đầu tư. Cụ thể như các khoản tiền nộp vào tài khoản, tiền rút ra khỏi tài khoản, lãi tiền gửi, cổ tức bằng tiền mặt… Cuối bảng tính, nhà đầu tư sẽ tính được tổng tiền phát sinh tăng và tổng tiền phát sinh giảm, từ đó tính được tổng nguồn vốn đầu tư chứng khoán.
Tiếp theo, bảng tính tổng lợi nhuận từ hoạt động mua bán cổ phiếu ghi chép lại đẩy đủ tất cả những thông tin về các giao dịch mua bán cổ phiếu gồm ngày mua, cổ phiếu mua, khối lượng, giá mua, phí giao dịch mua cổ phiếu, từ đó sẽ tính được số tiền mua cổ phiếu. Tương tự, đối với khi bán cổ phiếu, nhà đầu tư cũng ghi lại đầy đủ ngày bán, giá bán, khối lượng và phí, thuế bán cổ phiếu để tính ra được số tiền bán cổ phiếu.
Nếu nhà đầu tư vay vốn để mua cổ phiếu (margin) thì tính thêm phần lãi từ hoạt động này. Từ số tiền bán cổ phiếu, số tiền mua cổ phiếu và tiền lãi margin, nhà đầu tư sẽ tính được tổng lợi nhuận từ hoạt động mua bán cổ phiếu. Bảng tính cuối cùng sẽ hiển thị tổng giá trị tài sản hiện tại bằng cách tổng hợp phần nguồn vốn đầu tư chứng khoán với tổng lợi nhuận từ hoạt động mua bán cổ phiếu.
Như vậy, sau khi hoàn thành các bảng tính trên, nhà đầu tư sẽ nắm được chi tiết toàn bộ thông tin trong tài khoản chứng khoán của mình. Việc này nhằm giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp dữ liệu từ công ty chứng khoán bị sai sót hoặc sau khi xảy ra sự cố có thể bị sai lệch so với giá trị thực ban đầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận