Kinh doanh khó khăn, Vinalines có quý giảm thứ 4 liên tiếp
MVN công bố BCTC quý 3 với lãi ròng giảm 54% so với cùng kỳ do hoạt động kinh doanh vận tải, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải khó khăn. Đáng nói, đây đã là quý thứ 4 liên tiếp mà lãi ròng của MVN giảm so với cùng kỳ.
Theo BCTC quý 3/2023, doanh thu thuần Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines, UPCoM: MVN) trong kỳ đạt vượt 3,232 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ; chủ yếu do hoạt động vận tải giảm 35% về 1,034 tỷ đồng. Ngoài ra, một hoạt động khác cũng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu là khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải ghi nhận mức giảm 7%, đạt 1,682.3 tỷ đồng. Tổng doanh thu từ các hoạt động còn lại dù tăng đến 24% nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Hoạt động vận tải đánh dấu một quý kinh doanh khó khăn với biên gộp chỉ đạt 7%, tức giảm đến 28 điểm phần trăm, tương tự tại các hoạt động khác cũng ghi nhận biên gộp sụt giảm. Qua đó biên gộp MVN giảm 12.5 điểm phần trăm về mức 16.7%, lợi nhuận gộp đạt 540.7 tỷ đồng, giảm 52%.
Khó khăn của MVN còn đến từ khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 37% về 32.3 tỷ đồng và lợi nhuận khác giảm 73% về 5.2 tỷ đồng.
Điểm tích cực là doanh thu hoạt động tài chính tăng 72%, đạt 201.6 tỷ đồng trong khi các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt giảm 31%, 26% và 38%.
Sau cùng, lãi ròng MVN giảm 54% về còn 267.6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, MVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 9,418 tỷ đồng, giảm 15%; lãi ròng 888 tỷ đồng, giảm 51%. Như vậy, MVN đã có quý thứ 4 liên tiếp giảm so với cùng kỳ.
Năm 2023, MVN đặt ra kế hoạch kinh doanh hợp nhất với doanh thu hợp nhất 13,354 tỷ đồng và lãi trước thuế 2,330 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, MVN đã thực hiện lần lượt 76% kế hoạch doanh thu và 68% kế hoạch lợi nhuận.
Diễn biến lãi ròng của MVN những quý gần đây
Cuối quý 3, tổng tài sản của MVN hơn 27,580 tỷ đồng, tăng 2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản cố định hơn 9,282 tỷ đồng, chiếm đến 34%, chủ yếu là đội tàu biển, hệ thống cảng, kho bãi và phương tiện thiết bị.
Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 5,246 tỷ đồng, chiếm 19%, bao gồm các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 6 tháng đến 12 tháng tại các ngân hàng thương mại.
Một khoản mục khác cũng đáng chú ý trong cơ cấu tài sản của MVN là tài sản dở dang dài hạn, ghi nhận giá trị gần 1,684 tỷ đồng, dù chỉ chiếm 6% tổng tài sản nhưng đã tăng đến 66% so với đầu năm. Trong đó, hai dự án có giá trị xây dựng dở dang lớn nhất là dự án bến container số 3, số 4 cảng cửa ngõ Lạch Huyện và dự án đầu tư xây dựng cảng Sài Gòn – Hiệp Phước
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận