Kìm giữ giá hàng hóa thiết yếu
Các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp
Sau 7 lần liên tục tăng mạnh kể từ cuối tháng 12-2021, giá xăng dầu trong nước đã lập đỉnh lịch sử sau kỳ điều hành giá ngày 11-3. Nhiều hàng hóa thiết yếu đang chịu sức ép tăng giá trước sự leo thang của giá nhiên liệu như xăng, dầu, gas và nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Giá cả leo thang
Sau kỳ điều hành ngày 11-3, xăng E5RON92 có giá 28.985 đồng/lít, xăng RON95 có giá bán 29.824 đồng/lít. Tương tự, các mặt hàng dầu cũng tăng giá mạnh khi dầu diesel đã lên mức 25.268 đồng/lít, dầu hỏa 23.918 đồng/lít và dầu ma-dút 20.987 đồng/kg.
Giá xăng dầu lập đỉnh đã "thổi" sức nóng lên nhiều loại hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Đi mua thực phẩm ở siêu thị trên địa bàn quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), chị Nguyễn Hương Quỳnh (36 tuổi) cho biết rau muống "cán mức" 20.000-25.000 đồng/bó, tăng gần gấp đôi so với trước; hầu hết các loại rau xanh khác đều tăng giá khá cao. Giá trứng gia cầm cũng "leo thang" trong bối cảnh giá xăng dầu gây áp lực lên chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, những mặt hàng thiết yếu như sữa, gạo, đồ uống, thực phẩm đồ hộp, đồ gia dụng... giá đều đã nhích lên. Theo chị Quỳnh, mức chi tiêu cho mỗi bữa ăn gia đình đã tăng khoảng 50.000 đồng so với trước. Trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút do dịch Covid-19, việc giá cả leo thang khiến cuộc sống của một bộ phận người dân gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2022 tăng 1% so với tháng trước, tăng 1,42% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,2% so với tháng 12-2021. Theo cơ quan này, nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng là do giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nhâm Dần 2022. Trong mức tăng 1% của CPI tháng 2 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng như lương thực, thực phẩm… Cơ quan thống kê nhận định giá thức ăn chăn nuôi, giá phân bón và nguyên vật liệu đầu vào vẫn ở mức cao, đặc biệt giá xăng dầu liên tục tăng đã gây áp lực đến các hoạt động sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội, cho biết việc cung ứng hàng hóa và giá cả của siêu thị chưa có biến động do đã ký các hợp đồng cung cấp từ sớm. Tuy nhiên, giá nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào tăng cao thời gian qua nên một số nhà cung ứng đã có đề nghị tăng giá sản phẩm.
Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính cũng dự báo một số yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 3 và các tháng còn lại của năm. Theo đó, nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới; cùng với đó, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước tăng cao khi kinh tế phục hồi khiến giá xăng, dầu, gas, vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch chịu sức ép tăng giá.
Giá xăng dầu tăng cao từ chiều 11-3 là yếu tố khiến giá nhiều mặt hàng thiết yếu “té nước theo mưa”.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đồng bộ nhiều giải pháp điều hành giá
Để "hạ nhiệt" giá xăng dầu trong nước, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Hiện nay, liên bộ Công Thương - Tài chính vẫn đang theo dõi sát tình hình thế giới để có tính toán điều hành giá xăng dầu, một trong những mặt hàng rất quan trọng nhằm bảo đảm đúng quy định và hài hòa lợi ích các bên. Các đơn vị sẽ họp bàn và sẽ xin ý kiến Chính phủ về phương án điều hành giá khi có biến động lớn. Cùng với đó là triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu, khi Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu tăng thêm 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022 để bù đắp sản lượng thiếu hụt do nguồn sản xuất trong nước không đạt kế hoạch, bảo đảm nguồn cung cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi kinh tế.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá, yêu cầu các bộ, ngành sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng, dầu, gas, vật liệu xây dựng... Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.
Về phía Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn khẳng định tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Bộ Tài chính đề nghị các địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, tăng giá bất hợp lý, trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả...
Các doanh nghiệp bán lẻ cũng khẳng định sẽ không có tình trạng giá cả tăng đột biến tại hệ thống các siêu thị. Hiện doanh nghiệp bán lẻ đang làm việc với các nhà cung cấp để bình ổn giá cả hàng hóa trong thời gian tới. Với nguồn hàng dự trữ, doanh nghiệp đang nỗ lực để duy trì mức giá phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng.
Điều hành bình ổn giá hợp lý
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng đối với công tác quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành sẽ theo dõi sát biến động giá cả, cung cầu thị trường thế giới và trong nước để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và điều hành bình ổn giá phù hợp.
Ban Chỉ đạo điều hành giá đã thống nhất một số mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá thì chưa xem xét điều chỉnh đến hết quý II/2022. Hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát, tính toán các phương án giá, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá. Đối với các mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu, Bộ Tài chính cùng với Bộ Công Thương sẽ phối hợp điều hành linh hoạt, bảo đảm giá trong nước bám sát diễn biến giá trên thế giới, sử dụng quỹ bình ổn giá thích hợp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân.
Không để đứt gãy nguồn cung
Để công tác điều hành giá đạt kết quả tốt, các cơ quan liên quan cần phải nắm bắt thông tin nhanh, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để có các phân tích, dự báo sát nhất với tình hình trong nước. Đặc biệt, phải đánh giá được nguồn cung nguyên vật liệu dùng cho sản xuất, đặc biệt là xăng dầu, để chủ động trong công tác điều hành, tránh tình trạng trục trặc như vừa qua.
Việc kiểm soát tốt nguồn cung nguyên vật liệu rất quan trọng, bởi kinh tế nước ta đang phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Để giữ ổn định giá cả hàng hóa cần bảo đảm nguồn cung không bị đứt gãy, đồng thời làm tốt công tác truyền thông để tránh kỳ vọng lạm phát và cần có giải pháp để chống đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Đối với thị trường trong nước, cần có giải pháp để bảo đảm cung ứng vật tư, hàng hóa giữa các địa phương, các vùng.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Cần kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng tăng mạnh theo giá xăng, lợi dụng việc giá nhiên liệu lập đỉnh để bán hàng hóa ở mức giá bất hợp lý. Cơ quan quản lý nhà nước cần theo dõi sát diễn biến thị trường, cung - cầu, từ đó có biện pháp điều tiết phù hợp, không để xảy ra biến động giá lớn khi nguồn cung gặp vấn đề.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá đối với các loại hàng hóa thiết yếu. Đối với các trường hợp vi phạm, cần có chế tài xử phạt nghiêm, bảo đảm sự ổn định cho thị trường, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Minh Chiến
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận