Kiến nghị dành 72.497 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/12, trong tờ trình Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Như Báo Đầu tư đã thông tin khi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra dự án này, Chính phủ đề xuất đầu tư Dự án gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.
Dự kiến phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy mô quy hoạch được duyệt, đáp ứng Tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h (TCVN 5729 - 2012: đường ô tô cao tốc - yêu cầu thiết kế), riêng mặt cắt ngang phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe.
Theo tính toán của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe) khoảng 146.990 tỷ đồng.
Bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị: 95.837 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư: 19.097 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác: 12.015 tỷ đồng; Chi phí dự phòng: 20.041 tỷ đồng.
Ông Thể cho biết, trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (khoảng 81,4% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (khoảng 18,6% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.
Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2021 - 2025 cần bổ sung khoảng 72.497 tỷ đồng cho Dự án, kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về hình thức đầu tư, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước , đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.
Tại hồ sơ dự án, Chính phủ cũng giải trình ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội về dự án. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đồng ý về nguyên tắc có thể đầu tư toàn bộ các dự án thành phần của Dự án theo hình thức đầu tư công. Đề nghị Chính phủ có giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phương án phân bổ vốn hợp lý, ưu tiên các dự án đang triển khai giải ngân tốt, có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, vừa phát huy hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế trong hai năm 2022 - 2023, vừa bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án thành phần trong Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Trên cơ sở kết luận của Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan rà soát nguồn vốn đã bố trí cho các dự án đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, khả năng giải ngân của từng dự án, đặc biệt là trong giai đoạn năm 2022 và 2023. Trên trên cơ sở đó tính toán cụ thể nhu cầu nguồn đầu tư công phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời điều hành linh hoạt, điều hòa nguồn vốn giữa các dự án theo nguyên tắc: tập trung giải ngân trước nguồn vốn phát triển kết cấu hạ tầng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đặc biệt là các năm 2022 và 2023) nhằm phát huy tối đa mục tiêu kích cầu, khôi phục nền kinh tế, đối với nguồn vốn đã bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ giải ngân sau.
Liên quan đến nguồn vốn, chiều 9/12 Uỷ ban Thường vụ cũng đã cho ý kiến về Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cả đề án này và dự án đường cao tốc mới đều sẽ được trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp bất thường cuối năm nay. Do đó, về lý thuyết thì tính khả thi của cân đối vốn cho dự án phụ thuộc khá nhiều vào chính sách tài khóa, tiền tệ bổ sung sẽ được Quốc hội quyết định tới đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận