Kiến nghị cho Vietjet, Bamboo Airways vay vốn ưu đãi, chuyên gia nói gì?
Các chuyên gia trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn - về việc nên hay không hỗ trợ tín dụng với Vietjet, Bamboo Airways như cách làm với Vietnam Airlines trước đó.
Bộ Giao thông - Vận tải vừa kiến nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không trong nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như hoãn, giảm thuế phí, giảm lãi vay, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng. Riêng về tín dụng, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét các kiến nghị khác của doanh nghiệp hàng không về hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ…
Hiện Vietnam Airlines là hãng duy nhất được Quốc hội và Chính phủ chấp thuận cho vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi do đây là doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối. Lãi suất khoản vay này được tính bằng lãi suất thấp nhất Vietnam Airlines huy động được trên thị trường, phần lãi được hãng trả nhà nước bằng cổ phiếu.
Sau khi Vietnam Airlines được nhận hỗ trợ, hai hãng hàng không tư nhân là Vietjet và Bamboo Airways, dù năm 2020 báo lãi, vẫn kiến nghị Chính phủ hỗ trợ vay ưu đãi với mức ưu đãi tương tự Vietnam Airlines.
Trong đó, VietJet Air kiến nghị Chính phủ cho vay 4.000-5.000 tỷ đồng, kỳ hạn vay tới năm 2023, với lãi suất khoảng 4%/năm.
Bamboo Airways kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho hãng vay khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, có cơ chế để các ngân hàng thương mại cho hãng được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi; cho hãng được vay thêm 5.000 tỷ đồng qua hình thức tái cấp vốn với lãi suất 0%/năm.
Trả lời câu hỏi về việc nên cấp gói tín dụng ưu đãi cho Vietjet và Bamboo hay không, PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, nếu NHNN thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi với Vietnam Airlines thì cũng nên áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi với các hãng hàng không khác để đảm bảo sân chơi bình đẳng, nếu các doanh nghiệp này cũng đáp ứng điều kiện như Vietnam Airilines.
Tuy vậy, chuyên gia này cho rằng, với các doanh nghiệp hàng không, giải pháp cứu trợ về vốn ưu tiên vẫn nên là phát hành thêm cổ phần, tận dụng điều kiện thuận lợi của thị trường chứng khoán. Cấp tín dụng ưu đãi chỉ nên là giải pháp sau cùng.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, chính sách tín dụng ưu đãi cần bình đẳng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, trước đây Chính phủ chỉ mới hỗ trợ Vietnam Airlines vì 2 hãng hàng không còn lại chưa đề nghị. Hiện nay, Vietjet và Bamboo đã có đề nghị hỗ trợ, việc Chính phủ xem xét hỗ trợ là phù hợp với nhu cầu.
Tuy vậy, TS. Lực lưu ý, việc hỗ trợ doanh nghiệp hàng không cần đi kèm với yêu cầu các hãng phải đưa ra các gói giải pháp tổng thể để vực dậy, ví dụ: cắt giảm chi phí, dùng năng lượng sạch, có lộ trình thoái vốn nhà nước…
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (Vaba), năm 2020, dù các doanh nghiệp hàng không tư nhân báo lãi hợp nhất, nhưng riêng hoạt động kinh doanh vận tải hàng không của các hãng đều lỗ, với mức lỗ trên 18.000 tỷ đồng.
Năm 2021, Vaba đánh giá, thị trường hàng không tiếp tục khó khăn, khi khách nội địa sụt giảm, đặc biệt dịp cao điểm Tết vừa qua, trong khi mạng bay quốc tế chưa được nối lại. Do đó, ước các hãng có thể tiếp tục lỗ trên 15.000 tỷ đồng, đối diện nguy cơ cạn kiệt dòng tiền, nên cần Chính phủ hỗ trợ.
Bên cạnh đề xuất các khoản vay ưu đãi mới, Vaba cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp để các hãng hàng không được giảm 2% lãi suất các khoản đang vay; cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ với các khoản phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ đến hết 31/12/2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận