24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Chung Chính
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kiến nghị cho phép chuyển nhượng dự án BĐS khi có quyết định giao đất, cho thuê đất

Để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án bất động sản (BĐS), nhà ở và để xử lý các dự án BĐS, nhà ở bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, HoREA đề nghị cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS khi đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Doanh nghiệp “đói vốn” phải vay tín dụng đen

Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết, Hiệp hội vừa đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có thể bổ sung nội dung giải quyết một số khó khăn cấp bách của thị trường BĐS tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai.

Theo ông Châu, hiện nay, thị trường BĐS đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

Đặc biệt, “vướng mắc pháp lý” của thị trường BĐS hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS, nhà ở mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường BĐS có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng.

Kiến nghị cho phép chuyển nhượng dự án BĐS khi có quyết định giao đất, cho thuê đất
Do tắc vốn nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS “đói vốn” phải vay tín dụng đen. Ảnh minh họa.

Ông Châu cũng cho biết, do thị trường BĐS đang rất khó khăn nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…); một số Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (có Tập đoàn giảm đến trên dưới 50% lực lượng lao động).

Thậm chí, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, “tắc” nguồn vốn “trái phiếu”, “tắc” cả nguồn “vốn huy động từ khách hàng”, nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp BĐS “đói vốn” phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40-50% giá hợp đồng) tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn “rủi ro” do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, việc chuyển nhượng dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh có cơ hội “thâu tóm” các dự án tốt, các thương hiệu mạnh, có thể làm giảm “lợi thế” của các doanh nghiệp trong nước đang “thống lĩnh” thị trường BĐS hiện nay.

Ông Châu cho rằng, tình hình khó khăn trên đây do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, có nguyên nhân từ phía Nhà nước như một số quy định pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; công tác thực thi pháp luật chưa thật hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, phức tạp; một số cán bộ công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy công việc, không dám đề xuất, không dám quyết định;

Chưa phát triển đồng bộ các thị trường vốn để cung ứng nguồn vốn trung, dài hạn cho thị trường BĐS, trước hết là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các quỹ đầu tư BĐS, quỹ đầu tư tín thác BĐS và các nguồn vốn xã hội hoá khác bao gồm nguồn vốn bảo hiểm nhàn rỗi; thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài chưa đạt kỳ vọng, dẫn đến thị trường BĐS phụ thuộc quá lớn vào thị trường tín dụng tiềm ẩn rủi ro cho cả thị trường tín dụng và thị trường BĐS.

Đồng thời, có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp chủ đầu tư dự án BĐS, đô thị, nhà ở thương mại như xu hướng chạy theo lợi nhuận đơn thuần, muốn tối đa hoá lợi nhuận, chưa thật bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng. Cá biệt có doanh nghiệp chưa tuân thủ pháp luật, có trường hợp vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.

Bên cạnh đó, có nguyên nhân từ phía các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là nhà đầu tư lướt sóng, trong đó có lực lượng đầu nậu, môi giới, đầu cơ làm nhiễu loạn thị trường BĐS kích động hành vi tranh mua, tranh bán hoặc bán tháo theo “tâm lý đám đông”.

Cho chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu dự án BĐS?

Ông Châu cho biết, Hiệp hội đề nghị thống nhất quan điểm là không giải cứu thị trường BĐS, doanh nghiệp BĐS mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường BĐS tự điều chỉnh, tự điều tiết; doanh nghiệp BĐS chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất; đi đôi với xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Do đó, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung 2 nội dung trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội xem xét quyết định một số cơ chế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường BĐS.

Thứ nhất, để khai thông hoạt động chuyển nhượng, sáp nhập dự án BĐS, nhà ở (M&A) và để xử lý các dự án BĐS, nhà ở bị “đắp chiếu” do chủ đầu tư yếu kém về năng lực, Hiệp hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Kỳ họp bất thường của Quốc hội lần thứ hai xem xét, cho phép các doanh nghiệp BĐS chuyển nhượng dự án BĐS được áp dụng Điều 10 Nghị quyết số 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội khóa 14 “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” cho phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án BĐS khi dự án đã “có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Thứ hai, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách “cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi” để các ngân hàng thương mại cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý để mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02 năm 2013 của Chính phủ), bởi lẽ trong các năm qua hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả