Kiểm soát cung tiền: “Chốt chặn” kìm đà tăng lạm phát
Theo đánh giá của chuyên gia, kiểm soát cung tiền chính là “chốt chặn” quan trọng nhất để có thể giữ được mục tiêu lạm phát năm nay dưới 4% như Quốc hội đã đề ra.
Lung lay mục tiêu vì chi phí đẩy
Trao đổi tại tọa đàm “Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, trong ba năm qua, nhiều nước đã sử dụng các gói kích thích kinh tế rất lớn với tổng số tiền chưa từng thấy trong lịch sử. Điều này sớm muộn gì cũng ảnh hưởng lạm phát trung và dài hạn. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine kích hoạt các biện pháp trừng phạt rất mạnh của Mỹ và châu Âu cùng một số nước khác gây tác động nghiêm trọng tới thị trường năng lượng, càng tạo thêm áp lực đến lạm phát. Thêm vào đó, năm ngoái Mỹ gặp trở ngại lớn do tác động của thất thu do hạn hán chưa từng có trong lịch sử, đẩy giá lương thực lên cao.
Tổng hợp cả ba yếu tố này, giá dầu thô của thế giới trong ba tháng vừa rồi tăng khoảng 55-58%, giá lương thực thực phẩm tăng khoảng 24%-25%, các vật liệu xây dựng cơ bản cũng tăng thêm trên dưới 17%-35%.
Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng, nhất là giá nhiên liệu. Tính toán cho thấy, nếu giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì lạm phát tăng thêm 0,48%, nếu giá xăng dầu tăng 30% thì lạm phát tăng thêm xấp xỉ 1%.
Như vậy, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, riêng giá xăng dầu tại Việt Nam trong ba tháng qua tăng khoảng 30% và lạm phát tăng thêm khoảng 1% so với năm ngoái. Nếu năm ngoái lạm phát khoảng 1,9% thì năm nay có thể lên tới 3-3,9% chỉ riêng do tác động của giá xăng dầu. Ngoài ra còn có các tác động khác về giá vật liệu cơ bản, lương thực thực phẩm…
Giá xăng dầu tăng cao cũng khiến phân bón không nằm ngoài cơn bão giá. Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, giá xăng dầu cùng một số nguyên liệu khác như hoá chất phục vụ sản xuất phân bón tăng cao khiến giá phân bón đã tăng trong hai năm gần đây. Trong sản xuất nông nghiệp, chi phí cho phân bón chiếm đến 40 - 45% giá trị đầu vào, không chỉ đẩy giá thành sản phẩm tăng cao, mà còn ảnh hưởng đến đời sống của mấy chục triệu nông dân và cả người lao động.
Ông Nguyễn Đức Trung - quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM nhận định, nếu xăng dầu tiếp tục tiến tới mức 140 USD/thùng thì lạm phát bình quân năm nay vẫn có thể ở mức 4%, thậm chí khi so với cùng kỳ thì lạm phát có thể sẽ vượt 4% ngay trong tháng 8, tháng 9 và cuối năm có thể đâu đó trên 7%. Điều này rất nguy hiểm bởi gây ra kỳ vọng lạm phát và áp lực lớn hơn nữa cho việc điều hành, kiểm soát lạm phát năm 2023.
Kiểm soát lạm phát dưới 4%: Khó nhưng vẫn khả thi
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, bên cạnh những yếu tố tiêu cực thì vẫn còn nhiều điểm tích cực trong mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, cách điều hành chính sách tiền tệ của NHNN mấy năm nay khá vững vàng, chuyên nghiệp và rút kinh nghiệm được từ những năm trước. Do đó, không quá lo ngại về lạm phát tiền tệ. Bằng chứng là chỉ số lạm phát cơ bản trong mấy tháng gần đây vẫn ở mức thấp. Khi NHNN kiểm soát tốt được cung tiền, lạm phát chi phí đẩy cũng được kiềm chế khá nhanh, vòng sau giảm so với vòng trước. Việt Nam sẽ không lo “tứ bề gặp giặc” mà chỉ “một bề” là chi phí đẩy. Cũng không lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào.
Trong khi giới chuyên gia dự báo, mức 140 USD/thùng sẽ là đỉnh của giá dầu thô do nhu cầu giảm khi mùa hè đã sang. Hơn nữa, xung đột Nga - Ukraine đã dịu lại, hành động của các nước OPEC đang mạnh lên. Do đó, nguồn cung xăng dầu thế giới có thể sẽ ổn định và có xu hướng tăng. Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu thô có thể chỉ đâu đó nằm trong khoảng 100-110 USD/thùng.
Một điều tích cực nữa là Việt Nam cũng là một nước xuất khẩu, nên chúng ta không chỉ nhập khẩu lạm phát mà còn xuất khẩu chính lạm phát đó ra. Do đó, số lạm phát giữ lại trong nước lớn nhất có thể nói nằm ở phân bón. Lạm phát từ toàn bộ nguyên vật liệu cho điện tử, dệt may đều đã được xuất trở lại bên ngoài.
“Kiểm soát cung tiền là chốt chặn quan trọng nhất, nếu NHNN và Chính phủ quyết tâm kiểm soát cung tiền, tôi tin rằng có 5-6 yếu tố trong đó có 2 yếu tố bất lợi nhưng có tới 4 yếu tố có lợi, thì mục tiêu giữ lạm phát dưới 4% là hoàn toàn có thể đạt được”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Long - Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê NHNN cũng cho biết, thời gian qua, NHNN rất chú ý trong việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu tiền tệ một cách hợp lý, để đảm bảo khả năng kiểm soát lạm phát không chỉ năm nay mà có thể kiểm soát được cả những năm tiếp theo.
Về tăng trưởng tín dụng, NHNN cũng kiểm soát chặt chẽ, trong đó luôn lưu ý để hướng tín dụng đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Cùng với đó là duy trì thanh khoản ổn định, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý. Để một mặt hỗ trợ được ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá, một mặt cũng hỗ trợ việc giảm lãi suất trên thị trường. Về tỷ giá, thời gian qua NHNN đã điều hành tỷ giá ổn định để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc hàng hoá thế giới tăng.
“Với việc điều hành đồng bộ như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát trong thời gian qua là ổn định kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Trong đó lạm phát toàn phần CPI chúng tôi đánh giá đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam. Đây là yếu tố hết sức quan trọng và hỗ trợ trong việc ổn định được nền kinh tế vĩ mô và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra của Chính phủ”, ông Long thông tin.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận