Kiểm soát CPI dưới 4%: Hoàn toàn khả thi
Dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp, mục tiêu kiểm soát CPI bình quân dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn khả thi. Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.
Thưa bà, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát được xem là vẫn trong tầm kiểm soát; vậy bà có thể đánh giá về diễn biến của CPI trong những tháng đầu năm 2021?
CPI tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2021 với mức tăng lần lượt là: 1,91%; 3,84%; 3,52%; 2,57%; 3,96% và 1,79%.
Các yếu tố làm tăng CPI 8 tháng đầu năm là: Giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm; giá bán lẻ gas được điều chỉnh tăng 6 đợt và giảm 2 đợt, khiến giá gas tăng 20,26% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá dịch vụ giáo dục tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 8 tháng tăng 6% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng.
Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân làm giảm CPI 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như: Giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng giảm 0,38%, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm. Ngoài ra, việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.
Ảnh hưởng của dịch khiến người dân hạn chế đi lại, làm giá vé tàu hỏa 8 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 19,85%; giá du lịch trọn gói giảm 2,76%...
Mặc dù CPI 8 tháng đầu năm tăng thấp nhất so với cùng kỳ giai đoạn từ năm 2016 đến nay song nhiều nhận định cho rằng, nguy cơ lạm phát cao vẫn đang tiềm ẩn vào cuối năm 2021 và năm 2022. Vậy mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm dưới 4% có khả thi không, và cần những giải pháp gì để kiểm soát lạm phát, thưa bà?
Dịch Covid-19 diễn biến nhanh, nguy hiểm, phức tạp ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân, nhưng dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường, nên tôi đánh giá mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
Có thể nói, năm 2021, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng về lâu dài giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng, cùng với nỗ lực phục hồi kinh tế bằng các chính sách tài khóa, nới lỏng tiền tệ khiến nguy cơ lạm phát cao tiềm ẩn vào năm 2022. Để kiểm soát bền vững lạm phát năm 2022, Tổng cục Thống kê kiến nghị, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào 6 giải pháp điều hành.
Thứ nhất, cần chủ động thực hiện bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường, giá cả, nhất là những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay. Tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại; triển khai các chương trình kích cầu nội địa, nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Thứ hai, đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp, để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung.
Thứ ba, đối với nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, việc cung ứng cho thị trường trong nước nên được ưu tiên hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Thứ tư, cần có các biện pháp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Các công ty sản xuất thức ăn nghiên cứu giải pháp tối đa hóa nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu, nhằm giảm chi phí sản xuất để giảm giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thứ sáu, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các bộ, ngành tổ chức tốt công tác tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về công tác điều hành giá, nhất là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa, hạn chế những thông tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn cho thị trường.
Xin cảm ơn bà!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận