24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Nam
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kịch bản nào cho thị trường phân bón những tháng cuối năm?

Giá phân bón trong nước dự kiến vẫn sẽ tăng theo đà biến động của thị trường phân bón thế giới.

Thị trường thế giới tăng

Trên thị trường thế giới, giá phân bón đã tăng trong hơn 1 tháng trở lại đây, nhất là giá phân đạm ure-chủng loại phân bón dẫn dắt thị trường. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Argus, tại thị trường Trung Quốc, giá ure nội địa ổn định và sản lượng xuất khẩu rất ít. Diễn biến này phù hợp với nội dung mới đây, Trung Quốc đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu ure.

Tại Brazil, Alexfert có một đợt bán mới với giá 430 USD/tấn FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán, bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) cho 6.000 tấn ure hạt đục cho lô hàng tháng 10. Trong khi đó, các thương nhân đang tiếp tục bán ure hạt đục với mức giá 400 - 410 USD/tấn FOB tại châu Âu.

Tại thị trường Ai Cập, một giao dịch nhỏ về ure hạt đục từ một tàu sắp cập bến có mức giá 415 USD/tấn CFR (giá thành cộng cước phí). Các giao dịch khác được ghi nhận với mức giá lên đến 420 USD/tấn CFR. Tại Mỹ, một sà lan giao hàng trong tháng 9 có mức giá bán 430 USD/tấn Fob.

Kịch bản nào cho thị trường phân bón những tháng cuối năm?
​Mỹ mua lượng phân bón kỷ lục từ Nga (Ảnh minh họa: Sputnik)

Theo đà tăng thế giới

Trước biến động của giá phân bón thế giới, thời gian gần đây các doanh nghiệp trong nước liên tục thông báo tăng giá bán. Cụ thể, giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá Urê bán tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển tại miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300 - 11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng tăng giá Urê tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên mức 11.000 đồng/kg, tăng hơn 1.100 đồng/kg so với tháng 8. Nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Đạm Hà Bắc cũng thông báo tăng giá bán lên mức hơn 10.800 đồng/kg. Với mức giá này, phân Urê tại các nhà máy hiện đã tăng lên từ 30- 35% chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây.

Trong những ngày gần đây, theo cập nhật trên trang thông tin thuộc Đạm Cà Mau, mức giá trung bình Urê Cà Mau tăng từ 575.000 đồng/bao từ ngày 17/9 lên 585.000 đồng/bao trong ngày 22/9. Đạm Phú Mỹ có mức tăng từ 575.000 đồng/bao ngày 17/9 lên 590.000 đồng/bao ngày 22/9, tăng 15 nghìn đồng/bao; Urê Phú Mỹ (giá bán lẻ) tăng 20.000 đồng/bao, từ 525.000 đồng/bao lên 545.000 đồng/bao. Urê Hà Bắc (giá bán lẻ) tăng 30.000 đồng/bao, từ 525.000 đồng/bao ngày 17/9 lên 555.000 đồng/bao trong ngày 22/9.

Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, việc tăng giá phân bón hiện nay sẽ có ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân. Bởi theo theo thời vụ và loại cây trồng, phân bón thường chiếm tới 40-60% giá thành sản xuất. Tuy nhiên, nếu như giá nông sản cũng đạt mức tăng, mức độ ảnh hưởng sẽ không đáng kể.

Chia sẻ về vấn đề chất lượng phân bón trước việc giá phân bón tăng với báo Đảng Cộng Sản, ông Phùng Hà cho biết, các doanh nghiệp phân bón lớn có thương hiệu như phân bón Cà Mau, Phú Mỹ, Lâm Thao,… luôn duy trì được chất lượng của phân bón. Với những doanh nghiệp lớn này, chất lượng phân bón luôn được đảm bảo.

Tuy nhiên, cũng theo ông Phùng Hà, với việc giá phân bón tăng hiện nay, vẫn có hiện tượng phân bón “rởm” ở những quy mô sản xuất phân bón rất nhỏ. Bởi thông thường, theo quy luật thị trường, giá cao sẽ xuất hiện nhiều phân bón “rởm”.

Theo ông Hà, để hạn chế phân bón “rởm”, điều này thuộc trách nhiệm của quản lý thị trường và của các địa phương. Trong đó, cần áp dụng nghiêm ngặt các chế tài xử phạt, tránh hiện tượng “phạt cho xong”, sẽ giúp hạn chế hiện tượng này.

Cũng theo ông Phùng Hà, năm 2022, ở trong nước, chúng ta sản xuất được 6,5-7 triệu tấn phân bón trên tổng nhu cầu 11 triệu tấn; số lượng còn lại chúng ta nhập khẩu, chủ yếu là Kali, NPK,…

Thị trường nhập khẩu phân bón của nước ta gồm: Trung Quốc, Nga, Trung Đông, Indonesia,… Trong đó, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc chiếm tới gần 40%.

Sẽ có tín hiệu tích cực vào cuối năm

Theo báo Công thương, ngành phân bón Việt Nam đã có giai đoạn “tăng nóng” từ quý IV/2021 đến hết 6 tháng năm 2022. Giai đoạn này, giá phân bón trên toàn thế giới tăng vọt, kéo theo giá trong nước. Các doanh nghiệp phân bón cũng ghi nhận lợi nhuận cao trong giai đoạn này.

Sau khi tăng cao liên tiếp, giá phân bón trong nước có xu hướng đảo chiều từ những tháng cuối năm 2022 cho tới gần đây. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá phân bón giảm đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh ngành trong 6 tháng năm 2023.

Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây của thị trường phân bón thế giới và trong nước, VDSC nhận định, thị trường phân bón sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm.

Kịch bản nào cho thị trường phân bón những tháng cuối năm?
​Các chuyên gia cũng dự báo, theo quy luật, nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh trong quý IV, thời điểm vụ Đông Xuân diễn ra tại miền Bắc và Thu Đông diễn ra ở miền Nam.

Hãng tin Argus dự báo giá ure thế giới sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023. VDSC nhận định, giá ure nội địa biến động khá tương quan với giá ure thế giới, do đó giá ure trong nước có thể tăng 12% so với đầu năm. Còn đối với giá NPK, kể từ đầu năm, do tốc độ giảm giá NPK ít hơn so với ure, nên giá NPK sẽ đi ngang trong nửa cuối năm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cao điểm mùa vụ chính là vụ Đông-Xuân sắp tới, vì thường theo quy luật, sản lượng sản xuất ure cuối năm thường cao hơn, khi đó nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng sẽ cao hơn, đẩy giá thành phân bón tiếp tục tăng.

Trong bối cảnh giá ure phục hồi, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) có triển vọng cải thiện doanh thu và lợi nhuận rõ nét khi nhờ nhu cầu chăm bón lúa vụ Hè Thu tại khu vực miền Trung và vụ Đông Xuân tại khu vực phía Bắc gia tăng, trong khi giá lúa gạo neo ở mức cao cải thiện khả năng chi trả của người dân.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu phân bón của Đạm Cà Mau có thể phục hồi mạnh trong nửa cuối năm so với mức nền thấp trong giai đoạn 6 tháng đầu năm nay, nhờ có các yếu tố thuận lợi.

Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo), đơn vị sản xuất - kinh doanh phân bón Phú Mỹ cho biết, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã đẩy công suất lên tối đa nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của bà con nông dân. Từ đầu năm 2023 đến nay, PVFCCo đã đưa ra thị trường 640.000 tấn Đạm Phú Mỹ và 90.000 tấn NPK Phú Mỹ. Dự kiến, trong 4 tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ đưa ra thị trường thêm 500.000 tấn phân bón Phú Mỹ các loại, kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm sẽ được cải thiện.

Các chuyên gia cũng dự báo, theo quy luật, nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh trong quý IV, thời điểm vụ Đông Xuân diễn ra tại miền Bắc và Thu Đông diễn ra ở miền Nam. Hiện, giá nhiều loại nông sản như gạo, cà phê… neo cao kéo theo việc nông dân mở rộng sản xuất. Giá phân bón trong nước có thể duy trì đà tăng trong quý 4 năm nay, song sẽ không tăng nóng như câu chuyện cách đây 2 năm trước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
160.68 +0.18 (+0.11%)
PTKT
15.11 -0.06 (-0.37%)
312.00 0.00 (0.00%)
575.00 0.00 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả