Kịch bản Mỹ - Trung Quốc kết hợp mở kho dầu dự trữ chiến lược và tác động lên thị trường dầu thế giới
Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cùng mở kho dầu chiến lược, nhóm nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và liên minh (OPEC+) sẽ buộc phải tự tính toán lại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, đương đầu với áp lực chính trị quá lớn từ việc lạm phát tăng cao nhất trong nhiều thập kỷ, đã mất một tháng để cố gắng làm giảm giá dầu. Và giờ đây, các nỗ lực của ông đang phát huy tác dụng.
Theo Bloomberg, từ cuối tháng 10 khi giá dầu chạm ngưỡng 85USD/thùng và nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) bác bỏ đề nghị của ông Biden về việc tăng sản lượng nhanh hơn, Tổng thống Biden đã đe dọa sẽ xả dầu từ kho dự trữ, yêu cầu các nhà chức trách điều tra ngành năng lượng Mỹ về hành vi thao túng giá cũng như kêu gọi nhiều nước cũng có nhu cầu tiêu thụ dầu lớn trên thế giới cùng hành động. Chính quyền thậm chí cũng đang tính đến lựa chọn hạn chế xuất khẩu.
Giá xăng cao tiềm ẩn rủi ro chính trị với bất kỳ Tổng thống Mỹ nào, tuy nhiên ông Biden vẫn có lý do để lo lắng: chi phí năng lượng cao kết hợp với giá nhiều loại sản phẩm, từ thịt cho đến quần áo hay hàng hóa nguyên liệu và ô tô đe dọa gây tổn hại đến quá trình phục hồi kinh tế từ đại dịch COVID-19 và khả năng thực thi các chương trình chi tiêu xã hội lớn.
Điều đáng lưu tâm trong cuộc chiến của Tổng thống Mỹ với giá dầu cao chính là cho đến nay, chính quyền của ông chưa thực sự hành động. Tuy nhiên, những đồn đoán xung quanh việc Mỹ có thể làm gì cũng đã đủ để ngăn giá dầu tăng.
Tính từ ngày 26/10/2021, giá dầu thô giao hợp đồng tương lai trên thị trường Mỹ đã giảm khoảng 7% và hiện giờ ở mức dưới 80USD/thùng. Giá xăng bán ra trên thị trường hiện cao nhất trong 7 năm tuy nhiên hiện đã bình ổn.
Tổng thống đã có chiến thắng lớn nhất khi mà sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến mới đây giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thông báo mở kho dự trữ xăng lần thứ 2 trong năm nay. Trung Quốc hiện đang là nước nhập khẩu dầu lớn thứ 2 trên thế giới.
Những nỗ lực của ông Biden có thể giúp làm giảm giá dầu trong ngắn hạn. Tuy nhiên điều lớn hơn chính ở chỗ hai nước cường quốc lớn nhất thế giới sẽ cố gắng để gây ảnh hưởng đến thị trường dầu lần đầu tiên và liệu OPEC có coi đây như nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm Colombia chuyên nghiên cứu về chính sách năng lượng toàn cầu, ông Robert Johnston, nhận xét: “Nếu có một nỗ lực phối kết hợp xả kho dầu dự trữ chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, chắc chắn nó sẽ là một thực tế mới cho OPEC. Liệu họ có thay đổi chiến lược quản lý nguồn cung trên thị trường toàn cầu?”
Hiện tại giá dầu đã giảm 7% tính từ mức đỉnh gần nhất bởi những nỗi lo sợ về khả năng Mỹ xả kho dự trữ.
Ở mức độ nào đó, các cuộc đối thoại không đủ để giúp ổn định giá dầu trong dài hạn, đặc biệt khi mà việc đại dịch COVID-19 bùng vào mùa đông năm nay và đồng USD tăng giá tạo ra áp lực lạm phát trong ngắn hạn. Tổng thống Biden sẽ cần phải thực sự xả kho dự trữ, nếu không các nhà đầu tư trên thị trường dầu sẽ không còn tin tưởng vào ông.
Ông cũng không thể mở dự trữ dầu chiến lược quá lâu nếu không nó sẽ cạn kiệt rất nhanh. Đồng thời cũng có khả năng nỗ lực phối kết hợp mở dự trữ dầu của hai nước lớn sẽ buộc OPEC phải cân nhắc lại việc nâng sản lượng dầu một cách từ từ.
“Nếu như có nỗ lực mở kho dầu dự trữ kết hợp giữa Trung Quốc và Mỹ, OPEC+ sẽ có thể buộc phải hãm lại việc tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày”, ông Johnston phân tích. OPEC+ sẽ theo dõi chặt chẽ xem liệu việc xả dự trữ này có tiềm ẩn rủi ro gây ra nhiều yếu tố mất cân bằng toàn cầu hay không, đặc biệt nếu OPEC+ cho rằng hoàn toàn có khả năng hoạt động sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao trở lại và nhu cầu đi xuống do giá cao.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận