Kịch bản kinh tế Việt Nam 2022: Cơ hội từ các chính sách hỗ trợ kịp thời
Ngày 14/1, phiên toàn thể Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Phục hồi và bứt tốc tăng trưởng: Từ chính sách kích thích kinh tế đến sức bật của các ngành, địa phương và doanh nghiệp” được Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconom
Trong nguy có cơ
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, bước sang năm thứ ba của đại dịch một trăm năm có một, chúng ta đúc rút được 3 điều có tính chất kinh điển đối với các doanh nghiệp. Đó là trong nguy có cơ, ngay trong giai đoạn cao điểm của đại dịch, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến sự đi lên của các ngành, lĩnh vực mới, giàu tiềm năng như thương mại điện tử, thương mại số, các ngành cung ứng các sản phẩm và dịch vụ gắn với khoa học đời sống; nhiều doanh nghiệp đã thể hiện năng lực thích ứng tốt, đầy sáng tạo và quả cảm, không chỉ vượt qua đại dịch mà còn phát triển mạnh mẽ hơn, tìm kiếm những xu hướng sản xuất, kinh doanh mới, an toàn, bền vững và có trách nhiệm với xã hội cao hơn…; quản lý thay đổi và tốc độ thay đổi có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với doanh nghiệp để bứt phá trong dịch.
Nhờ vào sự chủ động, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, tổng kết năm 2021, Việt Nam đã đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Kinh tế vĩ mô ổn định với tăng trưởng đạt mức 2,58%; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; thương mại hàng hóa tăng cao với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD; cán cân thương mại thặng dư với xuất siêu đạt 4 tỷ USD; đầu tư nước ngoài phục hồi với mức tăng trên 9%...
Nhìn về tương lai của năm 2022, các chuyên gia khẳng định, năm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ phải vượt qua những khó khăn, thách thức mang tính ngắn hạn mà còn phải tạo dựng được nền tảng cho phát triển của nền kinh tế - xã hội trong trung và dài hạn nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và trước hết là trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Tận dụng cơ hội để phục hồi mạnh mẽ
Tư tưởng đã thông và thống nhất ở tất cả các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương, quyết tâm chính trị đã cao, điều cần thiết bây giờ chính là có kế hoạch hành động cụ thể để thực thi hiệu quả, hiện thực hóa các mục tiêu đề ra; tăng cường công tác quản trị và theo dõi, giám sát quá trình thực thi, bảo đảm đúng quan điểm, mục tiêu, công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi và tiến độ; không để trục lợi chính sách, ông Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Nghị quyết về chính sách tài khóa - tiền tệ hỗ trợ cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế được Quốc hội thông qua có những chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như giảm 2% thuế VAT với nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp mức thuế VAT 10% trừ ngân hàng, tài chính, chứng khoán và bất động sản; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong đó có 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% một năm và 300 tỷ đồng phát triển du lịch…
Điều này tạo ra 2 tác động chính đến doanh nghiệp. Ông Phan Đức Hiếu phân tích, ngoài những doanh nghiệp được chỉ mặt điểm tên như hỗ trợ giảm lãi suất, VAT hay hỗ trợ cho người lao động tại một số khu kinh tế lớn để thuê nhà, còn tạo ra cơ hội kinh doanh lớn hơn cho toàn bộ doanh nghiệp. Bởi, tác động gián tiếp của gói hỗ trợ phục hồi này là tạo cơ hội kinh doanh lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, do đó nên quan tâm đến cơ hội gián tiếp này chứ không chỉ quan tâm có thuộc đối tượng được hỗ trợ trực tiếp hay không.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng đề xuất, Quốc hội đã rất khẩn trương, quyết liệt đưa ra Nghị quyết nên Chính phủ cũng cần sớm ban hành giải pháp cụ thể về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý kinh tế, bộ, ngành tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình.
Cuối cùng, quan trọng nhất là khả năng hấp thụ của doanh nghiệp. Tất cả hiệu quả chương trình sẽ nâng lên nếu doanh nghiệp hưởng ứng tích cực.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, nhìn chung, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phát triển, bứt phá từ kinh tế số và chương trình phục hồi kinh tế nhưng cũng không ít rủi ro cần quan tâm. Cơ hội tăng trưởng quan trọng nhất là con người, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội quan trọng như nhau.
Đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, Chính phủ cần tăng cường phối hợp giữa các địa phương, thực thi chính sách, tăng cường năng lực y tế, điều trị, bổ sung thuốc hỗ trợ điều trị; kiểm soát lạm phát; chuyển quản lý nền kinh tế dựa trên cơ sở sở hữu sang kiểm soát các hành vi lạm dụng sức mạnh vị thế thị trường xuất hiện gần đây; việc thực hiện và giải ngân kịp thời chương trình phục hồi kinh tế là tối quan trọng trong năm 2022-2023.
Đại diện một địa phương có vị trí trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nêu định hướng, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động năm 2022, tạo thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới cho nền kinh tế...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận