Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu NKG với giá mục tiêu 24.700 đồng/CP
Mới đây, CTCK KB Việt Nam (KBSV) vừa đưa ra báo cáo về cổ phiếu NKG của Công ty CP Thép Nam Kim.
Hoạt động kinh doanh
Công ty CP thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) được thành lập năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu là 60 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất kinh doanh chính bao gồm sản xuất các loại tôn thép như tôn mạ kẽm, tôn mạ màu và kinh doanh sắt thép các loại.
Hiện tại, NKG đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất tôn gồm Nhà máy tôn số 1 và Nhà máy tôn số 2. Công suất lần lượt của 2 nhà máy này là 350.000 tấn/năm và 650.000 tấn/năm. Ngoài ra, NKG còn sở hữu 2 nhà máy sản xuất ống thép với tổng công suất 270.000 tấn sản phẩm/năm. Gần đây, doanh nghiệp đã thông qua kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại KCN Mỹ Xuân B1 – Đại Dương (Bà Rịa – Vũng Tàu) với 3 giai đoạn. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 4.500 tỷ. Sản lượng kế hoạch của nhà máy là 1,2 triệu tấn, nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất của Nam Kim lên 2,4 triệu tấn. Sản phẩm của nhà máy tập trung vào các dòng sản phẩm chất lượng cao.
Mảng sản xuất và kinh doanh tôn mạ chiếm tỷ trọng doanh thu lớn trong hoạt động kinh doanh của NKG. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), thị phần tôn mạ Nam Kim liên tục tăng trưởng nhanh và ổn định qua các năm, từ ở vị trí thứ 8 năm 2011 (4%) lên vị trí thứ 5 năm 2012 (6,9%), lên vị trí thứ 2 năm 2013 (12%). Năm 2021, thị phần Nam Kim đạt 17,5%, xếp thứ 2 về thị phần. Nửa đầu năm 2022, thị phần NKG đạt 18,25%. Công ty luôn giữ vững đà tăng trưởng và duy trì thuộc Top 3 toàn ngành. NKG tập trung vào thế mạnh của mình là sản xuất. NKG là một trong những nhà sản xuất tôn lạnh đầu ngành sở hữu công suất lớn và dây truyền hiện đại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp luôn có kế hoạch để mở rộng công suất.
Kết quả kinh doanh và tình hình tài chính
Doanh thu thuần của NKG năm 2021 đạt 28.173 tỷ đồng, tăng 143,7% so với năm 2020. Đây là đỉnh cao của NKG khi doanh thu và lợi nhuận cao kỷ lục. Biên lợi nhuận gộp ghi nhận 15,2% tăng hơn 7% so với năm 2020. Tuy nhiên, chi phí bán hàng của NKG ghi nhận 1.398 tỷ (tăng mạnh do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chi phí vận chuyển cao). Lợi nhuận sau thuế đạt 2.225 tỷ đồng (+654,22% YoY). Nửa đầu năm 2022, luỹ kế doanh thu của NKG đạt 14.437 tỷ đồng (+20,9% YoY), LNST ghi nhận 1.454 tỷ đồng (+24,6% YoY). Biên lợi nhuận gộp 6 tháng đạt 12,8%.
Doanh thu 2Q2022 của NKG đạt 7,2 nghìn tỷ đồng (+2,7% YoY). Biên lợi nhuận gộp đạt 12,4% giảm hơn so với Quý 1 (13,2%). Tuy nhiên, NKG đã hoàn lập 300 tỷ chi phí trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn trong Quý 1. Nếu không bao gồm khoản hoàn nhập dự phòng này, biên lợi nhuận Quý 1 ước tính chỉ đạt 9,2%. KBSV cho rằng sự cải thiện biên lợi nhuận trong Quý 2 so với quý liền trước (sau khi điều chỉnh trích lập dự phòng) đến từ việc giá HRC và giá tôn phục hồi trong sau khi giảm mạnh từ cuối 2021. NKG hưởng lợi từ tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ.
Bên cạnh đó, NKG còn có các đơn hàng xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Những đơn hàng này thường được NKG ký hợp đồng kỳ hạn 2 tháng nên mức giá bán ra được giữ ở mức cao. LNST Quý 2 ghi nhận 201,4 tỷ đồng (-76,2% YoY). Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp (SG&A) của NKG đều tăng mạnh ảnh hưởng đến lợi nhuận của Nam Kim.
Tổng tài sản tăng trưởng đáng kể trong năm 2021 đạt 15.397 tỷ (+104% YoY). Do việc đứt gãy chuỗi cung ứng nhưng vẫn phải đảm bảo hàng cung ứng cho thị trường xuất khẩu, cơ cấu tài sản ngắn hạn của NKG có nhiều thay đổi so với 2020. Hàng tồn kho tăng trưởng mạnh (gần 4 lần so với năm 2020) đạt 8.701 tỷ chiếm 57% tổng tài sản (TTS).
Tính đến hết quý 2/2022, TTS của NKG đạt 16.259 tỷ, giảm 1% so với đầu năm. Trong đó, HTK chiếm 51,9% tổng tài sản. Khoản phải thu ghi nhận 2.061 tỷ (giảm khoảng 5% so với Quý 1) tương đương 16% TTS.
Nợ vay của NKG giảm 8% so với đầu kỳ, ghi nhận 4.843 tỷ. Trong đó, vay nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu nợ. Nửa đầu năm, tỷ lệ nợ phải trả/TTS là 61,9%. Tuy nhiên, nợ vay/TTS của NKG chỉ là 29,7%. KBSV đánh giá đây là một tỷ lệ an toàn đối với doanh nghiệp. ROE 2021 của NKG đạt 38,9% tăng rất mạnh so với năm 2020 do doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Doanh nghiệp đã tận dụng tốt quá trình tăng giá của HRC trong nửa cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, rủi ro trích lập giảm giá hàng tồn kho sẽ hiện hữu với NKG khi giá nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh. Hiện tại, tỷ lệ HTK/TTS (51,9%) đang ở mức cao nhất trong 5 năm. So sánh với các doanh nghiệp niêm yết cùng sản xuất tôn, tỷ lệ HTK/TTS của NKG đang cao hơn Hoà Phát (27,7%) và thấp hơn Hoa Sen (53%).
Điểm nhấn đầu tư
Nam Kim chịu nhiều ảnh hưởng từ biến động trên thị trường thép
Về yếu tố đầu vào, thị trường HRC thế giới có nhiều biến động. Giá HRC Việt Nam trên thị trường giao ngay đã ghi nhận đợt giảm giá liên tiếp so với đỉnh 925 USD/tấn vào ngày 1/4/2022, về giao dịch quanh mức 605 USD/tấn. KBSV cho rằng giá HRC trung bình sẽ khoảng 800 USD/tấn trong 2 Quý tiếp theo. Dù giá nguyên vật liệu đầu vào giảm thấp nhưng điều này chưa kịp phản ánh luôn vào kết quả kinh doanh. NKG sẽ còn tồn kho nguyên vật liệu giá cao.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, tồn kho nguyên vật liệu NKG đạt 2,25 nghìn tỷ và thành phẩm đạt 4,5 nghìn tỷ. Tồn kho đang ở mức khá cao. Việc giá nguyên vật liệu giảm sẽ khiến Nam Kim phải trích lập lớn cho chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Về yếu tố đầu ra, giá tôn xuất khẩu sang Châu Âu và Mỹ đang chịu áp lực từ giá HRC giảm. Giá bán tiêu thụ nội địa sẽ giảm cùng nhịp với giá HRC trên thị trường giao ngay. Không riêng gì NKG, các doanh nghiệp ngành tôn thép đều chịu rủi ro khi giá HRC tạo đỉnh vào đi xuống bắt đầu từ 6/5/2022. KBSV dự báo giá xuất khẩu trung bình ở mức 1.100 USD/tấn và giá nội địa sẽ vào khoảng 900 USD/tấn vào giai đoạn nửa cuối 2022. NKG thường xuất khẩu thép với hợp đồng kỳ hạn 2 tháng nên giá bán đã được chốt trước đó.
Tuy nhiên, giá sẽ không còn cao như đơn hàng trong Quý 2 vì giá bán ra đã đi xuống từ đầu tháng 5. Chênh lệch giữa giá đầu vào (HRC) và giá xuất khẩu đang dần thu hẹp, biên lợi nhuận gộp của NKG còn chịu áp lực trong giai đoạn cuối năm. Vì vậy, KBSV cho rằng triển vọng kết quả kinh doanh của NKG sẽ còn ảm đạm trong ngắn hạn khi giá HRC giảm.
Chính sách thương mại của Mỹ và EU làm gia tăng sức ép cạnh tranh
Thép xuất khẩu Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh gay gắt tại cả Eu và Mỹ. Từ đầu năm 2022, Mỹ đã nới lỏng hạn ngạch thuế quan đối với thép Nhật Bản, EU và Anh.
Ngoài ra, EU gia tăng biện pháp bảo hộ đối với thép mạ Việt Nam. Cụ thể từ 1/7/2022 đến 30/6/2024, tôn mạ kim loại (nhóm 4A) của Việt Nam được quản lý theo hạn ngạch. Hạn ngạch miễn thuế của nhóm “các nước khác”, gồm Việt Nam là 1,8 triệu tấn cho giai đoạn 1/7/2022 đến 30/6/2023 và tăng 4% trong năm tiếp theo. Mức thuế nhập khẩu phải nộp nếu vượt hạn ngạch là 25% (cho phần vượt quá).
Các năm tới tôn mạ Việt Nam vào EU gặp khó do cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu. Vốn là một doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Mỹ (20% sản lượng xuất khẩu) và EU (50% sản lượng xuất khẩu), chính sách này sẽ gia tăng sức ép cạnh tranh cho sản phẩm thép xuất khẩu của Nam Kim.
Tuy nhiên, NKG có thể hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU
Về nhu cầu, Hiệp hội thép Châu Âu (EUROFAR) cho rằng nhu cầu tiêu thụ thép tại khối này không có gì chắc chắn trong nửa cuối năm 2022 bởi sự tiếp diễn cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, lo ngại lạm phát cũng như triển vọng toàn cầu xấu đi. Theo dự báo của tổ chức này, tiêu thụ thép tại EU năm 2022 sẽ vào khoảng 147 triệu tấn (-2% YoY). Như vậy, nửa cuối năm nhu cầu tiêu thụ khả năng sẽ đi xuống so với cùng kỳ 2021.
Về nguồn cung, cung thép nội địa của EU gần như đi ngang trong Quý 1/2022 (+0,2% YoY). Sản lượng thép tháng 7 của EU đã giảm 6,7% so với cùng kỳ 2021. Thêm vào đó, việc Nga cắt giảm lượng khí đốt vào EU đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thép tại khu vực này. Chi phí năng lượng tăng cao khiến các nhà máy sản xuất buộc phải cắt giảm sản lượng, thậm chí đóng cửa.
Tính đến 6/9/2022, 15 nhà máy đã dừng hoặc có kế hoạch dừng hoạt động. Điều này sẽ tiếp diễn trong ngắn/trung hạn khi EU chưa tìm được nguồn cung năng lượng thay thế trong khi ngoại giao với Nga vẫn diễn ra căng thẳng.
Bên cạnh đó, dù cho ổn định lại tình hình năng lượng thì sản lượng thép tại các nhà máy cũng không thể trở lại ngay. Doanh nghiệp sẽ tốn nhiều thời gian và chi phí để khởi động lại một lò sản xuất thép sau khi dừng hoạt động.
Xu thế gia tăng nhập khẩu thép của EU đã và đang diễn ra trong vài năm gần đây, cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại dự báo sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa sản lượng thép nhập khẩu vào EU. Vốn coi EU là thị trường xuất khẩu chính, NKG được kì vọng tiếp tục duy trì hưởng lợi nhờ xu thế này.
NKG kỳ vọng duy trì lợi thế về chi phí và tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất
Sản phẩm của NKG cạnh tranh về giá bán khi có chi phí sản xuất rẻ hơn doanh nghiệp đối thủ tại các nước sản xuất thép phát triển bởi: Chi phí sản xuất thép tại các nước xuất khẩu lớn (Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…) chịu tác động nhiều bởi xu hướng sản xuất thép sạch; Chính sách quản lý môi trường tại Việt Nam nới lỏng hơn so với các nước phát triển nhập khẩu thép như EU và Mỹ (giá sản xuất tại các thị trường này cao hơn và nguồn cung hạn chế do chính sách giảm thải carbon); Giá năng lượng tăng cao tại EU khiến chi phí sản xuất thép tại đây tăng vọt.
Năng lực sản xuất của NKG tiếp tục cải thiện nhờ dự án nhà máy mới tại Mỹ Xuân với công suất 1,2 triệu tấn/năm (tăng 2 lần tổng công suất so với hiện tại) với 3 giai đoạn từ 2022-2027 hướng đến sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Rủi ro đầu tư
Rủi ro liên quan đến nguyên vật liệu đầu vào và giá thành phẩm. Doanh thu và lợi nhuận của NKG gắn chặt với giá HRC và giá xuất khẩu sang các thị trường phát triển như Mỹ và Châu Âu. Giá HRC và giá thành phẩm biến động theo thị trường hàng hoá toàn cầu vì thế kết quả kinh doanh của NKG cũng sẽ biến động theo. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào có thể làm gián đoạn hoạt động của NKG.
Rủi ro về thuế quan: Do xuất khẩu chiếm tỷ trọng chính nên chính sách thuế, bảo hộ của các nước chính quyền tại thị trường xuất khẩu ảnh hưởng nhiều đến NKG. Ngay gần đây, EU đã có chính sách gia tăng biện pháp bảo hộ đối với thép mạ Việt Nam. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến triển vọng tiêu thụ tôn xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của Tôn Nam Kim trên trường quốc tế.
Rủi ro về môi trường: Ngành thép là một ngành công nghiệp nặng. Hoạt động sản xuất thép của NKG có nguy cơ phát sinh chất thải có hại cho môi trường. Vì vậy các chính sách thắt chặt quản lý môi trường có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như NKG.
Dự phóng kết quả kinh doanh và định giá
KBSV dự phóng tổng sản lượng tiêu thụ năm 2022 của NKG đạt 1 triệu tấn (- 7% YoY). Doanh thu và LNST tương ứng đạt 25.309 tỷ đồng (-10,2% YoY) và 1.203 tỷ (-45,9% YoY). Biên lợi nhuận gộp dự phóng giảm xuống khoảng 9% do lo ngại nhu cầu tiêu thụ yếu, diễn biến giá nguyên liệu và giá đầu ra đang bất lợi cho NKG.
Ngành thép đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán ra giảm và sản lượng tiêu thụ kém tích cực. Mặc dù vậy, tình hình của NKG vẫn tốt hơn so với các công ty cùng ngành. Thị phần 1H2022 của Nam Kim đạt 18,25%, tăng trưởng so với cùng kỳ 2021 (17,4%). Nam Kim được kỳ vọng sẽ duy trì lợi thế cạnh tranh và nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng nhà máy mới tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.
Dựa trên trung bình 2 phương pháp định giá P/E và FCFF, KBSV khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu NKG, giá mục tiêu 24.700 đồng/cp, upside 10% so với giá đóng cửa ngày 7/9/2022. Theo phương pháp P/E, KBSV hạ dự báo P/E mục tiêu năm 2022 của NKG xuống 5,5x lần do lo ngại nhu cầu tiêu thụ kém tích cực và giá bán ra giảm. EPS dự phóng cho năm 2022 đạt 4.574 đồng/cp. Định giá tương ứng đạt 25.150 đồng/cp. Theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, KBSV định giá NKG mức 24.360 đồng/cp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận