menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lâm An

Khủng hoảng Ukraine: Phương Tây trừng phạt Nga - Gậy ông đập lưng ông?

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây mở chiến dịch cô lập kinh tế chống lại Moscow và ngày càng nới rộng phạm vi trừng phạt.

Nối tiếp trừng phạt

Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, phương Tây đã phát động một chiến dịch cô lập kinh tế chống lại Moscow và đang ngày càng nới rộng phạm vi trừng phạt.

Đầu tiên, những người thân cận với Điện Kremlin bị nhắm mục tiêu. Sau đó, các lệnh trừng phạt đã được mở rộng hơn.

Ngày 8/3, Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga. Ngày 11/3, nhằm siết chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các đồng minh quyết định thu hồi quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Moscow. Chính quyền của ông cũng cấm nhập khẩu hải sản, rượu và kim cương của Nga.

Dự kiến, Quốc hội Mỹ sẽ sớm có các hành động nhằm thông qua quyết định của ông Biden. Việc Mỹ hủy bỏ quy chế thương mại đặc biệt với Nga là một trong các động thái mới nhất nhằm cô lập kinh tế nước này.

Cho đến nay, dưới tác động của các lệnh trừng phạt, hơn 300 công ty đã rút khỏi Nga. Danh sách ngày càng được nối dài và đa dạng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm Mastercard, PayPal và Netflix.

Không còn đối đầu quân sự, Mỹ và các đồng minh sử dụng ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế Moscow.

Trong nhiều năm, do hậu quả của các cuộc khủng hoảng ở Iraq và Afghanistan, các thời tổng thống Mỹ đã ủng hộ việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bổ sung gần 30% cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt của nước này so với người tiền nhiệm Barack Obama đã triển khai trong năm 2016. Trước đó, ông Obama tăng gần gấp ba lần số thực thể bị trừng phạt trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ so với năm 2009.

Dù ngày càng phổ biến ở Washington song các biện pháp trừng phạt kinh tế này phần lớn không đạt được mục tiêu, bao gồm ở Triều Tiên, Venezuela, Iran hay những nơi khác. Thay vào đó, chúng để lại hậu quả lâu dài cho thế giới.

Đáng chú ý, sự phổ biến của các biện pháp trừng phạt đã bắt đầu đẩy nhanh quá trình hợp tác giữa các "nạn nhân" như việc Trung Quốc và Nga thiết lập một hệ thống kinh tế song song để đối phó căng thẳng với phương Tây ngày càng gia tăng.

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập Crimea vào năm 2014, các ngân hàng phương Tây đã giảm gần 80% mức độ tiếp xúc với hệ thống tài chính Nga.

Vào năm 2019, Bắc Kinh và Moscow đã quyết định tăng đáng kể việc thanh toán giao dịch bằng tiền tệ tương ứng của họ thay vì sử dụng đồng USD. Trung Quốc đang đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối và mua vàng để giảm tỷ lệ tiếp xúc với đồng USD.

Nền kinh tế thứ 2 thế giới cũng đang cố gắng thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ. Kể từ năm 2001, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong giao dịch ngoại hối đã tăng từ gần như bằng 0 lên hơn 4%.

Mặc dù con số này thấp hơn đáng kể so với các đồng tiền phương Tây, nhưng khi phương Tây sử dụng các lệnh trừng phạt, Bắc Kinh sẽ tìm cách lấp đầy khoảng trống.

Việc Trung Quốc và Nga hợp tác cũng khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây kém hiệu quả hơn.

Năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 324 triệu thùng dầu thô từ Iran và Venezuela, bỏ qua các biện pháp trừng phạt bằng cách đổi tên hàng nhập khẩu là dầu từ Oman hoặc Malaysia.

Đối thoại thay đối đầu

Theo các nghiên cứu, các lệnh trừng phạt đôi khi lại gia tăng uy tín của các nhà lãnh đạo ở chính các nước bị trừng phạt.

Ở Venezuela, các biện pháp trừng phạt của Mỹ vô hình trung đã giúp Tổng thống Maduro đắc cử thêm một nhiệm kỳ.

Tương tự, ở Iran, các lệnh trừng phạt và việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã góp phần đưa Tổng thống Ebrahim Raisi lên nắm quyền.

Đối với Washington, tất cả những điều này cũng đi kèm với những chi phí địa chính trị gia tăng đáng kể. Khi ảnh hưởng của Mỹ suy giảm, sức mạnh của nước này trong việc xây dựng sự đồng thuận toàn cầu cũng bị ảnh hưởng.

Không giống như những năm sau Chiến tranh Lạnh, các biện pháp trừng phạt đã tạo ra rạn nứt Đông-Tây trong địa chính trị toàn cầu.

Kể từ sự kiện năm ngoái ở Myanmar, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều hợp sức để phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây. Những vết nứt tương tự đã xuất hiện xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

Đối với phương Tây, các biện pháp trừng phạt có vẻ như đang làm giảm đòn bẩy kinh tế của chính họ, khi mỗi quốc gia này ngày càng mất kết nối với nhau.

Trong hoàn cảnh đó, thay vì áp đặt các biện pháp trừng phạt, phương Tây nên theo đuổi đối thoại Đông-Tây sâu sắc hơn và thường xuyên hơn trên quy tắc các chuẩn mực quốc tế.

Ngay cả trước khi nhiệm kỳ của mình bắt đầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rõ rằng, ông dự định ưu tiên các mối quan hệ với các nền dân chủ và sau khi nhậm chức, ông đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để tiếp tục chương trình nghị sự đó.

Phải thừa nhận rằng trong bối cảnh Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, một số người có thể nhận thấy lời kêu gọi đối thoại trên diện rộng có thể không hiệu quả.

Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi các lệnh trừng phạt đang giảm dần hiệu quả, việc khôi phục đối thoại đa phương có thể là cách duy nhất để đạt được mục tiêu của các bên.

* Nhà phân tích chính sách, Tổng biên tập trang tin Freedom Gazette.

(theo SCMP)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả