Khủng hoảng ở nền kinh tế lớn nhất châu Phi: Tiền tệ mất giá không phanh, thất nghiệp cao, nợ công kỷ lục
Với lạm phát hàng năm gần 30% và đồng nội tệ tụt dốc không phanh, Nigeria đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong nhiều năm qua.
Đồng Naira của Nigeria chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong ngày 19/02. Cụ thể, đồng tiền này giảm về mức gần 1,600 đổi 1 USD, từ mức 900 đổi 1 USD hồi đầu năm.
Ngày 20/02, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu thông báo Chính phủ liên bang đã lên kế hoạch huy động ít nhất 10 tỷ USD để tăng thanh khoản giao dịch ngoại hối và ổn định đồng Naira, theo nguồn tin địa phương.
Vì sao đồng Naira mất giá trầm trọng?
Đồng nội tệ Nigeria đã giảm 70% kể từ tháng 5/2023 – thời điểm Tổng thống Tinubu nhậm chức và kế thừa một nền kinh tế đang chao đảo trong khó khăn kinh tế. Tại điểm đó, ông Tinubu hứa sẽ thực hiện một loạt cải cách để ổn định “con thuyền” Nigeria.
Nhằm vực dậy nền kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài, Tổng thống Tinubu đã thả nổi tỷ giá, cho phép các lực lượng thị trường quyết định tỷ giá. Điều này khiến đồng Naira mất giá mạnh. Chưa hết, trong tháng 1/2024, cơ quan điều tiết thị trường cũng thay đổi cách tính tỷ giá đóng cửa, càng khiến đồng Naira mất giá thêm.
“Đồng Nigeria mất giá sẽ làm tăng nhập khẩu lạm phát, từ đó càng làm gia tăng áp lực giá cả ở Nigeria”, Pieter Scribante, Chuyên gia kinh tế chính trị cấp cao tại Oxford Economics, cho biết trong báo cáo ngày 19/02.
Nigeria là nền kinh tế lớn nhất châu Phi và có hơn 210 triệu dân, nhưng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người dân.
“Thu nhập khả dụng suy giảm và áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng lớn vẫn là mối lo ngại trong năm 2024, từ đó càng kìm hãm chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng của khu vực tư nhân”, Scribante nói thêm.
Trong khi đó, lạm phát tiếp tục tăng vọt, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 tăng 29.9% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ năm 1996. CPI tăng mạnh chủ yếu đến từ nhóm thực phẩm, với mức tăng 35.4% trong tháng 1/2024.
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng mạnh cùng với những khó khăn về kinh tế, đông đảo người dân đã đổ ra đường biểu tình vào cuối tuần trước. Đồng nội tệ mất giá mạnh càng làm gia tăng tác động tiêu cực từ các cuộc cải cách của Chính phủ. Chẳng hạn, việc gỡ bỏ trợ giá khí gas đã khiến giá khí gas vọt gấp 3 lần.
Hồi cuối tháng 7/2023, Tổng thống Tinubu cho biết Chính phủ đã tiết kiệm hơn 1,000 tỷ Naira (tương đương 666 triệu USD) nhờ bỏ trợ giá khí gas và lượng vốn này sẽ được dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thất nghiệp, thiếu điện và nợ công cao kỷ lục
Cùng với tình trạng lạm phát tăng vọt và đồng tiền mất giá, Nigeria cũng chật vật đối phó với mức nợ công cao kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp cao, thiếu điện và sản lượng dầu sụt giảm – hàng hóa xuất khẩu chính của Nigeria.
Scribante của Oxford Economics cho biết thêm: “Thanh khoản thị trường dư thừa, áp lực về tỷ giá hối đoái, tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu đe dọa sự ổn định giá cả, trong khi lạm phát có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát của Chính phủ”.
“Nhu cầu nhập khẩu mạnh mẽ có thể buộc NHTW Nigeria (CBN) phải tái áp đặt lệnh cấm nhập khẩu và hạn chế giao dịch ngoại hối để giảm bớt gánh nặng với tài khoản thanh toán. Điều này có thể càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu sản phẩm nội địa và càng thúc đẩy lạm phát tăng mạnh”.
Theo dự báo của Oxford Economics, lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức gần 33% trong quý 2/2024 và có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài trong bối cảnh Nigeria đối mặt với hàng loạt rủi ro kinh tế trong tương lai.
“Hơn nữa, tình trạng lạm phát ngày càng cao cùng với quan điểm diều hâu của NHTW Nigeria cho thấy lãi suất có thể được nâng lên trong quý này”, Scribante chia sẻ. Lãi suất chính sách đang ở mức 18.75%.
“Chúng tôi kỳ vọng NHTW Nigeria sẽ nâng tổng cộng 200 điểm cơ bản tại 2 cuộc họp kế tiếp (cuối tháng 2 và cuối tháng 3/2024). Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ sẽ cần phải nâng lãi suất thêm để kiểm soát lạm phát”, Scribante nói thêm.
Trong ngày 15/02, chuyên gia Tuvey cho biết: “Cuộc họp sẽ là một bài kiểm tra quan trọng để xem liệu sự thay đổi chính sách dưới thời Tổng thống Tinubu có thực sự lấy lại được động lực kinh tế hay không”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận