menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trịnh Vũ Tường

Khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc

Khi mùa Đông đến gần và tăng trưởng GDP quí 2-2021 vượt 12%, ít ai có thể nghĩ rằng một cuộc khủng hoảng năng lượng mới đang đe dọa đến không chỉ tăng trưởng kinh tế của quí 4 mà còn cả khả năng cung cấp hệ thống sưởi ở phía Bắc Trung Quốc trong những tháng còn lại cuối năm.

Với cách ví von thông thường, sự cố thiếu điện hoặc một cuộc khủng hoảng năng lượng nhỏ hiện nay không phải là hiện tượng thiên nga đen – vốn để chỉ các sự cố nhỏ, nhưng có hậu quả to lớn – mà là các rủi ro tê giác xám – một dạng rủi ro cố tình bị phớt lờ. Những chỉ dấu về việc thiếu điện đã xuất hiện khi giá than đá tăng vọt và làm giá sản xuất công nghiệp tháng 8-2021 tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Nhưng nhiều cảnh báo đã bị phớt lờ. Hoặc thể chế chính sách quản lý hiện nay đã không đủ linh hoạt để điều chỉnh nhằm thích ứng với các thách thức nhấn chìm nhiều thành phố Trung Quốc trong bóng tối này.

Thiếu hụt nguồn cung ứng than

Sản xuất điện của Trung Quốc hiện nay vẫn chủ yếu đến từ nguồn nhiệt điện, với tỷ trọng 70% sản lượng sản xuất và 56,8% sản lượng tiêu thụ trong năm ngoái. Do đó, tình trạng thiếu điện phần lớn liên quan đến thiếu hụt nguồn cung than đá cho các nhà máy nhiệt điện tại quốc gia này.

Với sản lượng khoảng 3,9 tỉ tấn/năm, Trung Quốc có thể tự sản xuất được 92% nhu cầu tiêu thụ than đá trong nước (cho cả hai mục đích là luyện kim và phát điện). Nhưng 8% than đá nhập khẩu cũng rất quan trọng với việc sản xuất công nghiệp và năng lượng tại Trung Quốc do chất lượng than nhập khẩu tốt hơn để đáp ứng yêu cầu của ngành luyện kim chất lượng cao.

Tình hình đã thay đổi bất lợi cho các ngành năng lượng Trung Quốc khi vào tháng 10-2020 nước này quyết định ngừng nhập than đá của Úc để gây sức ép đối với chính sách đối ngoại mà Úc theo đuổi. Ngay lập tức, lượng than nhập khẩu từ nước này vào Trung Quốc đã sụt giảm tới 28% vào tháng 11-2020, và sau một năm, lượng than nhập khẩu này đã giảm tới 98,6%. Trong khi đó, để bù đắp lại, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu than từ Mông Cổ. Nhưng xét về sản lượng, than từ Mông Cổ và Nga khó có thể thay thế được than từ Úc do quy mô xuất khẩu quá thấp.

Tình hình nhập khẩu từ Mông Cổ càng trở nên tồi tệ khi hoạt động này gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Mông Cổ. Hôm 21-8-2021, hải quan Ganqimaodu tại khu tự trị Nội Mông (Trung Quốc) cho biết đã đình chỉ nhập khẩu than từ Mông Cổ trong vòng hai tuần để phòng chống dịch Covid-19.

Đối với 92% sản lượng than đá sản xuất trong nước, tình hình cũng không khả quan hơn hoạt động nhập khẩu. Vào đầu tháng 9, tỉnh Sơn Tây đã phải đóng cửa một mỏ than công suất 6 triệu tấn/năm do liên quan đến tai nạn lao động, nâng số mỏ phải đóng cửa của tỉnh này lên con số 23 mỏ. Điều đó có nghĩa là một phần tư công suất khai thác than của tỉnh Sơn Tây đã phải ngừng lại. Tình hình tương tự cũng xuất hiện ở Hà Nam và Hà Bắc. Với việc đóng cửa các mỏ than, giá than nội địa của Trung Quốc đã tăng vọt lên 613 đô la Mỹ/tấn còn than nhập khẩu là 412 đô la Mỹ/tấn.

Giá cả chưa được thị trường hóa

Vì lý do thiếu điện, khoảng 20 tỉnh của Trung Quốc đã thực hiện cắt điện luân phiên, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sự ổn định của chuỗi cung ứng tại quốc gia này và làm gia tăng chi phí cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Giá sản xuất công nghiệp (PPI) đã tăng 9,5% vào tháng 8-2021, và khi phân rã tăng trưởng PPI thành giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất công nghiệp và giá xuất xưởng sản xuất công nghiệp thì PPI chủ yếu tăng do chi phí đẩy. Giá các sản phẩm khai khoáng ở Trung Quốc đã tăng tới 41,8%, nguyên vật liệu sản xuất công nghiệp tăng 18,3% và giá gia công chế biến chỉ tăng 8%. Sự gia tăng rõ ràng nhất của các chi phí đầu vào là đà tăng mạnh mẽ của giá dầu thô, than đá, quặng sắt và kim loại màu. Giá than tại Trung Quốc tăng lên mức cao kỷ lục trong ngày 7-9.

Riêng đối với các nhà máy điện, giá than đá để sản xuất điện đã tăng từ 104 đô la Mỹ/tấn lên 170 đô la Mỹ/tấn kể từ tháng 1-2021 đến nay. Như vậy, giá than để sản xuất điện đã tăng tới 64% trong khi đó với chính sách giá điện hiện nay, các nhà máy và các tỉnh chỉ được phép điều chỉnh giá bán điện tối đa 10%. Với sự chênh lệch giữa chi phí đầu vào và giá thành đầu ra, các nhà máy nhiệt điện khó lòng có thể vận hành và đảm bảo hiệu quả kinh tế. Cho nên, nhiều nhà máy và địa phương đã lựa chọn cắt giảm lượng điện sản xuất trước khi chờ trung ương ban hành chính sách mới hoặc tạo điều kiện vận hành khác.

Như vậy, có thể thấy, cuộc khủng hoảng điện năng ở Trung Quốc hiện nay không chỉ là vấn đề về nguồn cung than đá, mà còn cả vấn đề ở nơi sản xuất – khi mà cơ chế định giá vẫn chưa được thị trường hóa và gây khó khăn cho việc hạch toán của các doanh nghiệp. Nhìn vào bức tranh định giá điện ở Trung Quốc chúng ta có thể thấy một bất cập khá lớn là ngoài việc giá bị cố định theo yêu cầu của nhà nước, chỉ được điều chỉnh với biên độ nhỏ tăng/giảm 10% thì các thực thể sử dụng điện cho sản xuất đang phải bù giá cho các hộ gia đình.

Trung Quốc hiện duy trì ba mức giá điện cho hộ gia đình – tương ứng với ba mức tiêu thụ điện khác nhau – trong đó hai mức giá đầu bao phủ tới 95% mức tiêu thụ điện năng của hộ gia đình và chỉ còn 5% là thanh toán theo mức thứ ba. Số liệu của Ủy ban quốc gia về Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC) cho thấy năm 2020, giá điện mà hộ gia đình Trung Quốc phải trả chỉ bằng một phần ba so với mức trung bình của Nhật Bản và bằng 40% của Úc. Có sự chênh lệch rõ giữa giá điện sinh hoạt trung bình (0,542 nhân dân tệ/kWh) và giá điện sản xuất (0,635 nhân dân tệ/kWh). Như vậy, có thể thấy hoạt động sản xuất đang trợ giá cho hoạt động tiêu dùng điện hộ gia đình ở Trung Quốc. Mức trợ giá này năm 2019 ước tính vào khoảng 42 tỉ đô la Mỹ.

Đối diện với cuộc khủng hoảng điện năng, một số tỉnh, thành của Trung Quốc như Quảng Đông đã cho phép tăng giá điện 25% vào giờ cao điểm (11:00 – 12:00 và 15:00 – 17:00), trong khi một số tỉnh khác thì đã tăng tối đa 10% giá điện và có thể tăng thêm 10% cũng vào giờ cao điểm. Tỉnh Hồ Nam dự kiến “tính lại giá điện dựa trên giá than” từ tháng 10-2021.

Thiếu kết nối giữa các lưới điện quốc gia

Tình trạng mất điện, thiếu điện của Trung Quốc có thể không trầm trọng đến vậy nếu việc kết nối truyền tải điện giữa các lưới điện quốc gia được tiến hành tốt hơn hoặc ít nhất nếu chúng được đầu tư để kết nối với nhau. Trung Quốc hiện có hai công ty vận hành lưới điện lớn là Tập đoàn Lưới điện quốc gia – quản lý 80% hệ thống lưới điện cả nước – và Tập đoàn Lưới điện phương Nam – quản lý 20% lưới điện còn lại, chủ yếu của năm tỉnh phía Nam. Nhưng ở vào thời điểm thiếu hụt điện, hai mạng lưới này không “đấu nối” với nhau cả theo ý nghĩa vật lý lẫn ý nghĩa điều hành. Một lý do quan trọng là có rất ít hoạt động mua bán điện giữa các tỉnh với nhau.

Chính quyền địa phương “lách luật”

Một nguyên nhân khác được cho là cũng góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu điện của Trung Quốc đó là do các địa phương đã hành động đối phó trước áp lực phải giảm phát thải và chống ô nhiễm môi trường từ trung ương. Kể từ khi ông Tập Cận Bình phát động một chiến dịch làm sạch môi trường vào năm 2013, Trung Quốc đã phải chấn chỉnh hoạt động cấp phép, đầu tư và vận hành các ngành công nghiệp tiêu hao nhiều năng lượng cũng như gây ô nhiễm môi trường lớn. Khi mục tiêu trung hòa phát thải vào năm 2060 được đưa ra trong Kế hoạch năm năm lần thứ 14 vừa được thông qua đầu năm nay, nhiều địa phương cho rằng họ vẫn có thể tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện đến năm 2030 và thực hiện lộ trình giảm dần đến năm 2060. Nhưng khi mục tiêu giảm 3% năng lượng sử dụng của năm 2021 đến gần, nhiều tỉnh nhận ra rằng họ phải giảm phát điện và cả sản xuất công nghiệp để chạy kịp với thời gian nếu không muốn bị kỷ luật. Lượng phát thải carbon của Trung Quốc trong quí 1-2021 đã tăng tới 15%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại