Khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tìm đến các khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM để tìm cơ hội đầu tư, đặt nhà máy.
Thông tin này được cơ quan quản lý, chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Lộ trình và những lưu ý cho nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu Công nghiệp, Khu Chế xuất" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 9/6.
Hội thảo nhằm hỗ trợ thông tin về các chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư của các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM đến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp từ 50% tăng lên 60-70%
GS.TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá phân bổ các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay chủ yếu mạnh nhất vẫn là khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM.
Những khu công nghiệp, khu chế xuất đầu tiên và có quy mô lớn tập trung khá nhiều tại TP.HCM như Khu chế xuất Tân Thuận được coi như khu chế xuất đầu tiên được thành lập vào năm 1991. Năm 1992, TP.HCM có Khu chế xuất Linh Trung, năm 1996 và 1997 liên tiếp có 10 khu công nghiệp của TP.HCM được thành lập.
Theo sau khu vực Đông Nam Bộ về mức độ phát triển các khu công nghiệp là Đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, một số tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang có ý định phát triển khu công nghiệp.
Ông Đặng Hùng Võ cho rằng các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam. Điều này thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp đang ngày càng tăng lên.
Theo ông, nếu như trước căng thẳng Mỹ - Trung, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp Việt Nam chỉ khoảng 50% thì do nhu cầu chuyển dịch chuyển cung ứng, các nhà đầu tư không đặt nhà máy tại Trung Quốc nữa thì tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại Việt Nam tăng lên khoảng 60%, những nơi năng động như Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, tỷ lệ lấp đầy có thể lên đến 70%.
Ngoài ra, giá thuê đất tại các khu công nghiệp cũng tăng khoảng 15%. Đây là các dấu hiệu cho thấy đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam đang khả quan.
Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang chú trọng đầu tư vào Việt Nam hơn trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng, trước chuyển biến của dịch bệnh, địa chính trị.
Theo ông Lộc, Việt Nam cần phải cải cách thể chế nhiều hơn, có giải pháp nâng cấp dịch vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
GS.TS Đặng Hùng Võ nói thêm chất thị trường trong phát triển các khu công nghiệp Việt Nam còn ít, thiếu việc khuyến khích các động lực từ thị trường. Các khu công nghiệp lớn còn quá ít và thiếu các hạ tầng đủ để phát triển các công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, chủ trương tích hợp các khu công nghiệp với các khu dịch vụ, khu đô thị được xác định quá chậm, gây ra tình trạng thiếu sức sống cho các khu công nghiệp.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) - ông Nguyễn Tuấn, đánh giá với vai trò đầu tàu kinh tế cả nước và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cơ sở hạ tầng đồng bộ, khoa học công nghệ phát triển, lực lượng lao động có tay nghề và trình độ kiến thức chuyên môn cao, tính đến nay TP.HCM là một trong những địa phương có lượng thu hút vốn FDI cao nhất với gần 11.000 dự án và tổng vốn đầu tư đạt gần 54 tỷ USD.
Theo ông Tuấn, khi nền kinh tế mở lại sau dịch, kinh tế phục hồi như chiếc lò xo bị nén, các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đơn vị này sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước khi tham gia đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, không chỉ riêng TP.HCM mà cả các tỉnh thành khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận