Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ: Giải quyết những tồn tại của khu công nghiệp truyền thống
Việc phát triển các khu công nghiệp những năm qua ở một số vùng còn nhiều bất cập, trong đó, dễ thấy nhất là cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng đồng bộ và hiện đại. Bởi thế, việc hình thành các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là giải pháp đem lại môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động.
Trước những tồn tại trên, tháng 5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82/2018 về quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Trong đó, nghị định dành một mục để quy định việc phát triển khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Mục tiêu là nhằm hình thành khu vực đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, gắn kết giữa phát triển khu công nghiệp với quá trình đô thị hóa tại các địa phương. Đồng thời, loại hình này có trách nhiệm giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, thể thao và các tiện ích xã hội khác, đảm bảo cuộc sống của công nhân trong khu công nghiệp, góp phần phân bố dân cư hợp lý tại các địa bàn trọng điểm tập trung nhiều khu công nghiệp. Mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ là mô hình kết hợp giữa phát triển công nghiệp với đô thị hóa, đảm bảo sự phát triển bền vững của khu công nghiệp.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm Nghị định được ban hành, chưa có bất cứ một khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ nào được thành lập mới hoặc chuyển đổi từ khu công nghiệp hiện có.
Theo TS. Hán Minh Cường, Công ty Cổ phần tập đoàn Sgroup, các khu công nghiệp truyền thống sau quá trình phát triển “nóng” đã bộc lộ những bất cập như vấn đề nhà ở cho người lao động, thiếu hạ tầng xã hội và các công trình tiện ích phục vụ, vấn đề ô nhiễm môi trường… Những vấn đề này tiềm ẩn những bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, đòi hỏi cần thiết phải nghiên cứu các giải pháp thích ứng phù hợp.
Nhiều khu công nghiệp khi quy hoạch căn cứ trên những dự báo không sát với thực tế phát triển, trải qua nhiều năm thu hút đầu tư nhưng tỷ lệ lấp đầy rất thấp, giảm hiệu quả sử dụng đất, ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Đặc biệt, tiến trình phát triển khu công nghiệp tại các nước phát triển trên thế giới cho thấy, mô hình phát triển khu công nghiệp có thể xem xét qua 4 giai đoạn “tiến hoá” khác nhau. Giai đoạn 1 là phát triển các khu công nghiệp tập trung truyền thống; Giai đoạn 2 là bổ sung các tiện ích dịch vụ như cửa hàng, khu thể thao… nhằm nâng cao chất lượng sống; Giai đoạn 3 tuân thủ các nguyên tắc quy hoạch tổng thể và xây dựng cơ sở hạ tầng của một đô thị nhỏ mới và Giai đoạn 4 là tạo nên một khu đô thị công nghiệp với khả năng tự chủ độc lập, đầy đủ các chức năng ở, giáo dục, công cộng và dịch vụ.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP. Theo đó, Dự thảo Nghị định đã bổ sung một số nội dung nhằm phù hợp với các luật mới được ban hành và điều kiện thực tế. Trong đó, Điều 14 của Dự thảo đã đề xuất điều kiện để chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị, thương mại, dịch vụ. Bao gồm: “Khu công nghiệp nằm trong các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh; thời gian hoạt động của khu công nghiệp từ khi được thành lập hoặc cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấp tờ có giá trị tương đương đến thời điểm xem xét chuyển đổi tối thiểu là 15 năm hoặc 1/2 thời gian hoạt động của khu công nghiệp. Bên cạnh đó, phải có sự đồng thuận của doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, các nhà đầu của các dự án đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp.
Chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi các khu công nghiệp tập trung truyền thống sẽ là một trong các giải pháp giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề nhà ở cho chuyên gia và người lao động, giải quyết tình trạng chỗ ở chật hẹp, thiếu tiện nghi, tiện ích của công nhân hiện nay thông qua việc xây dựng các công trình nhà ở cùng các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, dịch vụ thương mại… Bên cạnh đó, chuyển đổi khu công nghiệp cũng giúp thích ứng tốt với tình hình dịch bệnh khi có thể kết hợp sản xuất với yêu cần giãn cách để chống dịch.
Để nâng cao tính khả thi và thuận lợi cho việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống thành khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có thể xem xét một số giải pháp gợi ý.
Cụ thể, một là cần sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể cho việc chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trong đó quy định các điều kiện, tiêu chí cho các khu công nghiệp muốn chuyển đổi.
Hai là cần rà soát các khu công nghiệp “cơ bản đáp ứng” các điều kiện đang đề xuất trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP cũng như các khu công nghiệp hoạt động không hiệu quả cần thay đổi quy mô, tính chất và chức năng.
Ba là yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp xin chuyển đổi có trách nhiệm tiếp tục đầu tư xây dựng các khu chức năng ở và dịch vụ để đảm bảo trách nhiệm của nhà đầu tư cũng như xây dựng một khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ đồng bộ và thống nhất được công tác quản lý vận hành.
Bốn là cần xây dựng các cơ chế chính sách và điều kiện ưu đãi để nhà đầu tư có “động lực” đầu tư các công trình nhà ở, thiết chế văn hóa, thể thao, tiện ích, giáo dục, y tế… tại các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy cao, thu hút nhiều lao động nhưng không có quy hoạch nhà ở cho công nhân cũng như hạ tầng xã hội đi kèm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận