24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoa Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm tiến độ: Cần 2.668 tỷ đồng GPMB và tái định cư

2.668 tỷ đồng là số vốn Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc dự toán để xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm tiến độ: Cần 2.668 tỷ đồng GPMB và tái định cư
Để có mặt bằng sạch, thu hút được nhiều dự án lớn thì GPMB được xem là công tác trọng tâm, cần giải quyết dứt điểm. Ảnh: Dự án nhà máy Vinsmart đi vào hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc

Vừa qua, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có loạt bài phản ánh hiện trạng hạ tầng “đi trước về sau” tại Khu CNC Hòa Lạc khi vẫn còn hơn 200 ha chưa giải phóng mặt bằng cũng như hệ thống hạ tầng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện sau nhiều năm triển khai.

Vốn không phải điểm mắc nhất

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên DĐDN, ông Trần Đắc Trung - Phó trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã thừa nhận cho dù thời gian qua với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ KHCN, các Bộ ngành và thành phố Hà Nội thì Khu CNC Hòa Lạc đã đạt được những kết quả khá tốt khi thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn về đầu tư nhưng so với kỳ vọng đặt ra thì những kết quả đó chưa đạt kỳ vọng.

Về vấn đề giải quyết dứt điểm công tác GPMB đối với phần diện tích hơn 200ha còn lại tại Khu CNC Hòa Lạc, ông Trung cho biết hiện Ban đã lên dự toán nguồn vốn 2.668 tỷ đồng cho giai đoạn 5 năm tới để GPMB và tái định cư. Theo đó, nguồn vốn sẽ đề nghị cân đối từ ngân sách Trung ương, tuy nhiên trường hợp phía Hà Nội có nguồn thì có thể ứng ra trước cho phía Ban sau đó sẽ đối ứng bằng tiền thuế và tiền thuê đất của doanh nghiệp đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc.

Cũng theo ông Trung, sắp tới sẽ ưu tiên dùng ngân sách nhà nước đối với phần diện tích đất cần GPMB để xây dựng các cơ sở hạ tầng cần thiết. Đối với phần diện tích chưa GPMB mà doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư dự án thì có thể áp dụng phương án cho doanh nghiệp ứng vốn trước để GPMB, sau đó sẽ đối ứng lại bằng vào phần tiền thuê đất.

Tuy nhiên, theo ông Trung vấn đề vốn dù khó nhưng không phải là điểm mắc nhất hiện nay trong công tác GPMB tại Khu CNC Hòa Lạc. Theo đó, sau nhiều năm có quy hoạch, thành lập dự án mà chưa tiến hành GPMB thì những hộ dân vốn trước đây chỉ có quy mô gia đình nhỏ (3-5 người) nhưng đến nay, sau hơn 20 năm thì các hộ gia đình đó đã có thếm thế hệ, quy mô đã tăng lên gấp đôi, gấp ba.

Nếu phương án đền bù GPMB vẫn chỉ giải quyết 1 suất tái định cư thì người dân hiện không ủng hộ. “Vốn GPMB không phải khó nhất, khó nhất là vận động người dân do chưa có phương án tái định cư ổn thỏa”, ông Trung nhận đinh.

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Được định hướng trở thành khu CNC tầm cỡ quốc gia và khu vực nhưng có một thực tế là thời gian qua, Khu CNC Hòa Lạc lại chưa trở thành tổ của những “đại bàng” lớn về công nghệ khi đến Việt Nam như Samsung, LG, Intel, Microsoft,… nguyên nhân được ông Trung lý giải là việc khu vực này chưa quy hoạch, xây dựng được hệ sinh thái chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp đến đầu tư.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc chậm tiến độ: Cần 2.668 tỷ đồng GPMB và tái định cư
Một góc Khu CNC Hòa Lạc đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng

Theo đó, khi một doanh nghiệp lớn triển khai dự án thường sẽ có hàng chục doanh nghiệp đi theo để làm công nghiệp phụ trợ từ bao bì, nhựa, sản xuất chi tiết thô, xử lý rác thải,… tuy nhiên những doanh nghiệp phụ trợ nhỏ này lại không đủ điều kiện để vào Khu CNC. Trong khi đó, các khu vực xung quanh lại chưa có quy hoạch hạ tầng cho các doanh nghiệp nhỏ này “đóng quân”.

Đối với vấn đề này, ông Trung cho biết trước đây Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã có đặt vấn đề với Vinaconex để quy hoạch, xây dựng khu Bắc Phú Cát thành một KCN cho các doanh nghiệp phụ trợ công nghệ cao. Tuy nhiên, đến nay đề xuất này vẫn chưa thực hiện được. “Trong thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình để đề xuất, xúc tiến việc quy hoạch hình thành một số Khu, cụm CN phụ trợ cho CNC tại các vị trí đất của Hòa Bình giáp Hòa Lạc”, ông Trung chia sẻ.

Bên cạnh việc chưa hình thành hệ sinh thái phụ trợ CNC, hiện nay hệ thống các dịch vụ công tại Khu CNC Hòa Lạc cũng mới đang từng bước hoàn thiện. Theo đó, được biết hiện nay Ban Quản lý đang xúc tiến việc xây dựng 01 đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách cũng như chuẩn bị thành lập văn phòng về dịch vụ thuế tại đây.

Trong công tác hoàn thiện đầu tư hạ tầng dân sinh (ăn ở, y tế, vui chơi,..) nội khu phục vụ cho công nhân trong Khu CNC Hòa Lạc, theo ông Trung thì hiện nay vẫn đang chờ tháo gỡ liên quan đến phải thực hiện thủ tục đấu thầu khi triển khai dự án xây nhà ở cho công nhân thuê hoặc thuê mua.

Theo cơ chế hiện nay, đã là nhà ở dịch vụ nhà ở thương mại thì phải đấu thầu chọn nhà đầu tư và việc này lại phân cấp cho địa phương dẫn đến mất khá nhiều thời gian và doanh nghiệp cũng không mặn mà.

“Hiện Khu CNC Hòa Lạc đang đang trình Bộ KH&CN báo cáo Thủ tướng cho cơ chế đặc thù nhằm đẩy nhanh hoàn thiện các dịch vụ nhà ở cho công nhân. Các doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT,…có thể được tự xây nhà cho cán bộ CNV thuê, thuê mua. Nếu để 1 doanh nghiệp BĐS đơn thuần sẽ không dám vào đầu tư”, ông Trung nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả