Không lo vắng khách, chỉ sợ nay cho mở mai bắt đóng
Hàng quán mở bán tại chỗ từ ngày 28/10 nhưng chưa nhiều thực khách ghé chân. Dẫu vậy, đây cũng là tín hiệu vui cho cuộc sống “bình thường mới” tại TP.HCM.
Ghi nhận của PV. VietNamNet sáng 28/10, ngày đầu tiên TP.HCM cho phép dịch vụ kinh doanh ăn uống được bán tại chỗ cho thấy, nhiều hàng quán đồng loạt hoạt động nhưng thực khách đến còn ít.
Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, chủ quán Bánh cuốn Nhớ (quận 3), cho biết, các hộ kinh doanh rất vui vì bán tại chỗ và dịch được kiểm soát dần. Tuy nhiên, sáng nay khách không đông có thể vì chưa biết thông tin quán đã bán tại chỗ. Bản thân chị Vân cũng chưa kịp bỏ bảng hiệu “bán mang về”.
Hàng bánh cuốn của chị Vân đóng cửa từ ngày 9/7 và bán mang về từ đầu tháng 10. Nếu giờ mở tại chỗ thì không còn được chủ nhà hỗ trợ tiền chi phi mặt bằng nữa. Khách vắng dẫn đến kinh doanh có thể phải gánh thêm lỗ. Chị mong muốn, tình hình dịch đừng lặp đi lặp lại, bán được vài bữa lại cấm. Khách thấy nay mở, mai đóng thì không ổn cho công việc kinh doanh.
Chủ quán Phở Tân Hiệp (quận Phú Nhuận) cho rằng, việc chính quyền TP cho phép mở lại không chỉ có lợi cho người bán hàng mà cả thực khách. Bởi, đồ ăn nóng hổi như phở nhiều người thích ngồi dùng tại chỗ, đỡ phải mang về hâm nóng lại. Trong khi đó, ăn tại chỗ xong đi làm hoặc đi công việc sẽ thuận tiện hơn.
60 năm bán phở, chưa bao giờ chủ quán thấy tình cảnh như hiện nay. Lần đầu tiên trong đời quán phải nghỉ mấy tháng đóng cửa. Dẫu vậy, trong sáng đầu tiên được phép bán tại chỗ, khách đến ăn chỉ lác đác do nhiều người còn có tâm lý e dè.
“Mình chạm vào xe họ, họ còn sợ chứ không đùa. Trước đây, có thể ngồi ghép một bàn 3-4 người, nhưng giờ khách thấy có người ngồi rồi thì người sau không dám vào cùng bàn người lạ nữa. Nói chung, cả chủ và khách còn sợ dịch. Quán sẽ chủ động giảm số lượng khách chỉ còn 60% công suất so với trước để đảm bảo phòng, chống dịch”, chủ quán chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp - chủ Nhà hàng Khoái (quận 3) - nhận định, việc mở cửa không được tụ tập quá đông rồi không dùng bia, rượu sẽ gây khó khăn bởi nếu mở quán thì phát sinh các chi phí như điện, nước, nhân sự. Lượng khách thấp sẽ không đủ doanh thu. Quán cũng không thể tăng giá món ăn vì còn cạnh tranh so với quán ăn bình dân bên ngoài. Do vậy, quán vẫn chuẩn bị phương án bán online và offline song song.
Dù lượng khách đến các quán ăn ít, nhưng khách đến ngồi tại các quán cà phê, tận hưởng việc ngồi cùng bạn bè, gia đình thì đông hơn. Đặc biệt, ở khu vực quanh Hồ Con Rùa (quận 3) với các thương hiệu cà phê như Highlands, Passio...
Chị Huyền Trang (quận 5) hài lòng với việc được ăn sáng và dùng đồ uống tại chỗ sau thời gian dài. Đây là cảm giác rất lạ và thú vị. Cách đây ít hôm, Trang với bạn đã phải đi ăn “lén” tại chỗ ở một quán ăn quận 1 vì quá thèm món bún riêu cua.
Ông Hùng Vỹ (quận Bình Thạnh), người đã hơn 40 năm sinh sống tại TP.HCM, thấy dịch Covid-19 đã càn quét, mang đến quá nhiều đau thương. Việc hàng quán bán tại chỗ là điều ai cũng mong muốn, cho thấy sinh hoạt dần trở lại bình thường và là ao ước của người dân mấy tháng qua.
“Được ăn, uống tại chỗ ở một quán nhỏ. Ngồi với bạn bè sau thời gian làm việc, gọi tách cà phê hay ly bia để trò chuyện, hàn huyên thì không còn gì để tuyệt hơn”, ông nói.
Trước đó, chiều tối 27/10, TP.HCM đã có văn bản chính thức cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được phục vụ tại chỗ kể từ 28/10 và phải đảm bảo các điều kiện như: thời gian hoạt động kết thúc trước 21h hàng ngày; công suất hoạt động tối đa 50% và không bán, không để khách sử dụng đồ uống có cồn. TP chỉ chấp thuận quận 7 và TP. Thủ Đức được thực hiện thí điểm hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn, uống có bán, sử dụng đồ uống có cồn. Thời gian thực hiện thí điểm đến hết ngày 15/11.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận