Không kịp chốt lãi có thể sẽ lỗ
Trong bối cảnh VN-Index có diễn biến đi ngang kéo dài, dòng tiền luân chuyển nhanh giữa các dòng cổ phiếu và nhanh chóng chốt lãi khi giá tăng.
Thị trường lình xình, mục tiêu bình bình
Ba tháng trở lại đây, VN-Index chủ yếu vận động đi ngang trong vùng 1.050 +/- 30 điểm, với thanh khoản ở mức thấp. Trong phần lớn thời gian, thị trường không có nhóm cổ phiếu lớn dẫn dắt, do dòng tiền yếu đến từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong bối cảnh đó, dòng tiền luân chuyển nhanh giữa các nhóm cổ phiếu.
Ông Trần Văn Tuấn, một nhà đầu tư lâu năm cho biết, không phải bây giờ, mà từ cuối năm 2022, nhà đầu tư được khuyến nghị mua cổ phiếu rồi nắm giữ trung và dài hạn, ít nhất là 6 tháng. Thực tế cho thấy, chiến lược này đối với đa số cổ phiếu không mang lại lợi nhuận, thậm chí lỗ. Bởi lẽ, nhiều cổ phiếu có các nhịp tăng giảm giá đan xen, có mã tăng khá mạnh nhưng sau đó lại quay về mức cũ; một số mã khác có diễn biến giảm. Vì thế, giao dịch lướt sóng thường được các nhà đầu tư lựa chọn, với mục tiêu sinh lời ở mức thấp.
“Ở những phiên chỉ số có sắc xanh, nhà đầu tư nhanh nhạy quy đổi cổ phiếu ra tiền và chờ phiên điều chỉnh mua vào là chiến thuật hợp lý cho giai đoạn vừa rồi, đặc biệt khi thị trường ở trạng thái lình xình (sideway)”, ông Tuấn nhận xét.
Theo ông Tuấn, đầu tư theo kiểu “năng nhặt chặt bị”, nhiều người ghi nhận lợi nhuận tốt.
“Giai đoạn vừa qua cũng như hiện tại, không ít nhà đầu tư như tôi đặt mục tiêu sinh lời mỗi thương vụ khoảng 3% trong một tuần, hoặc 7 - 8% trong một tháng là chốt lãi, thay vì 10%/tuần, hoặc 20%/tháng như giai đoạn 2020 - 2021”, ông Tuấn nói và chia sẻ, ông vẫn đang tập trung canh mua nhóm cổ phiếu bất động sản (DIG, DXG…) và chứng khoán (SSI, VND…).
Trong khi đó, nhà đầu tư Nguyễn Khoa cho biết, anh chọn phương án đầu tư theo nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ các chính sách như ngân hàng, bất động sản, bán lẻ - tiêu dùng, mặc dù kỳ vọng phục hồi của các nhóm ngành này cần được đánh giá dựa trên mức độ phục hồi thực tế và không phải doanh nghiệp nào cũng hưởng lợi ngay khi các chính sách được ban hành.
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhìn nhận, dòng tiền vẫn đang xoay vòng trên thị trường, tập trung vào các cổ phiếu phân khúc vốn hóa vừa và nhỏ ở các ngành tài chính, bất động sản, xuất khẩu, xây lắp, hạ tầng..., tạo ra các con sóng lăn tăn.
Trong đó, dòng tiền ưu tiên cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng, cơ cấu cổ đông cô đặc. Một số cổ phiếu từng có nhịp tăng giá mạnh so với mặt bằng chung như DHG, PGB, FTS, BSI, VSH…
“Để hiệu quả, nhà đầu tư nên vận dụng linh hoạt các chiến lược giao dịch, hạn chế việc mua đuổi, bán đuổi”, ông Đức khuyến nghị.
Kỳ vọng bứt tốc trong 6 tháng cuối năm
Việc dòng tiền luân chuyển nhanh tạo ra các con sóng nhỏ, giúp giữ chân dòng tiền. Vận động giao dịch hiện tại kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho sự hồi phục trong thời gian tới.
Ông Cao Minh Hoàng, Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ IPA nhận định, từ nay cho đến hết tháng 5/2023, thị trường sẽ tiếp tục vận động theo hướng đi ngang, tích lũy trong biên độ hẹp, với sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Kỳ vọng, đây là giai đoạn tạo đà cho một sóng tăng tích cực trong giai đoạn nửa cuối năm 2023, khi các chính sách hỗ trợ ngấm vào nền kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, giúp khơi thông dòng vốn tín dụng và vốn đầu tư công được đẩy mạnh giải ngân.
Một số công ty chứng khoán khuyến nghị, đây là thời điểm thích hợp để mua tích lũy cổ phiếu của các nhóm ngành có triển vọng lợi nhuận khả quan hơn trong các quý tới như bán lẻ, bảo hiểm, trong khi định giá đang phản ánh khó khăn của ngành trong ngắn hạn; hoặc nhóm công nghệ thông tin đang có P/E dự phóng năm 2023 chưa phản ánh hết tiềm năng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng dừng tăng lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2023 và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Thị trường chứng khoán sẽ hưởng lợi từ các động thái này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo, dòng tiền sẽ gia tăng sau giai đoạn quý II/2023, khi các chính sách kích thích kinh tế và hỗ trợ thanh khoản của thị trường bất động sản phát huy hiệu quả.
“Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có thể là nhóm tăng trưởng vượt trội so với thị trường chung. Trong đó, tôi chú ý đến nhóm sản xuất và phân phối điện, xây dựng và vật liệu xây dựng, thép ở thời điểm hiện nay”, ông Minh nói.
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng đáng quan tâm. Bởi lẽ, nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp có triển vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm nay, với mức tăng dự kiến 4 - 6% tại các trung tâm công nghiệp cấp II và 2 - 3% tại các trung tâm công nghiệp cấp I. Mặt khác, do đặc thù kinh doanh, đây là nhóm doanh nghiệp có khoản tiền mặt dồi dào, giúp duy trì nguồn tiền trả cổ tức.
Mặc dù thị trường chứng khoán có thể đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất và rủi ro dài hạn giảm dần, nhưng thị trường vẫn bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là khi các vấn đề của thị trường bất động sản chưa được giải quyết. Dòng tiền không dễ quay lại kênh chứng khoán vào cuối tháng 5 hay trong tháng 6/2023, nhưng dự kiến sẽ khả quan hơn với kỳ vọng sóng tăng hình thành trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ký Tờ trình số 191/TTr-CP gửi Quốc hội dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng 2% (xuống 8%), kỳ vọng sẽ được thông qua trong kỳ họp tháng 5/2023 (khai mạc ngày 22/5, dự kiến bế mạc ngày 23/6).
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có nội dung liên quan đến việc giảm hệ số rủi ro với một số khoản vay tài trợ dự án bất động sản khu công nghiệp, cho vay mua nhà ở xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận