Không khí ảm đạm tại các nhà vườn trồng hoa lan Tết
Nếu như thời điểm này mọi năm, không khí tại các nhà vườn trồng hoa lan Tết trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhộn nhịp khách tới lui mua hoa, thì năm nay không khí đìu hiu trái ngược hẳn mọi năm.
Bà Bạch Thị Hạnh, ở xã Láng Lớn, huyện Châu Đức hiện có vườn lan rộng 3.000 m2, với khoảng 12 nghìn chậu lan Mokara, hồ điệp, ngọc điểm, dendro…
Theo bà Hạnh cho biết, dù Tết Nguyên đán đã cận kề nhưng không khí mua lan tại vườn của gia đình bà khá ảm đạm, điều này khiến bà Hạnh không khỏi lo ngại về đầu ra của những chậu hoa lan Tết. Hiện nay, trong số 2.000 chậu lan bán vào dịp Tết thì bà Hạnh mới chỉ bán được khoảng 20%, giảm 40% so với mọi năm.
Năm nay, do dịch bệnh nên kinh tế khó khăn, vì vậy bà Hạnh vẫn giữ nguyên giá bán, dao động từ 100 – 150 nghìn đồng/chậu lan dendro; 150-200 nghìn đồng/chậu hồ điệp, ngọc điểm. Riêng lan Mokara, bà Hạnh chỉ cắt cành để bán với giá sỉ từ 7-8 nghìn đồng/cành.
Bà Bạch Thị Hạnh, ngụ xã Láng Lớn, huyện Châu Đức chia sẻ, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoa cắt cành bán chạy mà hoa lan trồng trong chậu thì lại bán rất chậm, thương lái mua cầm chừng mà giá bán rẻ hơn mọi năm.
Tương tự, sức mua thời điểm này tại vườn lan của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thanh, ngụ xã An Nhứt, huyện Long Điền cũng chỉ 20% thay vì 50% như mọi năm. Hiện tại ông Thanh đang trồng 3.500 chậu lan ngọc điểm và 300 chậu denzo để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán và kỳ vọng thị trường hoa sẽ phục hồi mạnh sau dịch. Thế nhưng, đến thời điểm này, vườn lan của ông cũng chỉ tiêu thụ theo kiểu cầm chừng cho khách lẻ, chứ không có các đại lý lớn đặt hàng nhiều như mọi năm.
Mặc dù phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, công đầu tư, chăm sóc cũng tăng, nhưng ông Thanh vẫn giữ nguyên giá bán các chậu lan, thậm chí có loại giảm khoảng 20-30 nghìn đồng/chậu.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, xã An Nhứt, huyện Long Điền cũng cho biết thêm, năm nay thời tiết để vườn lan phát triển cũng không mấy thuận lợi, thất thường nên hoa lan trổ bông không đều, có cây lại ra hoa sớm, cây thì giờ vẫn chưa ra hoa, cây lan lại dễ bị sâu bệnh tấn công, tỷ lệ hao hụt cây tăng cao khiến nhà vườn rơi vào cảnh nguy cơ thất thu.
Anh Phạm Gia Bảo, xã An Nhứt, huyện Long Điền chia sẻ, hiện vườn lan của gia đình anh có khoảng từ 2.000 chậu để xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến nay đã gần giáp Tết nhưng sức tiêu thụ rất chậm so với mọi năm nên anh rất lo lắng. Vì vụ lan năm nay anh đã đổ vào đây khá nhiều chi phí để chăm sóc vườn lan.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 hộ lớn, nhỏ trồng hoa lan.Vụ tết là vụ sản xuất chính trong năm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, sức tiêu thụ chậm; trong khi giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, nhân công, vật tư đầu vào... lại tăng hơn so với mọi năm nên người trồng lan đã khó lại càng thêm khó.
Theo các nhà vườn trồng lan, để có được những giò hoa lan nở đúng dịp Tết, các nhà vườn phải tìm hiểu kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lan. Nhưng yếu tố thời tiết cũng rất quan trọng đối với việc hoa lan có nở đúng dịp Tết hay không./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận