Không dùng tiền ngân sách để thanh toán 12 dự án thua lỗ
Báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ Tài chính cho biết, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu hướng dẫn triển khai các nội dung xử lý đối với 12 dự án thua lỗ, theo hướng không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Hướng dẫn doanh nghiệp giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản
Báo cáo nhấn mạnh, việc xử lý đối với 12 dự án thua lỗ phải phù hợp tình hình thực tế, cố gắng cao nhất để có thể xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Về hướng dẫn giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản (một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp), Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn giãn, giảm mức trích khấu hao tài sản cố định đối với các doanh nghiệp thuộc Vinachem (Tập đoàn Hóa chất). Doanh nghiệp đã thực hiện từ năm 2017 đến nay.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về việc kéo dài khung trích khấu hao các dự án, doanh nghiệp thuộc Vinachem (sau khi doanh nghiệp đã kéo dài thời gian trích khấu hao theo hiện hành).
Đối với các đơn vị thành viên của PVN (Tập đoàn Dầu khí), Bộ Tài chính đã đề nghị PVN phân tích làm rõ những vướng mắc, khó khăn để đề xuất các giải pháp tháo gỡ; trong đó có đề xuất, giải pháp liên quan đến thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
Đồng thời, trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo PVN yêu cầu đơn vị thành viên khẩn trương thực hiện quyết toán tổng mức đầu tư, cập nhật đánh giá lại hiệu quả dự án sau khi điều chỉnh lại thời gian khấu hao và chủ động làm việc với bên cho vay để đạt được thỏa thuận các bên cho vay đồng ý tái cấu trúc khoản vay (gia hạn, khoanh nợ…) làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét kiến nghị của PVN về giãn, khoanh khấu hao tài sản cố định.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã hướng dẫn xử lý vướng mắc giữa PVN và Vinashin (SBIC) trong bàn giao nguyên trạng con tàu 104.000 tấn từ Vinashin sang PVN (nằm trong danh mục 12 dự án yếu kém, thua lỗ ngành Công thương). Đến nay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp chỉ đạo PVN và SBIC thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
6 dự án còn dư nợ tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam
Về xử lý nợ, lãi suất vay vốn của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT). Thông tin cho biết, NHPT đã thực hiện cho vay vốn tín dụng đầu tư 7 dự án/khoản vay của 6 chủ đầu tư. Đến ngày 31/12/2019, có 6 dự án còn dư nợ tại NHPT bao gồm: Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; 2 dự án/khoản vay của Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.
Trong đó, tổng số vốn đã giải ngân là 14.665 tỷ đồng và 2.598.778 USD; tổng số nợ gốc đã thu là 4.892 tỷ đồng và 1.504.696 USD; tổng nợ lãi đã thu là 4.833 tỷ đồng và 1.826.045 USD; tổng dư nợ gốc là 9.773 tỷ đồng và 1.094.082 USD; tổng dư nợ lãi là 4.457 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2015 - 2017, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và khó khăn thực tế của các dự án, trong phạm vi thẩm quyền, NHPT đã áp dụng giải pháp tín dụng cho các dự án (điều chỉnh mức trả nợ trong các kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng).
Tuy nhiên, với tình hình thực tế của các dự án, việc áp dụng giải pháp tín dụng không giải quyết được những khó khăn mà cần thiết phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và triệt để hơn (gia hạn nợ vay, giảm lãi suất, khoanh nợ…), cùng một số cơ chế chính sách khác (thuế GTGT, khấu hao…) thì dự án mới có thể hoạt động bình thường và có nguồn trả nợ.
Qua báo cáo của NHPT, Bộ Tài chính thấy rằng, trường hợp cơ chế xử lý, phương án sản xuất kinh doanh và tài chính cho các dự án chưa được cấp có thẩm quyền đánh giá và phê duyệt, thì việc áp dụng các giải pháp xử lý rủi ro và giảm lãi suất cho các dự án không đảm bảo tính khả thi.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả thực hiện xử lý rủi ro, tháo gỡ khó khăn cho các dự án và NHPT.
Trong tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại NHPT và đã có chỉ đạo giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về tình hình triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án cơ cấu lại NHPT và việc ban hành Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại NHPT, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước khi báo cáo Bộ Chính trị./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận