Khối ngoại 'tháo chạy' khỏi một số thị trường chứng khoán lớn tại châu Á
Ấn Độ, Đài Loan và Hàn Quốc là ba thị trường bị thoái vốn mạnh nhất khu vực.
Tình trạng "chảy máu" vốn đang xảy ra tại một số thị trường chứng khoán và trái phiếu lớn nhất châu Á (ngoài Trung Quốc) và được dự báo sẽ diễn biến nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.
Các quỹ đầu tư toàn cầu rút ròng khoảng 40 tỷ USD ra khỏi 7 thị trường chứng khoán khu vực châu Á, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Thái Lan, trong quý vừa qua, cao hơn bất cứ một giai đoạn khủng hoảng nào trước đây. Dòng tiền chảy ra mạnh nhất khỏi các thị trường chứng khoán Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ, trong khi đó, thị trường trái phiếu bị rút vốn nhiều nhất là Indonesia.
Các nhà quản lý tài sản rút vốn khỏi các thị trường rủi ro trong bối cảnh lạm phát cao và quan điểm quyết liệt siết chính sách của các ngân hàng trung ương châm ngòi cho quan ngại suy thoái. Nỗi sợ suy thoái tại Mỹ, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng tại châu Âu và Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hồi phục sau đại dịch Covid-19 là những lý do khiến nhà đầu nước ngoài tư tích cực thoái vốn.
“Chúng tôi dự báo nhà đầu tư tiếp tục duy trì tâm lý thận trọng đối với các nền kinh tế thiên về xuất khẩu và những thị trường được định giá cao trong bối cảnh khó khăn hiện tại”, theo Pruksa Iamthongthong, Giám đốc đầu tư chứng khoán châu Á tại abrdn plc, Singapore. “Triển vọng tương lai vẫn tương đối bất ổn đối với lĩnh vực công nghệ toàn cầu trước rủi ro suy thoái ngày một tăng”.
Nhà đầu tư nước ngoài rút 17 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Đài Loan, 15 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán Ấn Độ và 9,6 tỷ USD khỏi chứng khoán Hàn Quốc. Tất cả đều cao hơn các giai đoạn 3 tháng trong các năm 2008 (khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, năm 2013 (khi Fed dừng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế) và năm 2018 (thời điểm gần nhất Fed tăng lãi suất).
Quan điểm siết chính sách của Fed
Quan điểm siết chính sách của Fed, khiến lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao, được dự báo sẽ tiếp tục khiến nhà đầu tư rút tiền khỏi các thị trường châu Á. Lãi suất tại Mỹ được dự báo sẽ tăng thêm 1,5% tính tới cuối năm nay.
“Lý do nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu tại các thị trưởng kể trên không bởi vì các thị trường này hoạt động yếu kém. Thay vào đó, nó xuất phát từ quan điểm siết chính sách của Fed và một loạt các ngân hàng trung ương khác”, theo Mark Matthews, Trưởng nhóm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương tại Bank Julius Baer, Singapore.
Một trong những xu hướng chính được ghi nhận là tình trạng bán tháo cổ phiếu công nghệ, lĩnh vực có tỷ trọng lớn tại các thị trường chứng khoán Đài Loan và Hàn Quốc. Cổ phiếu công nghệ đồng loạt sụt giảm trên phạm vi toàn cầu trong nửa đầu năm nay trước quan ngại tăng trưởng, đồng thời là mức định giá quá cao sau 2 năm đại dịch.
Đồng yên suy yếu ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và thị trường chứng khoán Đài Loan, Hàn Quốc vì các quốc gia này xuất khẩu nhiều mặt hàng tương tự như Nhật Bản, theo Calvin Zhang, Quản lý quỹ tại Federated Hermes, Mỹ. Điều này khiến nhà đầu tư lo lắng những quốc gia này đánh mất thị phần xuất khẩu, ông nhận định.
Chứng khoán Ấn Độ chịu sức ép không nhỏ từ tình trạng giá dầu tăng cao. Trong khi đó, ngân hàng trung ương quốc gia này tăng nhanh lãi suất nhằm sớm kiểm soát lạm phát.
Khó khăn kép
“Khó khăn kép đối với châu Á, quá trình siết thanh khoản tại các thị trường phát triển và giá nhiên liệu tăng cao, tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới các giá trị đồng tiền trong khu vực và hạn chế dòng vốn chảy vào các thị trường tài chính châu Á ở thời điểm hiện tại”, Manishi Raychaudhuri, Trưởng nhóm nghiên cứu chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas SA, Hong Kong.
Tuy nhiên, Indonesia và Thái Lan chính là những điểm sáng hiếm hoi khi thành công thu hút dòng vốn đầu tư chảy vào thị trường chứng khoán trong quý vừa qua. Bên cạnh đó, dòng vốn chảy khỏi các quốc gia lân cận như Malaysia và Philippines không quá lớn.
Nguyên nhân có thể xuất phát từ quan điểm cởi mở của các ngân hàng trung ương khu vực Đông Nam Á khi chậm tăng chi phí vốn vay nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Diễn biến trên thị trường trái phiếu châu Á cũng có nhiều khác biệt tại giữa quốc gia. Nhà đầu tư thoái vốn khỏi thị trường trái phiếu Indonesia với số tiền lên tới 3,1 tỷ USD, trong khi dòng tiền đổ vào một số quốc gia khác như Hàn Quốc và Thái Lan.
Trái phiếu Indonesia mất đi tính hấp dẫn trong bối cảnh trái phiếu hệ số beta cao của quốc gia này bị bán tháo mạnh hơn so với các quốc gia trong khu vực trước quan ngại suy thoái toàn cầu.
Triển vọng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu bằng đồng USD, của khu vực cũng không mấy sáng sủa trong bối cảnh lợi suất kém hấp dẫn hơn so với Mỹ.
“Giá trị tương đối suy giảm so với trái phiếu tại Mỹ sẽ làm chậm lại dòng vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển, thậm chí gây ra tình trạng thất thoát vốn tại nhiều nền kinh tế châu Á”, Joyce Liang, Giám đốc nghiên cứu tín dụng châu Á - Thái Bình Dương tại BofA Securities, Hong Kong.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận