Khối ngoại sẽ sớm trở lại trong năm 2024?
Cụm từ “biến động” không còn phù hợp để chỉ thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2023 mà nên thay bằng “cực biến động”. Vậy, điều gì sẽ chờ đợi nhà đầu tư năm 2024? Người viết đã có trao đổi với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán (CTCK) Yuanta Việt Nam về triển vọng của kinh tế vĩ mô và TTCK năm 2024.
* Quốc hội chốt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6.5% năm 2024, ông bình luận gì về mục tiêu này?
Tôi cho rằng, mức tăng trưởng từ 6 - 6.5% là có thể đạt được. Bức tranh kinh tế của năm 2024 cũng sáng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, có một số yếu tố bất định khó lường trước như lạm phát, tác động từ rủi ro địa chính trị, nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng kinh tế và buộc chúng ta phải điều chỉnh mục tiêu GDP.
* Có phải chúng ta đang kỳ vọng lớn rằng kinh tế sẽ tươi sáng hơn trong năm 2024?
- Kỳ vọng lớn thì chưa chắc, nhưng ít nhất chúng ta đi qua được những ngày tháng xấu nhất. Sự hồi phục có thể không theo dạng mô hình chữ V mà theo mô hình chữ U, tức đi ngang quanh giai đoạn thấp của chu kỳ suy thoái rồi sau đó hồi phục. Nhưng tốc độ hồi phục sẽ chậm, không nhanh được như thời điểm trước COVID-19.
* Thị trường tài chính kỳ vọng Fed sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2024. Ông nhận định gì về áp lực tỷ giá đối Việt Nam trong năm tới?
- Năm 2024, khả năng cao Fed sẽ sớm nới lỏng CSTT, nhưng sẽ không ồ ạt, mà nới dần. Điều này còn tùy thuộc vào khả năng nền kinh tế bị ảnh hưởng như thế nào.
Tỷ giá năm 2024 sẽ dễ chịu hơn, nhưng vẫn còn áp lực, vì vẫn phải đối mặt với lạm phát ở mức cao. Hiện nay, giá dầu Brent khả năng cao vẫn neo ở mức cao, quanh 80 USD/thùng. Mặt khác, rủi ro về địa chính trị vẫn âm ỉ xảy ra. Các áp lực đó vô hình chung khiến lạm phát không thể giảm mạnh, nên khả năng cao Fed sẽ không sớm đẩy mạnh việc nới lỏng CSTT. Mục đích của Fed vẫn là kìm chế lạm phát về mức mục tiêu trong dài hạn - dưới 2%.
Do đó, tỷ giá sẽ không hạ nhiệt, nhưng không tăng mạnh như những năm 2022 hay 2023.
Tôi vẫn kỳ vọng rằng áp lực tỷ giá sẽ đỡ hơn nhiều. Chưa kể, từ yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam, FDI và xuất khẩu kỳ vọng có thể hồi phục, giúp giảm áp lực tỷ giá trong năm sau.
* Trong bối cảnh này, lợi nhuận của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán có tích cực hơn?
- Về cơ bản, mức trăng trưởng có thể dương, nhưng phần trăm tăng trưởng là thấp - dưới mức 10% cho năm 2024.
Quan điểm của tôi vẫn là kinh tế năm sau sẽ hồi phục, nhưng tốc độ hồi phục vẫn rất chậm; nhiều biến số bất ngờ vẫn có thể xảy ra, nhưng rủi ro lớn nhất đã đi qua rồi.
Nhìn chung, bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thể tươi sáng hơn. Yếu tố đầu tiên và cũng quan trọng nhất là kinh tế hồi phục; yếu tố thứ 2 là chi phí đầu vào, đặc biệt liên quan đến chi phí lãi vay. Với mặt bằng lãi suất thấp năm nay, khả năng cao là lãi suất trong năm sau sẽ theo chiều hướng giảm và kích thích nhu cầu tăng trưởng tín dụng trở lại. Áp lực về chi phí lãi vay nhẹ hơn so với năm 2022 hay 2023 rất nhiều, dẫn đến biên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp sẽ tốt hơn so với năm 2023.
* Năm 2023, khối ngoại có xu hướng bán ròng ở các thị trường châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam. Ông bình luận gì về hiện tượng này?
- Việc khối ngoại bán ròng có rất nhiều lý do.
Một là, các nhà đầu tư nước ngoài phân bổ vốn giữa các thị trường. Trong thời gian qua, mức tăng trưởng của các thị trường châu Á, Đông Nam Á và Việt Nam không tốt; nhất là Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Việt Nam có mức tăng trưởng rất kém, thậm chí âm.
Ở góc độ đầu tư của các quỹ, khi nhìn vào các thị trường tăng trưởng kém như vậy, họ sẽ e dè đầu tư; dù kinh tế đang hồi phục, những quốc gia này cũng đang cho thấy đà hồi phục kém.
Trong khi đó, tốc độ lạm phát tại Mỹ và châu Âu đang giảm rất mạnh và kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng CSTT khi lạm phát về mức mục tiêu là 2%. Rõ ràng, lãi suất sẽ tác động lại thị trường chứng khoán và làm tăng hiệu suất. Trong thời gian qua, các thị trường như Mỹ và châu Âu có hiệu suất vượt trội hơn hẳn so với các thị trường châu Á. Đó là lý do họ phải dịch chuyển sang các thị trường này để đầu tư, thay vì cứ đầu tư vào những thị trường châu Á không hiệu quả, sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư của họ.
Lý do thứ hai, liên quan đến câu chuyện đồng USD hạ nhiệt. Nhà đầu tư nước ngoài phải tăng đầu tư vào các tài sản khác thay vì nắm giữ USD và đang bán tháo USD để đầu tư vào các tài sản có rủi ro. Sau thời kỳ suy thoái vừa rồi, những quốc gia có sức khỏe tốt như ở châu Âu và Mỹ, sẽ hồi phục rất mạnh. Đó cũng là lý do nhà đầu tư rút vốn khỏi thị trường châu Á và dịch chuyển sang các thị trường khác.
Ngoài ra, việc khối ngoại bán ròng mạnh còn phụ thuộc vào yếu tố nội tại của từng quốc gia. Thời gian qua, Trung Quốc, Hồng Kông và Việt Nam đang phải đối diện với khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), cụ thể là trái phiếu của các doanh nghiệp này.
* Nhà đầu tư nước ngoài sẽ hành động như thế nào trong năm 2024?
- Thời gian vừa rồi, khối ngoại bán ra rất nhiều. Những tuần gần đây họ cũng bán ròng rã liên tục. Theo quan điểm của tôi, đây là hoạt động cơ cấu danh mục, đồng thời cũng gần thời điểm cuối năm. Năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài chịu số lỗ âm ỉ và khi thị trường hồi phục, họ thu hẹp khoản lỗ, tranh thủ thời cơ để bán ra và đầu tư vào những doanh nghiệp, nhóm ngành đang có câu chuyện hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn.
Ví dụ, vừa rồi quỹ PYN Elite có hành động cơ cấu danh mục và mua vào nhóm cổ phiếu chứng khoán với kỳ vọng câu chuyện nâng hạng thị trường và hệ thống KRX. Đây là những câu chuyện có thể giúp dòng chứng khoán tăng trưởng tốt hơn năm 2024.
Với động thái cơ cấu lại danh mục, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm mua ròng, tôi kỳ vọng sẽ diễn ra vào đầu năm 2024.
Mặt khác, cuộc họp của Fed vào tháng 12, gần như là cuộc họp định hướng cho năm 2024 liệu hành động CSTT sẽ như thế nào. Cuộc họp này quan trọng để khối ngoại quan sát, xem xét đẩy tỷ trọng cổ phiếu nhiều hơn hay cơ cấu vào các tài sản khác. Sau cuộc họp này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ sớm mua ròng trở lại.
Quan trọng nhất, vẫn phụ thuộc vào yếu tố cơ bản của TTCK. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt, rủi ro về lạm phát và tỷ giá đỡ áp lực hơn rất nhiều trong năm 2024.
Tóm lại, đó là những điều kiện chính để thu hút dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại, cộng thêm một số yếu tố xúc tác khác như nâng hạng thị trường hay hệ thống KRX. Đó là những yếu tố về mặt kỹ thuật có thể sẽ giúp dòng tiền của khối ngoại tích cực hơn.
* Theo ông, rủi ro trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 đã giảm bớt chưa?
- Hiện tại, thị trường trái phiếu đã vào cuối của chu kỳ mùa đông - chu kỳ khắc nghiệt và giá lạnh nhất, tức rủi ro lớn nhất đã đi qua, dù chúng ta thấy số lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 ở mức cao nhất so với năm 2023 và 2025.
Điểm sáng là ngân hàng đã trả bớt lượng đáo hạn trước. Hệ thống ngân hàng hiện đang dư thừa vốn nên trả trước hạn. Rủi ro lớn nhất lúc này vẫn nằm ở những doanh nghiệp BĐS, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lượng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp này.
Điểm tích cực hơn ở năm 2023 so với năm 2022 là Chính phủ có hành động liên quan đến Nghị định 44 hoặc luật Đất đai trong thời gian tới; rủi ro tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp BĐS giảm dần, tức thanh khoản của những tài sản này có triển vọng tốt hơn; các doanh nghiệp BĐS sẽ sử dụng các tài sản này cho việc đảm bảo thanh khoản cho thị trường trái phiếu trong thời gian tới.
Như tôi đã nói, giai đoạn mùa đông giá lạnh đã tạm đi qua và tháng cuối của chu kỳ mùa đông này, rủi ro đã giảm bớt đi rất nhiều.
* Ông dự báo chỉ số VN-Index sẽ diễn thế nào trong năm 2024?
- Năm 2023 có 2 chiều hướng. Trong 6 tháng đầu năm, từ giai đoạn tháng 4 đến tháng 5, thị trường tăng rất tốt; sau đó đến cuối năm, đà tăng chững lại, thậm chí là giảm.
Năm 2024, bức tranh sẽ tươi sáng hơn so với năm 2023; đà tăng trưởng có thể kéo dài xuyên suốt trong năm.
* Xin cảm ơn ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận