Khối ngoại bán ròng kỷ lục trong năm 2021, tiền nội vẫn giúp thị trường tăng trưởng phi thường
VN-Index đã khép lại năm 2021 với mức tăng 35,73%, mức tăng cao thứ 6 trong lịch sử hơn 20 năm. Khối ngoại ngược lại đã có một năm bán ròng mạnh nhất từ trước đến nay, nhưng thị trường lẫn những cổ phiếu bị bán mạnh vẫn đi lên đầy ấn tượng nhờ sự dồi dào của tiền nội.
Theo dữ liệu thống kê của Fiintrade, năm 2021, khối ngoại bán ròng 62,31 nghìn tỷ đồng trên 3 sàn, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng cộng, trong vòng 2 năm qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 80 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD.
Năm 2020, giá trị bán ròng của họ là 18,75 nghìn tỷ đồng nhưng VN-Index vẫn tăng 14,87%, HNX-Index tăng 98,15% và UPCoM-Index tăng 31,63%.
Năm 2021, trước kỷ lục bán ròng và cấp độ lớn hơn của nhà đầu tư nước ngoài, các chỉ số trong nước lại còn tăng mạnh hơn. VN-Index đã tăng tới 35,73% còn HNX-Index tăng 133,35% và UPCoM-Index tăng được 51,35%.
Đây rõ ràng là những biến động phi thường của thị trường và chỉ có thể giải thích bằng sự hùng hậu của dòng tiền nội. Dữ liệu của Fiintrade cũng cho thấy nhà đầu tư trong nước đã mua khớp lệnh ròng tới 92,88 nghìn tỷ đồng, còn tự doanh mua ròng 5,33 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.
Ngược lại, tổ chức trong nước bán ròng 25,56 nghìn tỷ đồng, còn nhóm nhà đầu tư nước ngoài bán ròng qua khớp lệnh 72,72 tỷ đồng.
Khả năng hấp thụ tốt của dòng tiền nội đã giúp cho các cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất vẫn có một năm tăng giá thành công. Điển hình như cổ phiếu HPG (-18.924,9 tỷ đồng) vẫn tăng 52,26%, trong khi VPB (-9.331,4 tỷ đồng) tăng 98,26%, còn CTG (-5.198,3 tỷ đồng) tăng 29,74%.
Trong top 5 bán ròng của thị trường chỉ có đúng 2 cổ phiếu giảm giá là VNM (-6.630 tỷ đồng) giảm 17,5% và VIC (-6.129 tỷ đồng) giảm 1,12%, trong đó VIC hầu như giảm không đáng kể.
Còn ở chiều mua vào thì cả 5 mã được mua ròng mạnh nhất đều tăng trưởng tối thiểu 20%. Đó là các cổ phiếu VHM (+4.663,5 tỷ đồng) tăng 20,81%, STB (+4.206 tỷ đồng) tăng 86,4%, FUEVFVND (+3.173,1 tỷ đồng) tăng 63,08%, MWG (+1.527,2 tỷ đồng) tăng 71,98%, FUESSVFL (+1.153,6 tỷ đồng) tăng 64,7%.
Theo Tổng giám đốc của CTCK Mirae Asset Việt Nam, ông Kang Moon Kyung, trong năm 2021, không riêng Việt Nam bị khối ngoại rút ròng (khoảng 2,7 tỷ USD), dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng rút ra khỏi nhiều thị trường khu vực châu Á như Hàn Quốc bị rút ròng 22,8 tỷ USD, Đài Loan 17 tỷ USD, Thái Lan 2 tỷ USD.
Việc dòng vốn ngoại lưu chuyển từ các thị trường mới nổi/cận biên về các thị trường Mỹ đã bắt đầu từ 2020, với các lý do chính như sau: 1. Đồng USD lên giá tương đối; 2. Các gói kích thích kinh tế lớn ở Mỹ; 3. Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới.
Thêm vào đó, khả năng Mỹ nâng lãi suất điều hành trong tương lai khi nền kinh tế Mỹ phục hồi trước các nước trên thế giới, cũng như xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tiếp tục thúc đẩy xu hướng này.
Ông Kang tin rằng dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ quay lại Việt Nam nhờ mức định giá tương đối hấp dẫn của thị trường Việt Nam so với các thị trường khác. Hơn nữa, các cải cách nhằm thỏa mãn các tiêu chí nâng hạng thị trường mới nổi, giúp cải thiện tính minh bạch và hiệu quả của thị trường, sẽ giúp thị trường Việt Nam hấp dẫn hơn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận