Khoảng cách chênh lệch số liệu giữa GRDP và GDP đã đỡ vênh
Việc các địa phương tự tính GDP riêng dẫn đến sự vênh nhau giữ số liệu GRDP (GDP địa phương) và GDP cả nước, tình trạng địa phương nào cũng tăng trưởng 2 con số mà GDP cả nước chỉ tăng 5-6%.
Không biết GDP "chạy đi đâu"?
Ngày 11/12/2020, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trước đây, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) do Cục Thống kê biên soạn và công bố chưa phản ánh sát thực trạng quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong một thời gian dài, chênh lệch giữa chỉ tiêu GRDP tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP của cả nước) diễn ra phổ biến và khoảng cách không ngừng nới rộng qua từng năm, thậm chí có năm lên tới 2 con số.
Cụ thể, như năm 2011, GDP của cả nước do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế thống nhất sử dụng chỉ tăng 6,24% so với năm 2010.
Trong khi đó, 61 địa phương có tốc độ tăng cao hơn tốc độ tăng GDP của cả nước với 27 địa phương có tốc độ tăng trên 10%. Kết quả tổng hợp GRDP do địa phương tính toán và công bố cho thấy tốc độ tăng GDP của cả nước năm 2011 lên tới hơn 11%, gấp gần 1,8 lần tốc độ tăng chung do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố.
Tương tự, năm 2012 tốc độ tăng tổng GRDP của các địa phương là 9,13%, gấp 1,74 lần so với tốc độ tăng GDP (5,25%) do Tổng cục Thống kê biên soạn. Mặc dù, năm 2012 kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục gặp khó khăn, nhưng không có địa phương nào biên soạn và công bố tăng trưởng GRDP thấp hơn tốc độ tăng 5,25% của cả nước, thậm chí vẫn có 21 địa phương tăng GRDP trên 10%.
Tổng cục Thống kê đánh giá, sự vênh nhau giữa số liệu thống kê GRDP và GDP đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đưa GDP và GRDP chỉ còn chênh lệch dưới 4%
Trong giai đoạn 2011-2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của các địa phương (GRDP) trên 10%, có địa phương tăng 15-17%, nhưng GDP của cả nền kinh tế chỉ tăng 5,95%.
Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (Đề án 715) với kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến theo hướng tích cực, xóa bỏ khoảng cách chênh lệch và tiến tới thống nhất số liệu GDP của Trung ương và GRDP địa phương.
Theo đó, Tổng cục Thống kê trực tiếp biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là nội dung quan trọng nhất của Đề án “Đổi mới quy trình biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Đồng thời, Tổng cục Thống kê nhận trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện nguồn thông tin đầu vào thông qua việc sửa đổi Chế độ báo cáo thống kê áp dụng đối với Bộ, ngành và chế độ Báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với các Cục Thống kê; Rà soát hoàn thiện nội dung phương án các cuộc điều tra để tránh trùng lặp, bỏ sót thông tin, bổ sung thu thập thêm một số tập đoàn, tổng công ty lớn…
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, năm 2016, Tổng cục Thống kê đã tiến hành rà soát, tính toán lại số liệu GRDP thời kỳ 2011-2015; tính thử nghiệm GRDP 6 tháng đầu năm và cả năm 2016. Năm 2017, Tổng cục Thống kê chính thức biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP cho các địa phương.
Kết quả biên soạn GRDP của các địa phương là một trong căn cứ quan trọng để Tổng cục Thống kê xem xét, đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017. Kết quả biên soạn GRDP và đánh giá lại quy mô GDP đã mang đến bức tranh đầy đủ, rõ nét hơn về thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.
Sau 5 năm thực hiện Đề án 715, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản quốc gia đánh giá khoảng cách về quy mô cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa công bố của địa phương và Trung ương đã được thu hẹp .
"Từ khi thực hiện Quyết định 715, khoảng cách chênh lệch số liệu giữa GRDP và GDP những năm 2017-2020 về quy mô chỉ còn dưới 4% so với mức trên 30%, về tốc độ chỉ còn dưới 1% so với 5-6% của những năm trước. Kết quả đổi mới, hoàn thiện nghiệp vụ biên soạn và nâng cao chất lượng số liệu đồng thời cả GRDP và GDP là thành công kép của quá trình triển khai thực hiện Đề án 715 trong 5 năm vừa qua”, ông Hùng thông tin.
Ngoài ra, để chỉ tiêu GRDP ngày càng chính xác, đầy đủ, kịp thời, có độ tin cậy cao, ông Hùng đề xuất, các địa phương cần thống nhất sử dụng số liệu GRDP do Tổng cục Thống kê công bố. Từ đó nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; đồng thời, nghiên cứu thời gian họp phù hợp với thời gian công bố số liệu GRDP.
Trong lý thuyết hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô được tính toán trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế do nhiều thông tin đầu vào chỉ có ở mức độ tổng hợp trên phạm vi toàn quốc. Nhiều quốc gia trên thế giới chỉ tính GDP cho phạm vi cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế do nhu cầu thông tin trên địa bàn phục vụ chính quyền địa phương, một số nước như Trung Quốc, Indonexia, Thái Lan… đã triển khai lại tính GDP cho vùng, thậm chí đến cả phạm vi cấp tỉnh như Việt Nam (gọi là chỉ tiêu GRDP). Thực tế cho thấy, số liệu GRDP do hầu hết các địa phương biên soạn và công bố những năm trước đây chưa phản ánh sát thực trạng và tăng trưởng kinh tế - xã hội trên địa bàn nhiều địa phương. Theo đó, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác xây dựng, chỉ đạo, điều hành các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Mặt khác, những số liệu GRDP tính toán thiếu chính xác này còn ảnh hưởng đến chất lượng số liệu thống kê tài khoản quốc gia nói riêng và hệ thống thông tin thống kê nói chung của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng chênh lệch này bao gồm: Khó khăn trong việc thu thập thông tin theo nguyên tắc thường trú của Tài khoản quốc gia, dẫn đến có sự tính trùng giữa các địa phương; Bệnh thành tích của các địa phương; Đội ngũ công chức, viên chức thống kê chuyên sâu về tài khoản quốc gia của các Cục Thống kê còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận