24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Chu Thị Thanh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khó khăn bủa vây, TKV cân đối cung cấp đủ than theo hợp đồng đã ký

TKV đang huy động tối đa nguồn lực, tổ chức sản xuất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất cũng như cung ứng đủ than cho các hộ điện theo hợp đồng đã ký kết.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 cùng với giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như xăng, dầu tăng cao cộng với giá than nhập khẩu để pha trộn cũng tăng rất cao từ 2-3 lần so với giá than trong nước là những khó khăn(TKV) đang phải đối mặt.

Trước tình hình đó, TKV đang huy động tối đa nguồn lực, tổ chức sản xuất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất cũng như cung ứng đủ than cho các hộ điện theo hợp đồng đã ký kết.

*Khó khăn vây quanh

Tập đoàn TKV cho biết, ngay từ đầu năm 2022, việc triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn đặc thù, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh than của TKV. Theo đó, mặc dù các đơn vị thành viên của TKV đã thực hiện nghiêm túc ở mức độ cao nhất tất cả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhưng đầu năm 2022, dịch đã xâm nhập với tốc độ rất nhanh vào lực lượng lao động của TKV.

Tính đến ngày 14/3/2022, TKV đã có 36.253 người lao động bị nhiễm virus SARS-CoV-2 (F0), chiếm 38% tổng số lao động toàn Tập đoàn. Riêng tại tỉnh Quảng Ninh là nơi tập trung các mỏ than của TKV, số ca F0 là 32.613 người, chiếm 42% tổng số lao động. Số lao động khối sản xuất than phải nghỉ việc do dịch bệnh rất nhiều, nhất là giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3/2022, có thời điểm nhiều đơn vị chỉ còn khoảng 20% lao động đi làm.

Hầu hết các đơn vị khai thác than hầm lò chỉ bố trí sản xuất được 2 ca/ngày, gây thiếu hụt lao động trầm trọng. Đến ngày 14/3, Tập đoàn còn 9.376 lao động F0, F1 phải nghỉ việc, các đơn vị đã bố trí đủ lao động cho các dây truyền sản xuất, không còn đơn vị nào làm 2 ca.

Khó khăn bủa vây, TKV cân đối cung cấp đủ than theo hợp đồng đã ký

Sản xuất trên khai trường Công ty than Cọc Sáu. Ảnh Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Cùng với đó, giá thành khai thác than ngày càng tăng do các mỏ than ngày càng khai thác xuống sâu, một số đơn vị điều kiện địa chất biến động phức tạp, sai khác so với tài liệu thiết kế ban đầu, mức độ rủi ro trong quá trình khai thác gia tăng, cung độ vận chuyển ngày càng xa, tiền lương và các loại thuế phí tăng cao.

Trong một thời gian dài (từ đầu năm 2019 đến cuối năm 2021) giá bán than trong nước cho sản xuất điện không tăng nên lợi nhuận từ sản xuất than ngày càng giảm. Một số dự án đầu tư, phát triển mỏ than theo quy hoạch không cân đối được hiệu quả kinh tế để triển khai thực hiện.

Trước tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, nền kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi đã đẩy nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên vật liệu năm 2022 tăng cao, đồng thời chiến sự giữa Nga và Ukraina tác động lớn đến kinh tế thế giới làm cho giá dầu, giá sắt thép tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm, làm giảm hiệu quả xuất của TKV.

Đồng thời, cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ than của nền kinh tế thế giới tăng dần; đặc biệt từ tháng 3/2022, căng thẳng Nga-Ukraine bùng phát dẫn đến nguồn cung than không đủ đáp ứng nhu cầu, giá than liên tục tăng đạt các mốc kỷ lục và đến thời điểm hiện nay giá thế giới đã tăng gấp từ 2,5-3 lần giá trong nước; nguồn cung than khan hiếm nên việc nhập khẩu than đối với TKV hiện nay rất khó khăn.

Bên cạnh đó, các hộ trong nước không nhập khẩu được than, quay lại sử dụng than trong nước nên nhu cầu tiêu thụ than trong nước tăng rất cao gây nên tình trạng khan hiếm than mặc dù sản lượng than sản xuất của TKV không giảm so với các năm gần đây.

Theo TKV, tổng than tồn kho các đơn vị thời điểm 12/3/2022 khoảng 6,46 triệu tấn; trong đó, các loại than cấp cho các nhà máy điện tồn khoảng 1,65 triệu tấn. Than tồn kho giảm 2,3 triệu tấn so với than tồn kho đầu năm và giảm hơn 7 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2021. Vì vậy, TKV cho rằng, nếu không được điều chỉnh tăng giá bán than bao gồm cả than bán cho các hộ điện thì có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hoặc mất cân đối tài chính.

*Cung ứng đủ than cho các hộ điện

Nhận thức được nhu cầu tiêu thụ than tăng cao, khả năng nhập khẩu than khó khăn, đặc biệt khi các nhà máy điện chưa thống nhất phương án kê khai giá theo quy định của Luật giá đối với than phối trộn nhập khẩu, TKV đã chỉ đạo các đơn vị tăng sản lượng than khai thác và huy động tối đa than tồn kho để chế biến và pha trộn than.

Cùng đó, Tập đoàn tập trung nhân lực, thiết bị tổ chức khai thác than nên mặc dù số ngày nghỉ lễ tết nhiều, số người lao động bị mắc COVID-19 trong các đơn vị khai thác than chiếm gần 50%, nhưng các chỉ tiêu than khai thác, than chế biến đã hoàn thành đạt tiến độ kế hoạch và tăng so với cùng kỳ năm 2021.

Khó khăn bủa vây, TKV cân đối cung cấp đủ than theo hợp đồng đã ký

Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất, chế biến than. Ảnh: Thảo Nguyên/BNEWS/TTXVN

Cụ thể, ước quý I/2022, TKV đã sản xuất 10,37 triệu tấn than, đạt 26,5% kế hoạch năm và bằng 104,5 % so với cùng kỳ. Than nhập khẩu là 325 nghìn tấn đạt 6,9 % kế hoạch năm. Than tiêu thụ dự kiến 11,46 triệu tấn, bằng 26,66 % kế hoạch, bằng 119% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 11,2 triệu tấn, đạt 27,2% kế hoạch năm và bằng 106% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu 265 nghìn tấn bằng 14,72% kế hoạch và bằng 112,9% cùng kỳ 2021.

Đến hết ngày 14/3, than tiêu thụ cho các nhà máy điện 6.342 nghìn tấn, bằng 17,15% sản lượng theo hợp đồng. Dự kiến, quý I/2022, khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 8.505 nghìn tấn, trong khi các nhà máy nhiệt điện đăng ký nhu cầu là 9.737 nghìn tấn.

Nguyên nhân của việc cấp than quý I/2022 không đạt tiến độ hợp đồng, theo TKV, việc đảm bảo sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch năm 2022 là 35 triệu tấn phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch.

Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm, TKV mới chỉ nhận được 325 nghìn tấn nên sản lượng than pha trộn nhập khẩu cấp cho các nhà máy nhiệt điện quý I/2022 khoảng 1,1 triệu tấn bằng 7,8% kế hoạch năm, giảm khoảng 2,4 triệu tấn so với kế hoạch cấp than phối trộn nhập khẩu quý I/2022. Mặc dù, TKV và các đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng sản lượng than sạch sản xuất trong nước nước, nhưng không bù đắp được khối lượng than phối trộn nhập khẩu bị thiếu.

TKV dự kiến thời gian tới, tỷ lệ lao động phải nghỉ việc do nhiễm bệnh vẫn ở mức cao mà không có nguồn thay thế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV. Ngoài ra, căng thẳng Nga-Ukraina làm giá xăng dầu, sắt thép tăng rất cao so với giá kế hoạch dẫn đến hiệu quả kinh doanh của TKV sẽ giảm, thậm chí có thể không cân đối được tài chính.

Nguồn than nhập khẩu khan hiếm, có thể không nhập khẩu được theo kế hoạch dẫn đến nguy cơ không đủ than để cấp cho khách hàng, đặc biệt là các nhà máy điện so với kế hoạch.

Do đó, TKV sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; động viên khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tăng thời gian làm việc hữu ích để tăng năng suất lao động.

Ngoài ra, đẩy mạnh sản xuất than trong nước theo phương án điều hành sản lượng than khai thác 41 triệu tấn; có các giải pháp để đảm bảo nhập khẩu than theo kế hoạch đề ra, huy động tối đa than tồn kho để chế biến, pha trộn và tiêu thụ cho khách hàng theo hợp đồng đã ký kết.

Khó khăn bủa vây, TKV cân đối cung cấp đủ than theo hợp đồng đã ký

TKV tiếp tục động viên khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tăng thời gian làm việc hữu ích để tăng năng suất lao động. Ảnh: TKV

Cùng đó, Tập đoàn cũng báo cáo các bộ, ngành xem xét để điều chỉnh giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các hộ điện (sản lượng than bán cho các hộ điện chiếm trên 80% sản lượng than tiêu thụ của TKV) để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh than của TKV trong điều kiện giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao và chi phí phòng chống dịch làm tăng giá thành sản xuất than.

TKV cũng tiếp tục đẩy mạnh khoan thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành. Thực hiện đúng tiến độ đầu tư các dự án khai thác than theo hướng tập trung phát triển các mỏ than hầm lò sản lượng lớn theo tiêu chí “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao”, liên thông các mỏ lộ thiên để mở rộng không gian nhằm tăng năng suất và giảm bớt chi phí chung; chuẩn hoá, nâng cấp các kho cảng dịch vụ logistic phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, pha trộn than.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và điều kiện làm việc cho người lao động, tăng năng suất lao động, giảm giá thành và giảm lao động trực tiếp trong hầm lò./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả