Khó khăn bủa vây kinh tế Trung Quốc
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc rơi về mức thấp nhất trong gần 30 năm nhưng chiến tranh thương mại chỉ là một phần của vấn đề vì Bắc Kinh còn đang phải xoay sở ứng phó với hàng loạt thách thức khác từ đầu tư suy yếu cho đến doanh số bán lẻ ô tô liên tục giảm.
Kinh tế Trung Quốc "cài số lùi"
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 18-10, tăng trưởng GDP nước này đang giảm tốc mạnh hơn, chỉ tăng 6% trong quí 3-2019, mức thấp nhất kể từ năm 1992. Như vậy, tăng trưởng trong ba quí đầu năm nay rơi xuống mức 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù mức tăng trưởng này vẫn nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên thế giới nhưng dữ liệu công bố hôm thứ Sáu báo hiệu tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay có thể rơi về ở mức thấp trong mục tiêu chính thức của Bắc Kinh 6-6,5%.
Những nỗ lực để hạn chế tình trạng “nghiện” vay nợ trong nền kinh tế và các tác động sâu rộng của cuộc chiến thương mại với Mỹ là lực cản lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề khác đang trở nên tồi tệ hơn, chẳng hạn ngành công nghiệp ô tô khổng lồ đang suy thoái nghiêm trọng, lĩnh vực bất động sản chững lại và đàn heo chết dần chết mòn với số lượng lớn do mắc dịch tả heo châu Phi.
Tăng trưởng của Trung Quốc đang “cài số lùi” sau một thời kỳ tăng trưởng nóng.
Nền kinh tế của Trung Quốc giờ đây có quy mô gấp đôi so với một thập kỷ trước song lực lượng lao động đang bị thu hẹp trong khi đường xá, các tuyến xe lửa và nhà máy đã được phát triển rộng khắp, do vậy hạn chế tiềm năng đầu tư mới.
Câu hỏi đặt ra là liệu có xảy ra bất kỳ cú sụt giảm mạnh nào của nền kinh tế Trung Quốc trong tiến trình hướng về mức tăng trưởng chậm hơn bao giờ hết hay không.
“Những gì các nhà hoạch định chính sách muốn là làm cho tiến trình này kéo dài để tốc độ tăng trưởng giảm dần dần. Thách thức lớn nhất của Trung Quốc là tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới từ lĩnh vực tiêu dùng và công nghệ vì những động lực cũ như bất động sản và toàn cầu hóa đang yếu dần”, Larry Hu, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Tập đoàn dịch vụ tài chính lớn Macquarie (Úc), nói.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Mao Shengyong, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia, nói rằng nền kinh tế Trung Quốc không quá xấu so những diễn biến khó khăn trên toàn cầu chẳng hạn thương mại quốc tế đang trì trệ.
Ông nói: “Nền kinh tế quốc gia nhìn chung ổn định, cấu trúc kinh tế liên tục được tối ưu hóa, đời sống và phúc lợi của người dân không ngừng cải thiện”.
Những phát biểu mang tính trấn an này không che giấu được hiện thực khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc và chiến tranh thương mại chỉ là một phần của câu chuyện.
Cuộc chiến thuế Mỹ-Trung tăng nhiệt trong quí 3 ba năm nay khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp thuế với nhiều mặt hàng tiêu dùng từ Trung Quốc vào đầu tháng 9. Xuất khẩu của nước này sang Mỹ trong tháng 9 đã giảm 22% so cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, các đòn thuế của Mỹ chỉ là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế tổng thể của nước này đuối dần. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 4% GDP Trung Quốc, Nicholas Lardy, một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), cho hay một nửa giá trị kim ngạch xuất khẩu đó đến từ hàng nhập khẩu để hoàn thiện rồi tái xuất như linh kiện bán dẫn.
Các vấn đề trong nước là nguyên nhân chính
Thực tế, nguyên nhân chính dẫn đến đà tăng trưởng chững lại của Trung Quốc là do các vấn đề trong nước.
Ngoại trừ sự suy thoái rõ ràng của ngành ô tô, sản xuất công nghiệp và bán lẻ vẫn tăng trưởng khá trong tháng 9.
Khi niềm tin của người tiêu dùng bị xói mòn, doanh số bán xe liên tục suy giảm trong 15 tháng qua. Theo các con số thống kê chính thức, doanh số bán xe chiếm 5% sản lượng kinh tế, có nghĩa là ngành ô tô đóng vai trò lớn hơn trong tăng trưởng của Trung Quốc so với xuất khẩu sang Mỹ.
Trên thực tế, tất cả các thương hiệu ô tô nước ngoài bán tại Trung Quốc đều được lắp ráp ngay tại nước này, với các linh kiện và phụ tùng gần như hoàn toàn do Trung Quốc sản xuất.
Nhưng hiện nay, các hộ gia đình không mạnh tay bỏ ra số tiền lớn để tậu ô tô như trước đây. Trong tháng 9, doanh số bán lẻ ô tô giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức sụt giảm mạnh đối với một ngành công nghiệp đã từng quen với mức tăng trưởng hai con số hàng năm.
Các nhà sản xuất ô tô đã lên kế hoạch xuất khẩu xe hơi sang Mỹ bắt đầu từ mùa đông này. Nhưng thuế quan của ông Trump khiến kế hoạch trở nên khó khăn hơn nhiều và hãng ô tô Guangzhou Auto đã đình chỉ vô thời hạn kế hoạch thâm nhập thị trường Mỹ.
Sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc cũng gây sức ép cho tăng trưởng, làm tổn thương tâm lý người tiêu dùng. Giá nhà tăng kéo dài hàng thập kỷ đã mang lại cho nhiều người ở Trung Quốc, nơi có tỷ lệ sở hữu nhà cao, cảm giác rằng họ đang trở nên đủ giàu có để vung tiền mua các mặt hàng khác. Nhưng giờ đây, giá cả nhà ở đã chững lại, thậm chí giảm ở một số thành phố nhỏ, trong khi đó nhiều gia đình đang phải chật vật trả nợ các khoản vay thế chấp lớn.
Song thách thức lớn nhất của Trung Quốc có lẽ là tăng trưởng đầu tư đang chậm lại và suy yếu hơn nữa trong tháng 9. Dù các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đổ tiền vào các dự án mới, đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc đã chững lại và nhiều công ty nước ngoài đang chuyển bớt đầu tư sang các nước khác khi môi trường đầu tư ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên khó khăn hơn.
Mark Webster, đối tác của chi nhánh Ngân hàng BDA Partners (Mỹ) ở Thượng Hải, nói: “Chúng tôi đang chứng kiến sự thoái vốn đáng kể của các công ty đa quốc gia ở Trung Quốc trong 18 tháng qua”.
Các công ty đa quốc gia không chỉ đối mặt với các động thái siết chặt quản lý ở Trung Quốc mà còn phải xoay sở ứng phó với tình trạng công suất dư thừa trong nhiều ngành sản xuất ở nước này bằng cách cắt giảm giá bán, chấp nhận suy giảm lợi nhuận. Webster cho biết giá trị của thương vụ thâu tóm và sáp nhập của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc giảm đến 89% trong nửa đầu năm nay, rơi về mức 6,3 tỉ đô la.
Theo New York Times
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận