24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thanh Cường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khi thoái vốn Nhà nước thành mồi ngon của đại gia săn đất: Câu chuyện Cảng Phú Định

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lại trễ hẹn

Việc Cảng Phú định rơi vào tay Novaland đã trở thành tâm điểm của dư luận trong một thời gian dài sau đó.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến hạn thực hiện Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt 28,3% và rất khó có thể hoàn thành.

Trao đổi với Dân Việt về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hầu hết các dự án có liên quan đến cổ phần hóa đều có những vấn đề đến từ đất đai, đây là một trong những nguyên nhân làm cho quá trình đầu tư của Việt Nam bị chậm lại so với mong muốn và khả năng của Việt Nam.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đánh giá, đối với các tài sản về đất, mức giá của doanh nghiệp nhà nước luôn có một khoản chênh lệch đối với thực giá thị trường. Bởi, giá đất trong doanh nghiệp nhà nước áp dụng giá nhà nước, trong khi đó giá thị trường cao hơn rất nhiều và biến động liên tục.

"Nếu Chính phủ không giám sát chặt chẽ quá trình này, rất dễ bị thất thoát vốn nhà nước, và đáng báo động hơn là các dự án đất vàng của doanh nghiệp nhà nước có thể trở thành đất dự án sau cổ phần hoá", ông Doanh cho hay.

Đồng ý với quan điểm trên, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, từ trước đến nay cả nước có hàng trăm trường hợp cổ phần hoá và chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước, nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá. Có những trường hợp tính giá trị doanh nghiệp chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước. Hay khi cổ phần hoá không thực hiện đấu giá và niêm yết trên TTCK và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước…

Thực tế cho thấy, bài học từ việc cổ phần hoá bánh tôm Hồ Tây, khách sạn Phú Gia tại Hạ Nội, hay mới đây nhất là lùm xùm xung quanh việc cổ phần hóa, tăng vốn và thực hiện dự án cảng Phú Định khiến TP. HCM tiến hành thanh tra trở thành bài học kinh nghiệm cho nhà nước trong công tác cổ phần hóa sau này.

Bài học từ câu chuyện Cổ phần hoá Cảng Phú Định

Theo tìm hiểu của Dân Việt, Công ty Cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Cảng sông TP.HCM (Cảng Sông Thành Phố) do Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (viết tắt là Samco, 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP. HCM) làm chủ sở hữu.

Năm 2001, Thủ tướng có quyết định thu hồi hơn 64ha tại phường 16 quận 8 và cho Cảng sông TP. HCM thuê để xây cảng Phú Định.

Ngày 25/10/2012 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước của UBND TP. HCM (Công văn số 1754/TTg-ĐMDN); trong đó Cảng sông Thành phố thực hiện cổ phần hoá, Nhà nước giữ trên 50% vốn điều lệ.

Theo đó, Cảng Sông Thành Phố chính thức được cổ phần hóa vào cuối năm 2014, thực hiện phiên đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) vào sáng 2/12/2014.

Tổng số cổ phần được bán ra trong đợt IPO này là 8,4 triệu cổ phần, tương ứng gần 84 tỷ đồng, chiếm 25,39% vốn điều lệ. Kết quả, có 17 nhà đầu tư trúng giá, bao gồm 3 tổ chức và 14 cá nhân với giá đấu thành công bình quân là 10.102 đồng/cổ phần (Giá đấu thành công cao nhất là 10.600 đồng/cổ phần; Giá đấu thành công thấp nhất là 10.100 đồng/cổ phần).

Sau khi tiến hành IPO, Cảng Sông Thành phố thực hiện chào bán cho nhà đầu tư chiến lược 8,4 triệu cổ phần, tương ứng gần 84 tỷ đồng, chiếm 25,39% vốn điều lệ của công ty sau cổ phần hóa (330 tỷ đồng). Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn trong thương vụ này là Novaland.

Sau khi IPO và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược xong, Cảng Sông Thành phố đổi tên thành Công ty Cổ phần Cảng Phú Định có vốn điều lệ 330 tỷ đồng (Novaland nắm giữ hơn 25% vốn điều lệ). Trong tháng 10 và tháng 12/2015 Tổng Công ty Samco đã đề nghị UBND TP. HCM xem xét việc Samco tăng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Cảng Phú Định để thực hiện việc tăng vốn điều lệ từ 330 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng.

Tháng 3/2017, HĐQT Novaland thông qua nhận chuyển nhượng hơn 34 triệu cổ phần Cảng Phú Định trị giá 343,4 tỷ đồng, nâng tỷ lệ sở hữu của Novaland tại đơn vị này lên 59,73%.

Đến đây "thương vụ" cổ phần hoá Công ty Cảng Thành phố sông kết thúc, nhà nước đã không còn giữ trên 50% vốn điều lệ, doanh nghiệp tư nhân đã tham gia và giữ quyền chi phối Công ty Cổ phần Cảng Phú Định như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1754/TTg-ĐMDN.

Tuy nhiên, Báo cáo tài chính năm 2017 của Tập đoàn Novaland thể hiện, vào ngày 23/3/2017, Tập đoàn đã hoàn tất việc mua 83,45% lợi ích vốn chủ sở hữu của Cảng Phú Định với tổng giá phí là 1.520 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2020, Tập đoàn Novaland bất ngờ thông qua việc chuyển nhượng 40 triệu cổ phần tại Cảng phú định để thu về khoản lãi hơn 1.700 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III/2020 của Novaland cũng cho biết thêm, sau khi chuyển nhượng, Novaland đang sở hữu 43,45% Cảng Phú Định, và cảng này trở thành công ty liên kết của Tập đoàn.

Việc Cảng Phú Định rơi vào tay Novaland đã trở thành tâm điểm của dư luận trong một thời gian dài sau đó. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, chính những kẽ hở trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gây hệ lụy tiêu cực không chỉ về công bằng xã hội, mà còn làm thất thoát tài sản công.

Thay đổi quy hoạch

Năm 2001, Thủ tướng Chính phủ cho Cảng Sông Thành phố thuê 64,7921ha đất tại phường 16, quận 8 để xây dựng cảng sông Phú Định, thời hạn thuê đất là 50 năm; Năm 2007, UBND TP. HCM ban hành quyết định tách 04ha để xây dựng khu tái định cư tại chỗ cảng sông Phú Định.

Năm 2010, UBND TP. HCM có quyết định phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung quận 8 đến năm 2020. Tiếp đó, năm 2013 UBND TP. HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) khu dân cư phường 16 quận 8, mục đích sử dụng đất của khu đất Cảng Phú Định (còn hơn 60 ha) là xây dựng cảng (kho bãi - hạ tầng kỹ thuật).

Tuy nhiên, sang năm 2015 và 2016, UBND TP đã ban hành ban quyết định điều chỉnh mục đích sử dụng đất của đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 khu dân cư phường 16, quận 8 tại khu vực cảng Phú Định.

Theo các quyết định đó, UBND TP. HCM điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2000 khu dân cư phường 16, quận 8 tại khu vực cảng cảng Phú Định. Khu đất hơn 64 ha cảng Phú Định chỉ còn hơn 6 ha để xây dựng kho tàng, bến bãi. Phần lớn diện tích (hơn 44 ha) là đất phức hợp có chức năng ở. Đất khu tái định cư cảng sông là hơn 4 ha và đất sông rạch khác là 10,89 ha.

Ngày 24/7/2020, UBND TP. HCM ban hành quyết định hủy bỏ tất cả ba quyết định điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết năm 2015 và năm 2016. Như vậy, việc điều chỉnh quy hoạch nêu trên đã được hủy bỏ. Chức năng sử dụng đất hiện nay của cảng Phú Định (quy mô hơn 60 ha) là đất xây dựng cảng (kho bãi – bãi tầng kỹ thuật).

Tháng 8/2020, Thanh tra TP.HCM công bố quyết định sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ sau cổ phần hóa và thực hiện dự án cảng Phú Định tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành thành viên Cảng sông Thành phố (nay là Công ty cổ phần cảng Phú Định).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả