Khi nào ba huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè lên quận?
Theo đề xuất của Sở Nội vụ TPHCM, ba huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ “nâng cấp” thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) ngay trong giai đoạn 2021-2025; hai huyện Củ Chi và Cần Giờ lên quận chậm nhất là vào năm 2030.
Theo đề xuất của Sở Nội vụ TPHCM, ba huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè sẽ “nâng cấp” thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố) ngay trong giai đoạn 2021-2025; hai huyện Củ Chi và Cần Giờ lên quận chậm nhất là vào năm 2030.
Ngày 15/3, Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi UBND TPHCM kèm đề án về “Kế hoạch chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030”.
Theo đó, qua đánh giá sơ bộ, huyện Hóc Môn hiện nay đạt 30/30 tiêu chí. Huyện Bình Chánh đạt 26/30. Các huyện còn lại gồm: Nhà Bè (23/30 tiêu chí), Củ Chi (23/30 tiêu chí) và huyện Cần Giờ (đạt 19/30 tiêu chí) nhưng chưa đạt 50% tiêu chí về dân số theo quy định.
Bản đồ huyện Hóc Môn
Cụ thể: Huyện Hóc Môn có diện tích hơn 109 km2, dân số 462.824 người; đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 21/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Huyện Bình Chánh có diện tích hơn 252 km2, dân số 711,262 người, đạt 6/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng. Huyện Nhà Bè có diện tích là hơn 100 km2, dân số 207.766 người, đạt 5/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 18/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Theo đề xuất của Sở Nội vụ, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ “nâng cấp” ba huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận (hoặc thành lập thành phố thuộc TPHCM).
Hai huyện còn lại kém phát triển hơn là Củ Chi và Cần Giờ, Sở Nội vụ đề xuất sẽ chuyển thành quận trong giai đoạn 2025-2030. Huyện Củ Chi có diện tích hơn 434 km2, dân số 468.269 người, đạt 4/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đạt 16/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Riêng huyện Cần Giờ có diện tích hơn 704 km2, dân số 73.278 người, đạt 3/6 tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội và đạt 15/21 tiêu chí về cơ sở hạ tầng.
Theo đánh giá của Sở Nội Vụ, các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè có vị trí cửa ngõ của TPHCM kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam Bộ. Trong những năm qua tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc, đã và đang hình thành. Trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các huyện để thành lập đơn vị hành chính quận (hoặc TP thuộc TP HCM), chuyển các xã, thị trấn thuộc huyện thành phường là hết sức cần thiết.
Khi tờ trình được UBND TPHCM thông qua, các đơn vị liên quan sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng từng loại tiêu chí (dân số, diện tích, số đơn vị hành chính, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị) theo quy định.
Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ xin ý kiến của Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương chọn phương án chuyển huyện thành quận (hoặc TP trực thuộc TPHCM). Sau đó, thành phố sẽ bổ sung định hướng vào điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, chương trình phát triển đô thị quốc gia, chương trình phát triển đô thị TP HCM. Lập kế hoạch khắc phục các tiêu chí chưa đạt, hoàn thiện đồ án phân loại đô thị, hoàn thiện đề án thành lập quận hoặc TP thuộc TPHCM trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Điều 7 Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, tiêu chuẩn của quận gồm: Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên; diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên; số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên…
Đề án chuyển các huyện thành quận đã được Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X xem xét do hầu hết các huyện ở TPHCM không còn đất nông nghiệp. Huyện Củ Chi có diện tích đất nông nghiệp 14.000 ha, chiếm 32% tổng diện tích nhưng theo dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% hộ dân làm nông nghiệp.
Trong khi đó, huyện Hóc Môn có diện tích đất nông nghiệp là 2.200 ha (chiếm 21% tổng diện tích) nhưng theo dự báo đến năm 2025 chỉ còn 0,6% hộ dân và đến năm 2030 còn hơn 600 người làm nông nghiệp.
Tương tự, huyện Bình Chánh có diện tích đất nông nghiệp hơn 7.900 ha (chiếm 31%), dự báo đến năm 2025 còn 0,4% hộ dân làm nông nghiệp. Huyện Nhà Bè có diện tích đất nông nghiệp là 350 ha (chiếm 3% tổng diện tích) nhưng đến năm 2025 dự báo chỉ còn 109 hộ làm nông nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận