Khẩu vị quỹ tỷ đô Dragon Capital đang thay đổi như thế nào?
Thời gian gần đây quỹ tỷ đô Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu bất động sản và gom mạnh nhóm ngân hàng…
Dragon Capital luôn có sự yêu thích đặc biệt đối với nhóm ngân hàng và bất động sản, vốn dĩ đây là hai ngành có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, theo dõi diến biến gần đây cho thấy nhóm quỹ này đang có sự thay đổi đáng kể, bán mạnh cổ phiếu bất động sản và ra tay gom mạnh ngân hàng.
GOM MẠNH NGÂN HÀNG
Cụ thể, tính đến ngày 18/5, Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL), quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam quy mô 2,14 tỷ USD do Dragon Capital quản lý phân bổ 31,4% danh mục vào nhóm ngân hàng, tăng mạnh so với con số 28,83% hồi đầu tháng 1/2021 và 29,8% so với tháng 4.
Tại ngày 18/5, giá trị NAV/Share của VEIL đạt 10,57 USD, tăng 27,35% so với đầu năm, đây là mức tăng trưởng vượt trội so với đà tăng của chỉ số VN-Index tăng 15,41%, tính theo USD. Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL nắm giữ có đến 4 cổ phiếu ngân hàng gồm: VPBank chiếm 11,76%; ACB 9,22%; VCB 6,29%; TCB 3,65%.
Mới đây nhất, ngày 11/5, VIEL mua vào 1,5 triệu cổ phiếu VpBank. Bên cạnh VEIL, các quỹ khác của Dragon Capital như DC Developing Markets Strategies Public Limited Company mua 600.000 cổ phiếu VPB; CTBC Vietnam Equity Fund và Norges Bank mua 500.000 cổ phiếu; Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (SSMIT) mua 50.000 cổ phiếu.
Như vậy, thông qua các quỹ thành viên, Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 3,15 triệu cổ phiếu VPB, ước tính chi ra 200 tỷ đồng, qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng từ 4,99% lên 5,12%, trở thành cổ đông lớn duy nhất của VPBank.
Trước đó, trung tuần tháng 4, Norges Bank và SSMIT cũng đã mua vào tổng cộng 9 triệu cổ phiếu ACB trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đăng ký. Một triệu cổ phiếu còn lại không mua được là do ACB đã hết room ngoại.
Trước khi mua, cả Norges Bank và SSMIT đều không sở hữu cổ phần nào tại ACB. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu tại của hai quỹ trên tại ngân hàng lần lượt tăng lên 0,396% và 0,017%. Nếu tính theo thị giá cổ phiếu ACB trong khoảng thời gian thực hiện giao dịch, hai quỹ thành viên của Dragon Capital có thể đã chi ra khoảng 300 tỷ đồng để mua vào 9 triệu cổ phiếu ACB.
THÁO CHẠY KHỎI NHÓM BẤT ĐỘNG SẢN
Ở chiều ngược lại, nhóm quỹ Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng. Cụ thể, nhóm Dragon Capital tiếp tục thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư Hạ Tầng Kỹ Thuật Tp.HCM. Trong thời gian từ ngày 20/4 đến 13/5, các quỹ thành viên gồm Amersham In Industries Limited, SSMIT, Norges Bank đã liên tục bán ra với tổng cộng hơn 6,3 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital giảm tổng sở hữu tại CII xuống mức 7.64%, tương đương hơn 18,2 triệu cổ phiếu CII.
Không chỉ có CII, Dragon Capital gần đây cũng liên tục bán ra cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc trong bối cảnh giá cổ phiếu này giảm mạnh còn 32.000 đồng/cổ phiếu so với giá đỉnh lịch sử tháng 1 là 45.000 đồng/cổ phiếu.
Ngày 6/5, nhóm quỹ này đã bán ra 2,56 triệu cổ phiếu KBC và ngày 12/5 tiếp tục bán ra 1 triệu cổ phiếu KBC giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,5% xuống còn 6,7% tương đương với còn 31,9 triệu cổ phiếu. Trong tháng 4, nhóm quỹ này cũng đã miệt mài bán ra cổ phiếu KBC.
Động thái liên tục bán ra của Dragon Capital còn ở cổ phiếu KDH của Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền. Ngày 19/4, Dragon Capital thông báo đã bán ròng 1,86 triệu cổ phiếu KDH, trong đó quỹ thành viên Grinling International Limited đã bán 2 triệu cổ phiếu còn Norges Bank lại mua 142,900 cổ phiếu KDH. Sau giao dịch, tổng sở hữu của nhóm Dragon Capital tại KDH giảm từ 10,21% tương đương 57,07 triệu cổ phiếu xuống còn 55,21 triệu cp, tương đương 9,8%.
Tại Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh, nhóm cổ đông lớn Dragon Capital cũng đã bán ra 3,78 triệu cổ phiếu DXG giữa tháng 3, giảm tỷ lệ sở hữu từ 17,3% xuống còn 16,6% tại Đất Xanh.
Cùng với việc bán hạ tỉ trọng cổ phiếu nhóm midcap ngành bất động sản, Dragon Capital phân bổ danh mục nhiều hơn vào bluechip ngành này với những mã điển hình như VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes, NVL của Novaland với tỷ trọng lần lượt 8,78%, 5,68% và 3,7% trong danh mục của VEIL. Trong bảng tỷ trọng đầu tư của VEIL, nhóm bất động sản cũng đã giảm từ 27,24% xuống còn 27,03%.
Dragon Capital luôn có sự yêu thích đặc biệt đối với nhóm ngân hàng và bất động sản, vốn dĩ đây là hai ngành có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong năm 2021, hai nhóm ngành này cũng nổi bật với câu chuyện tăng vốn, kỳ vọng nâng giá cổ phiếu hai ngành này từ nay đến cuối năm 2021.
Tuy nhiên, nhiều công ty chứng khoán nhận định rằng, với nhóm bất động sản cư dân có thể gia tăng tỷ trọng nhưng nhóm ngân hàng cần cẩn trọng vì triển vọng phần nào đã phản ánh vào giá. Cổ phiếu ngân hàng trong suốt thời gian vừa qua đã tăng trưởng liên tục, dòng tiền rất có thể sẽ tìm đến các nhóm khác có câu chuyện tăng trưởng tốt hơn như thép, nông nghiệp, bất động sản…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận