Khan hiếm xe, thị trường ô tô trầm lắng vào cuối năm?
Thị trường ô tô những tháng cuối năm sẽ diễn biến khó lường do khủng hoảng chất bán dẫn và thiếu chip vẫn chưa được khắc phục trên phạm vi toàn cầu.
Tình trạng khan hiếm xe ô tô
Theo Kinh tế & Đô thị, trong hơn một năm qua, ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip máy tính và các bộ phận quan trọng khác, khiến sản xuất bị thu hẹp, giao hàng chậm lại, đẩy giá ô tô tăng chóng mặt.
Nhiều hãng sản xuất ô tô lớn như Mercedes, BMW hay Volkswagen đang chững lại, tìm kiếm nguồn thay thế cho các bộ phận. Điều này khiến cho sản xuất bị thu hẹp, giao hàng chậm lại và giá cả ô tô cả cũ lẫn mới tăng vọt, vượt quá tầm với của hàng triệu người tiêu dùng.
Theo báo Tin Tức, theo hãng TC Group (Tập đoàn Thành Công), tổng doanh số xe Hyundai tháng 6/2022 đạt 4.278 xe, giảm 34% so với tháng 5/2022. Hyundai Accent tiếp tục là mẫu xe có số lượng bán hàng tốt nhất tháng 5/2022 với 1.086 xe đến tay khách hàng, giảm 40,5% so với tháng 5/2022; Hyundai Creta đứng ở vị trí thứ 2 với 830 xe bán ra, giảm 14,8% so với tháng trước đó; Hyundai Tucson đạt doanh số 479 xe, sụt giảm 26,2% so với tháng 5/2022. Các mẫu xe có thứ hạng tiếp sau lần lượt là Grand i10, Santa Fe & Elantra. Các mẫu xe thương mại đạt doanh số bán 998 xe, giảm 23,8% so với tháng trước.
Đại diện TC Group thừa nhận: Tình trạng thiếu hụt linh kiện diễn ra trên tất cả các sản phẩm Hyundai tại Việt Nam do khủng hoảng chất bán dẫn và thiếu chip vẫn chưa được khắc phục trên phạm vi toàn cầu; đồng thời cũng do tác động từ các diễn biến tiêu cực của tình hình COVID-19 và chính trị tại một vài khu vực. Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Hyundai Thành Công Ninh Bình chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế khách hàng.
Theo TC Group, trong 6 tháng đầu năm, đã có 36.397 xe mang thương hiệu Hyundai đến tay khách hàng, tăng trưởng 6,5% so với con số 34.035 xe bán ra cùng kì năm 2021. Với sự ổn định dần của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, TC Group kỳ vọng nguồn cung sản phẩm xe Hyundai sẽ được cải thiện sớm trong thời gian tới.
Trong một vài tháng trở lại các mẫu xe “hot” được nhiều người quan tâm như: Sonet, Toyota Raize, Kia Seltos, Hyundai Santa Fe…đã trở nên khan hiếm. Thậm chí các đại lý phải “ngậm ngùi” không dám nhận tiền đặt cọc đối với một số dòng xe do chưa biết bao giờ mới có xe để trả khách, thậm chí có xe đơn đặt hàng đã lùi sang năm 2023.
Ví dụ Toyota Raize, một trong những mẫu xe khan hàng kể từ khi ra mắt tại Việt Nam hồi cuối năm 2021. Chỉ những khách hàng đã đặt cọc mua Raize từ trước thời điểm ra mắt mới có thể được nhận xe, còn lại đều phải chờ đến tháng 6/2022. Hiện tại tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn, một vài đại lý thậm chí còn thông báo với khách dừng nhận đặt cọc đến hết năm 2022.
Trong 6 tháng đầu năm, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng xe ô tô được nhập khẩu về Việt Nam đạt con số 63.731 xe các loại với tổng giá trị gần 1,573 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này đã giảm 21,4% về lượng và giảm 14,4% về giá trị.
Đáng chú ý, trong số này, chủ yếu là các loại xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống và ô tô tải lắp ráp, sản xuất từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập về 49.050 xe, kim ngạch gần 985 triệu USD và ô tô tải nhập về 8.988 xe, kim ngạch đạt 328,5 triệu USD.
Theo Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam (VAMA), trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ đạt 201.840 xe các loại, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xe du lịch đạt 157.935 xe, tăng 50%; xe thương mại 40.498 xe, giảm 5% và xe chuyên dụng là 3.407 xe, tăng 12% so với năm 2021.
Nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả này có được chủ yếu bởi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi này đã kết thúc từ cuối tháng 5 vừa qua, cùng với đó thị trường ô tô Việt Nam đang chững lại và bắt đầu sụt giảm.
Thị trường khó sôi động những tháng cuối năm
Theo một số chuyên gia trong ngành, thị trường ô tô những tháng cuối năm sẽ có những diễn biến khó lường do khủng hoảng chất bán dẫn và thiếu chip vẫn chưa được khắc phục trên phạm vi toàn cầu.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho rằng: “Đối với nhiều người Việt Nam, việc mua một chiếc ô tô vẫn khá trọng đại và được tính toán tỉ mỉ. Không còn được giảm lệ phí trước bạ khiến nhiều gia đình thận trọng hơn, tạm ngừng ý định mua xe để chờ thêm các ưu đãi khác”.
Về triển vọng thị trường vào nửa cuối năm nay, thạc sĩ Hoàng Thị Thu Phương nhận định, mặc dù thị trường ô tô Việt Nam đã bớt sôi động nhưng nhu cầu tiêu thụ cao sẽ quay trở lại sau tháng 7 Âm lịch và tập trung vào những tháng cuối năm khiến thị trường xe sẽ tiếp tục trở nên khan hiếm. Việc khan hiếm xe cũng như nhu cầu tăng cao tập trung vào một thời điểm có thể khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi không nhỏ.
Càng về cuối năm, giá xe ô tô nhập khẩu sẽ càng tăng; các đại lý còn có thể tranh thủ tâm lý nóng vội của khách hàng để đưa ra nhiều phụ phí, trong khi lệ phí trước bạ đã được thu đủ 100%. “Vậy nên việc chờ đợi và chọn thời điểm gần cuối năm để mua xe có thể khiến nhiều khách hàng gặp thêm khó khăn, đặc biệt là nhóm khách hàng hướng đến sản phẩm xe nhập khẩu” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.
Theo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế, TS Phạm Thanh Hải cho rằng, trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đối với thị trường ô tô tại Việt Nam. Do xe nhập khẩu cũng như linh kiện, phụ tùng để lắp ráp xe trong nước đều khan hiếm nên rất có thể vào nửa cuối năm 2022, nguồn cung xe mới không đủ cho nhu cầu tiêu thụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận