Khai trương nhiều đường bay mới, Bamboo Airways đẩy mạnh kết nối liên vùng
Bamboo Airways cho biết, việc khai trương 3 đường bay từ Hải Phòng nằm trong lộ trình khai thác 37-40 đường bay trong 2019...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa dự và cắt băng khai trương ba đường bay thương mại của Hãng hàng không Bamboo Airways từ thành phố Hải Phòng đi Quy Nhơn, Tp.HCM và Cần Thơ.
Với sự kiện này, số đường bay Bamboo Airways khai thác đã được nâng lên con số 20, tiến gần hơn tới mục tiêu phủ sóng 40 đường bay nội địa mà hãng hàng không dự kiến triển khai trong năm 2019.
Chiến lược khác biệt
Các đường bay của Bamboo Airways từ thành phố Hải Phòng đi Tp.HCM, Tp.Cần Thơ và thành phố Quy Nhơn được khai thác với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày/tuyến bay.
Thời gian dự kiến bay Hải Phòng - Quy Nhơn là 1 giờ 35 phút, Hải Phòng - Tp.HCM là 2 giờ và Hải Phòng - Cần Thơ là 2 giờ 5 phút. Đây là ba đường bay đầu tiên của Bamboo Airways trong kế hoạch xây dựng mạng lưới kết nối Cảng hàng không quốc tế Cát Bi với hệ thống sân bay nội địa (Đà Nẵng, Phú Quốc…) và các sân bay quốc tế (Bangkok, Singapore, Seoul, Siem Reap…) trong thời gian tới.
Trước đó, Bamboo Airways đã triển khai thành công 17 đường bay kết nối Hà Nội, Tp.HCM và các điểm đến như Đà Lạt, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, Vân Đồn, Phú Quốc, Pleiku, Vinh, Thanh Hóa… với tỷ lệ đúng giờ gần 93%, dẫn đầu toàn ngành.
Bamboo Airways cho biết, việc khai trương 3 đường bay từ Hải Phòng nằm trong lộ trình khai thác 37-40 đường bay trong 2019, theo đúng định hướng kết nối các đô thị, các thị trường du lịch với trong nước và quốc tế mà hãng hàng không đã đưa ra từ những ngày đầu thành lập.
Nói về định hướng này, ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch Thường trực Bamboo Airways từng cho biết: "Với Bamboo Airways, chúng tôi lựa chọn hướng đi riêng biệt, vì đi sau nên luôn luôn phải sáng tạo, luôn luôn tìm ra những cách làm mới. Do đó, bên cạnh những đường bay truyền thống, chúng tôi sẽ đẩy mạnh khai thác và kết nối các thị trường du lịch, các thị trường chưa phát triển hoặc chưa được khai thác đúng tiềm năng. Mục tiêu của chúng tôi là tăng cường kết nối vùng, đồng thời gia tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ hàng không giá cả hợp lý, chất lượng cao cho người dân và du khách".
Đa lợi ích
Nhiều chuyên gia đánh giá cao định hướng khai thác thị trường ngách của các hãng hàng không như Bamboo Airways bởi lợi ích đa dạng mà chiến lược này mang lại.
Lợi ích đầu tiên là giúp giảm áp lực lên các hạ tầng sân bay lớn, khi người dân không thể bay thẳng đến các địa điểm mong muốn mà bắt buộc phải đổ về những sân bay trung tâm như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất để di chuyển.
Lợi ích tiếp theo là giảm bớt những bất cập về giá vé, giờ bay…có thể xảy ra cho người dân nếu các hãng hàng không quá "ưu ái" các "đường bay vàng" mà bỏ ngỏ các thị trường còn lại. Đơn cử như đường bay Hà Nội - Quy Nhơn từng diễn ra tình trạng đắt đỏ hơn cả bay Hà Nội - Tp.HCM (dù chặng đường ngắn hơn) do khan hiếm chuyến bay, dẫn tới hạn chế cơ hội bay của du khách, đồng thời hạn chế khả năng tăng trưởng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đây có thể xem là vấn đề "nóng" của thị trường hàng không nội địa, khi nhiều tuyến bay đến các điểm du lịch có mức tăng trưởng khả quan hàng năm như Quy Nhơn, Quảng Bình, Phú Quốc... thường xuyên rơi vào tình cảnh khan hiếm và "đội giá".
Tình trạng tương tự đang xảy ra đối với thị trường quốc tế, khi các đường bay thẳng kết nối quốc tế với các điểm du lịch của Việt Nam vẫn đang thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh của điểm đến.
Giám đốc một công ty lữ hành tại Hà Nội cho biết rất nhiều đối tác Ấn Độ than phiền về việc bay đến Việt Nam phải quá cảnh Thái Lan, Singapore, hoặc Malaysia, vừa mất thời gian vừa tăng chi phí. Có những lúc giá tour từ Ấn đến Việt Nam cao gần gấp đôi đến Bali (Indonesia), do đó công ty không làm được tour định kỳ cho những đoàn lớn hàng năm.
"Bali không chênh lệnh lắm về khoảng cách và tài nguyên du lịch với Việt Nam nhưng đông khách Ấn hơn hẳn. Một đối tác của công ty chúng tôi gửi 500 khách đến Bali mỗi tháng nhưng trầy trật mãi chỉ gửi qua đây được vài chục khách. Nguyên nhân lớn nhất là do giá cả và thời gian trung chuyển", vị giám đốc này cho hay.
Để góp phần giải quyết tình trạng này, lãnh đạo Bamboo Airways cho biết, hãng đang khẩn trương xúc tiến các đường bay thẳng kết nối trực tiếp các điểm du lịch trong nước với các thị trường quốc tế. Riêng trong tháng 4/2019, Bamboo Airways đã đưa vào khai thác 3 đường bay đến Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Dự kiến tiếp theo đó sẽ là các điểm đến Singapore, Thái Lan... trong quý 2/2019 và đến Đông Âu trong quý 3/2019.
Mới đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bamboo Airways đã ký Biên bản ghi nhớ với Sân bay quốc tế Praha (Cộng hòa Séc) để xúc tiến kế hoạch mở đường bay thẳng đến quốc gia này trong quý 3/2019.
Đường bay thẳng nối Việt Nam với Séc - quốc gia được mệnh danh là "trái tim Châu Âu" với cộng đồng người Việt đông đảo - dự kiến sẽ là tiền đề quan trọng cho kế hoạch mở rộng tuyến bay tới thị trường Đông Âu nói riêng và châu Âu nói chung của Bamboo Airways trong tương lai.
Dự kiến từ nay đến hết năm 2019, đội bay của Bamboo Airways sẽ phát triển lên tới con số 40 máy bay với các chủng loại tàu thân hẹp Airbus A321 Neo và tàu thân rộng Boeing 787 Dreamliner để phục vụ cho các kế hoạch đã được đặt ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận