24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khách hàng EU, Mỹ huỷ đơn hàng: Doanh nghiệp dệt may gọi đây là “khủng hoảng chưa từng có tiền lệ”

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc hoãn, huỷ đơn hàng từ EU, Mỹ gần đây là quyết định của nhà mua hàng do khó khăn vì dịch Covid-19.

Chiều 20/3, tại cuộc họp báo được tổ chức tại Bộ Công Thương liên quan đến tình hình xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU, Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chưa có hạn chế nào của cơ quan chức năng EU, Mỹ về dừng nhập khẩu hàng dệt may từ Việt Nam, đây đơn thuần là quyết định của các nhà mua hàng tại các thị trường này.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc các đơn hàng từ hai thị trường lớn EU, Mỹ đang hoãn, huỷ buộc cơ quan chức năng phải tính phương án, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ cho biết, ngay khi có thông tin một số đối tác EU, Mỹ thông báo dừng nhập hàng dệt may, cơ quan này đã làm việc với Phái đoàn liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ.

Theo ông Linh, Phái đoàn liên minh châu Âu khẳng định, việc EU đóng cửa biên giới chỉ là biện pháp kiểm dịch để bảo đảm sức khoẻ của người dân. Các hàng hoá, dịch vụ tới EU vẫn tiếp tục lưu thông, nhất là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, thuốc men... "Chính sách này không tác động trực tiếp tới xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam - EU", ông Linh nói.

Tương tự, Đại sứ quán Mỹ cũng khẳng định không áp dụng bất kỳ biện pháp nào ngăn chặn tiếp cận thị trường của hàng Việt Nam sang Mỹ.

Ông Linh cũng cho biết, do loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu, Mỹ đóng cửa vì Covid-19, những mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may sẽ bị ảnh hưởng.

Thông tin thêm tại cuộc họp báo, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết thêm, các đối tác giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi. Việc này khiến dệt may, da giày đang hứng chịu tác động kép từ Covid-19.

Nguồn nguyên liệu sản xuất vừa được cải thiện từ đầu tháng 3, hiện lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, trong khi EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may, da giày. Chưa kể, lượng lao động trong ngành dệt may, da giày trên 2 triệu người. Vì thế áp lực đảm bảo công tác an sinh xã hội, việc làm rất lớn.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) gọi việc các đối tác dừng đơn hàng "là khủng hoảng chưa từng có tiền lệ trong hơn 20 năm hoạt động".

Theo tính toán của ông Trường, số lượng đơn bị huỷ tương đương với năng lực sản xuất trong nửa tháng của nhiều đơn vị trực thuộc Vinatex, khoảng 3-3,5% sản lượng cả năm 2020.

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Hòa Thọ cho biết, ba ngày trước đồng loạt các khách hàng Mỹ của doanh nghiệp đang giao dịch theo phương thức FOB thông báo ngưng, lùi giao hàng, thậm chí huỷ đơn hàng thành phẩm. Họ cũng ngưng việc đặt mua nguyên phụ liệu cho các đơn đã xác nhận.

Tổng số hàng doanh nghiệp này bị huỷ khoảng 350.000 sản phẩm; đơn hàng lùi thời gian sản xuất 100.000 sản phẩm; và hơn 150.000 sản phẩm sẽ bị dừng sản xuất. Nhà mua từ Mỹ cũng đề nghị lùi thời gian thanh toán từ 30 lên 60 ngày.

Đề nghị kéo thời gian giãn, hoãn nợ, tìm kiếm thị trường

Trước thực trạng được nêu ra, ông Trương Thanh Hoài kiến nghị kéo dài thời gian giãn, hoãn nhóm nợ của các doanh nghiệp này dài hơn so với các ngành, lĩnh vực khác.

Ông cũng đề nghị Cục Xuất nhập khẩu rà soát, tìm thị trường xuất khẩu mới cho dệt may - những thị trường vẫn đang có nhu cầu tiêu dùng. Cùng đó thúc đẩy xuất khẩu dệt may, da giày sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản khi dịch bệnh được kiểm soát khả quan.

Trước đó trong báo cáo của Bộ Công Thương liên quan đến thị trường EU, Bộ nhận định rằng, nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại,… (đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU) khả năng sẽ suy giảm. Tuy nhiên, dự báo sức mua đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn có thể được duy trì.

Hiện nay, EU là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU tương đối lớn. Trong năm 2019, lượng hàng hóa xuất khẩu qua đường biển đạt 20,5 tỷ euro, đường hàng không đạt 14,5 tỷ euro, đường sắt đạt 671 triệu euro; trong khi nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không và đường sắt lần lượt là 5,990 tỷ euro, 3,56 tỷ euro và 9 triệu euro.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả