Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh: Chìa khóa để tăng
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 172,9 nghìn lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Khách quốc tế đến Việt Nam gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2022 đạt 172,9 nghìn lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tín hiệu tích cực do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại và nhiều đoàn khách quốc tế đến Việt Nam tham dự SEA Games 31.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tổng số 365,3 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022, khách đến bằng đường hàng không đạt 320,7 nghìn lượt người, chiếm 87,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Bằng đường bộ đạt 44,5 nghìn lượt người, chiếm 12,2% và tăng 47%; bằng đường biển đạt 95 lượt người, chiếm 0,03% và giảm 50,8%.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng đầu năm 2022 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu của người dân tăng cao cùng với chuỗi sự kiện SEA Games 31 đã giúp doanh thu của ngành này trong tháng 5 tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu của một số địa phương tăng/giảm như sau: Cần Thơ tăng 39,7%; Hà Nội tăng 34,2%; Đồng Nai tăng 22,6%; Quảng Ninh tăng 17,3%; Hải Phòng tăng 10,5%; Bình Dương tăng 11,4%; Đà Nẵng tăng 11,2%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,2%; Vĩnh Long giảm 8,3%; Bắc Giang giảm 8,9%; Quảng Ngãi giảm 9,8%; Long An giảm 13%; Tiền Giang giảm 24,4%.
Doanh thu du lịch lữ hành 5 tháng đầu năm 2022 tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ và sự kiện SEA Games 31 đã thu hút nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam.
Doanh thu của một số địa phương tăng/giảm như sau: Khánh Hòa tăng 347,6%; Cần Thơ tăng 88,2%; Phú Thọ tăng 80,6%; Quảng Nam tăng 67,8%; Hà Nội tăng 61,1%; Quảng Bình tăng 29,6%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,9%; Đà Nẵng giảm 6,5%; Phú Yên giảm 16,2%, Quảng Ngãi giảm 24,7%; Ninh Thuận giảm 35,2%; Hà Tĩnh giảm 90,4%.
Lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng vọt
Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 25/4, dữ liệu phân tích từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy đang có sự gia tăng rất nhanh lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam trong một tháng qua sau khi nước ta chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế từ 15/3/2022.
Trên toàn cầu, Việt Nam giữ vị thế là một trong vài quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất, đạt trên 75%.
Trong đó, lượng tìm kiếm về hàng không đến Việt Nam từ đầu tháng 3/2022 tăng vọt, nếu ngày 1/3 tăng 283% so với cùng kỳ năm 2021 thì đến 15/3 tăng lên 386%; đến đầu tháng 4/2022 tăng vọt lên 600% và tới trung tuần tháng 4 thì đạt tới mức tăng 800% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, lượng tìm kiếm quốc tế về cơ sở lưu trú tại Việt Nam cũng cho thấy chiều hướng tăng trưởng rõ rệt. Thời điểm ngày 1/3, lượng tìm kiếm tăng 27% so với cùng kỳ, đến giữa tháng 3 tăng lên 40%, vào đầu tháng 4/2022 đã vọt lên 114% so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục duy trì ở mức tăng cao trong tháng 4.
Sản phẩm mới là “chìa khoá” gia tăng sức hút du lịch
Ngày 25/5, theo chia sẻ Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh trên báo Thanh tra, từ trước đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến dài, nổi bật nhất là các dự án, sản phẩm du lịch có quy mô lớn, chất lượng cao và có sức hấp dẫn đã thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch hàng đầu tiến hành đầu tư. Do dịch bệnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như rơi vào tình trạng “đóng băng”.
Lúc này, vai trò của các nhà đầu tư, tập đoàn lớn lại càng được thể hiện, là những “cánh chim đầu đàn”, mang sứ mệnh người kiến tạo, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ dần ổn định và hoạt động trở lại. Các cơ sở lưu trú được tái đầu tư theo xu hướng mới. Sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch được đầu tư tạo trải nghiệm mới.
Nếu như trước đây chúng ta phải đi nước ngoài, thì giờ đã có thể trải nghiệm ngay trong nước nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn như: Hệ thống công viên giải trí của Sun World tại Bà Nà hay Fansipan, công viên trò chơi VinWonders, chuỗi công viên nước tại Hạ Long, Hòn Thơm (Phú Quốc)…
Tuy nhiên, số lượng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ta đã ít, hoạt động trong lĩnh vực du lịch lại càng ít hơn. Để ngành Du lịch nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung phục hồi hiệu quả, dưới vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tôi mong muốn có sự chung tay, vào cuộc tích cực hơn nữa của các tập đoàn, doanh nghiệp trong việc đầu tư khôi phục điểm đến, đa dạng hoá hơn nữa sản phẩm du lịch, cơ sở vật chất phục vụ du lịch.
Với những doanh nghiệp làm du lịch bài bản, tâm huyết, ông Nguyễn Trùng Khánh kỳ vọng rằng, với công thức “chính quyền trải thảm đón chào, nhà đầu tư chung vai góp sức làm du lịch” đang được các địa phương áp dụng mạnh mẽ và hiệu quả như hiện nay, chúng ta sẽ có những thiên đường du lịch không kém Hàn Quốc, Singapore…
"Có thể nói, việc xây dựng sản phẩm du lịch mới được xem là “chìa khoá” góp phần gia tăng sức hút của điểm đến đối với du khách. Để đón đầu sự thay đổi trong nhu cầu đi du lịch, nhiều địa phương đã tích cực xây dựng các sản phẩm mới, mang tính chất đặc trưng: mỗi địa phương - một sản phẩm", ông Khánh cho biết.
Cũng theo ông Khánh, đơn cử, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã xây dựng tour đêm "Ðêm thiêng liêng- Sáng ngời tinh thần Việt"; Tp.HCM đã cho ra mắt tour “du lịch đường sông” và tour "bay trực thăng ngắm cảnh thành phố"; Sapa tổ chức Lễ hội Hoa hồng, Thanh Hoá có Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm du lịch khinh khí cầu hay tổ chức show diễn nghệ thuật hoành tráng tại Bà Nà…
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đã cung cấp các gói sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng và nhu cầu khách hàng. Thời gian tới, các sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ sẽ còn tăng lên. Đây được dự báo là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất và có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng khách du lịch chữa bệnh bằng năm 2019.
Một số quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng xúc tiến quảng bá ngay các sản phẩm du lịch này khi mở cửa du lịch quốc tế như: Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… Có thể nói, đây cũng là cơ hội để Việt Nam làm mới mình, đón đầu xu hướng và bắt kịp với đà phục hồi của thế giới.
Theo ông Khánh, trong thời gian tới, để thu hút mạnh hơn khách du lịch quốc tế, đặc biệt là đón đầu khai thác tốt mùa cao điểm du lịch quốc tế từ tháng 9 trở đi, ngành Du lịch cần tập trung vào một số nhóm giải pháp như: Đẩy mạnh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường trọng điểm. Chuẩn bị tổ chức, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, thị thực cho các thị trường trọng điểm. Các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng và quảng bá rộng rãi các gói sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn…
Hiện nay Tổng cục Du lịch đang tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tháo gỡ khó khăn trong việc thành lập văn phòng đại diện xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Nếu được tháo gỡ thì sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận