Khả năng Fed giảm lãi suất đã chắc chắn
Để đối phó với các rủi ro kinh tế trong nước và toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng thương mại gia tăng và tình trạng lạm phát thấp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẵn sàng cắt giảm lãi suất và điều này có thể bắt đầu ngay từ tháng 7 tới.
Sẽ hành động nếu cần thiết
Cuộc họp chính sách 2 ngày kết thúc vào 19/6 của Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn không thay đổi. Tuy nhiên, sự thay đổi về mặt quan điểm thì đã xuất hiện từ cuộc họp chính sách đầu tháng 5 vừa qua và tiếp tục thể hiện rõ nét hơn trong cuộc họp vừa kết thúc. Theo đó nhiều nhà hoạch định chính sách của Fed đã cắt giảm triển vọng lãi suất từ nay đến cuối năm và mức giảm có khả năng ở khoảng 0,5% so với hiện nay. Fed cũng từ bỏ cụm từ “kiên nhẫn” trước các hành động thay đổi lãi suất - một dấu hiệu cho thấy Fed đã sẵn sàng để hành động. Đồng thời, cũng ngừng đề cập đến vấn đề “lạm phát yếu” chỉ là yếu tố tạm thời.
Các dự báo kinh tế mới do Fed công bố cho thấy, gần một nửa trong số 17 nhà hoạch định chính sách thể hiện quan điểm sẵn sàng giảm lãi suất trong 6 tháng tới, và 7 quan chức cho rằng lãi suất nhiều khả năng có thể sẽ giảm xuống 0,5% - sát với mức mà các nhà đầu tư trái phiếu đã dự đoán. Dù triển vọng kinh tế cơ bản vẫn thuận lợi nhưng ông Pow Powell cho rằng, rủi ro cũng tiếp tục gia tăng, bao gồm cả các lực cản do căng thẳng thương mại gia tăng đối với hoạt động đầu tư kinh doanh ở Mỹ cũng như dấu hiệu tăng trưởng kinh tế đang chậm lại ở bên ngoài.
“Câu hỏi mà chúng ta tự đặt ra là, những rủi ro gia tăng này có tiếp tục tạo áp lực đến triển vọng kinh tế của chúng ta không?”, ông Powell nói và cho biết: “Chúng tôi sẽ hành động khi cần thiết, bao gồm cả hành động nhanh chóng nếu điều đó phù hợp và sử dụng các công cụ của Fed để duy trì việc tăng trưởng”. Chủ tịch Fed cũng cho biết thêm rằng, nếu Fed thực sự phải thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất, thì cũng có khả năng phải tạm dừng kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối tài chính.
Phản ứng sau những nhận xét ôn hòa và các thông tin được đưa ra sau cuộc họp chính sách vừa qua, các hợp đồng lãi suất tương lai đã tăng vọt và các nhà giao dịch hiện đang đặt cược rất nhiều vào khả năng Fed sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm. Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm, với chỉ số S&P 500 tăng khoảng 0,3% so với đóng cửa phiên 18/6. Trên thị trường trái phiếu, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất đã đẩy lãi suất trái phiếu 2 năm xuống mức thấp nhất trong một năm rưỡi qua, hiện ở khoảng 1,75%.
“Tôi nghĩ điều ngạc nhiên lớn là có bao nhiêu quan chức Fed sẽ theo hướng cắt giảm lãi suất. Hiện chúng ta thấy đã có 7 thành viên đang tìm kiếm 2 lần cắt giảm trong năm 2019. Có thể điều này đi đến một điểm là, diễn biến thương mại với Trung Quốc sẽ là một trụ cột quan trọng cho việc liệu Fed có cắt giảm hay không”, Jacob Oubina, chuyên gia kinh tế cao cấp tại RBC Capital Markets nhận định.
Lỡ mục tiêu lạm phát
Các nhà hoạch định chính sách Fed giữ nguyên dự đoán tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp như trong tháng 3 nhưng hạ dự báo lạm phát năm 2019 từ 1,8% xuống 1,5% và tiếp tục “lỡ” mục tiêu lạm phát 2% trong năm tới. Có thể coi đây là một cú đấm đối với Fed vì liên tục trong nhiều năm qua, mục tiêu đưa lạm phát lên mức 2% không đạt được.
Ông Powell cho biết, các nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ quan ngại về khả năng đưa lạm phát trở lại mức 2%. Dù tiền lương đang tăng nhưng chưa phải ở một mức độ thúc đẩy mạnh động lực tăng cho lạm phát. Lãi suất liên bang dài hạn, một phong vũ biểu phản ánh tình trạng của nền kinh tế trong tương lai dài, đã bị cắt giảm xuống còn 2,5% từ mức 2,8% trước đó. Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard - người luôn giữ quan điểm cho rằng cần phải cắt giảm lãi suất - là quan chức không đồng ý với quyết định chính sách vừa đưa ra.
Mặc dù tin tưởng tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục nhưng Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong vài tuần qua kể từ cuộc họp chính sách của Fed vào đầu tháng 5, các nhà hoạch định chính sách đã lo lắng trước những vấn đề không thể đoán trước, trong đó căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và các quốc gia khác đang là vấn đề quan ngại hàng đầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp thuế quan mới đối với Trung Quốc vào tháng 5 và thực hiện một loạt các bước đi gây căng thẳng khác nhưng mới đây nhất lại gửi đi những tín hiệu đầy hy vọng về tiến triển trong giải quyết tranh chấp khi ông có thể gặp các quan chức Trung Quốc vào tuần tới… Những diễn biến trái chiều như vậy đang khiến Fed không dễ dàng trong điều hướng chính sách. Đã nhiều lần trong thời gian ngắn vừa qua, ông Trump cáo buộc Chủ tịch Fed đang làm suy yếu chính quyền của ông trong các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đã nhiều lần gây áp lực Fed phải cắt giảm lãi suất.
“Bảy tuần trước, chúng ta đã có một báo cáo việc làm tuyệt vời và ra khỏi cuộc họp chính sách tháng 5 với cảm giác rằng nền kinh tế và chính sách của chúng ta đang ở một vị thế phù hợp”, ông Pow Powell nói nhưng cho rằng: “Những thông tin về thương mại đã là một động lực quan trọng của quan điểm trong thời điểm hiện nay”.
“Chúng tôi đang rất lưu tâm đến những rủi ro đối với triển vọng và đã chuẩn bị để hành động và sử dụng các công cụ của Fed khi cần thiết”, ông Pow Powell nói tại cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách vừa qua. Thông cáo phát ra sau cuộc họp chính sách cũng cho biết, Fed “sẽ đóng vai trò thích hợp để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế gần 10 năm qua”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận