Kết quả kinh doanh sớm quý 3: Nhiều doanh nghiệp hé lộ lợi nhuận khả quan
Trái hẳn với tâm lý lo ngại của nhiều nhà đầu tư, trên thị trường đã bắt đầu hé lộ những khoản lợi nhuận tích cực bất chấp Covid-19 làm đình trệ kinh doanh - sản xuất trong suốt mấy tháng vừa qua...
Động thái bán tháo ồ ạt của nhà đầu tư trước những lo ngại về GDP quý 3 có thể âm và chỉ còn một hai tuần nữa, mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 dự là kém khởi sắc.
Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy, trái hẳn với tâm lý lo ngại của nhiều nhà đầu tư, trên thị trường đã bắt đầu hé lộ những khoản lợi nhuận kếch xù bất chấp Covid-19 đã làm đình trệ kinh doanh - sản xuất của nền kinh tế trong suốt mấy tháng vừa qua.
HÉ LỘ NHỮNG KHOẢN LỢI NHUẬN "KHỦNG"
Cụ thể, tại Tổng công ty PVTrans (PVT), doanh thu 9 tháng ước đạt 5.430 tỷ đồng, đạt 91% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế 9 tháng ước đạt 650,8 tỷ đồng, tương đương 130% kế hoạch năm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, PVT đã tiếp nhận 3 tàu là PVT AZURA tại Vũng Tàu, đây là tàu dầu/hóa chất có trọng tải 19,945 DWT đóng tại Nhật Bản năm 2009 và đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật của thị trường Bắc Mỹ; tàu PVT DAWN khai thác trên thị trường quốc tế tại khu vực Trung Đông- Bắc Á và tàu NV Aquamarine, tàu đầu tư chở khí hóa lỏng lạnh loại VLGC đầu tiên của PVT.
Mới đây nhất, ngày 21/9, Công ty Cổ phần Vận tải Sản phẩm khí quốc tế (Gas Shipping), đơn vị thành viên của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans), đã tổ chức tiếp nhận đầu tư thành công tàu Shamrock Jupiter tại cảng Santos – Brazil. Tàu ngay sau đó đã được công ty đưa vào khai thác vận tải tại thị trường châu Mỹ.
Tàu Shamrock Jupiter được đóng tại Nhật Bản có trọng tải 19.387 DWT với rất nhiều tính năng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của ngành hàng hải và các khách hàng lớn trên thế giới. Với việc tiếp nhận tàu Shamrock Jupiter, lần đầu tiên kể từ khi thành lập tổng tài sản Gas Shipping đã vượt mốc 1.100 tỷ đồng.
Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVT đã tăng trong suốt thời gian gần đây, hiện đang giao dịch vùng giá 22.500 đồng/cổ phiếu, tăng 0,45%. Nhóm dầu khí cũng là nhóm giữ được sắc xanh trong phiên giao dịch sáng nay nhờ tín hiệu tích cực khi nền kinh tế mở cửa, phục hồi kinh doanh sản xuất, nhu cầu dầu khí tăng cao.
Tương tự, tại công ty con của PVT - Gas Shipping (GSP), báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 cho thấy, bất chấp diễn biến dịch Covid-19 có xu hướng phức tạp, Gas Shipping vẫn tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh và duy trì đà tăng trưởng khởi sắc.
Lũy kế tính tới tháng 9/2021, tổng doanh thu của Gas Shipping đạt 1.230 tỷ đồng, đạt 134% so với kế hoạch 9 tháng và 95% kế hoạch cả năm 2021. Lợi nhuận sau thuế lũy kế của Công ty đạt 42 tỷ đồng, đạt 125% so với kế hoạch 9 tháng và 81% kế hoạch cả năm 2021.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, đội tàu Gas Shipping vận chuyển được trên 700 chuyến hàng với tổng khối lượng vận chuyển khoảng 779.000 tấn LPG. Trong đó hai khách hàng chính, chiếm tỷ trọng lớn là Công ty Kinh doanh Khí (KDK) và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM: BSR).
Nằm trong nhóm doanh nghiệp thuộc ngành logistics, Gas Shipping được hưởng lợi không nhỏ từ việc giá cước vận tải tăng trong thời gian qua. Theo dự báo, giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục tăng từ nay cho đến hết năm 2021 và trong năm 2022. Đây là thời cơ để GSP gia tăng doanh thu, lợi nhuận trong thời gian tới.
Ở lĩnh vực đồ uống, Công ty CP Nafoods Group (HoSE: NAF) trong quý 3/2021 cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bứt phá. Tổng doanh thu toàn hệ thống ước đạt 412 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ, lợi nhuận ròng ước đạt 20,5 tỷ đồng, tăng 52%. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu ước đạt 1.207 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng 9 tháng ước đạt 60,5 tỷ đồng, tăng 19%.
Như vậy, so với kế hoạch 1.500 tỷ đồng doanh thu và 76 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đặt ra đầu năm, lần lượt tăng 23% và 24% so với thực hiện năm 2020, Nafoods đã hoàn thành hơn 80% kế hoạch này sau 9 tháng.
Theo thông tin mới nhất từ công ty, trong Quý III, châu Âu vẫn là thị trường chủ lực, đóng góp lớn nhất vào kết quả doanh thu của công ty. Nhóm các sản phẩm công nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khả quan, với các sản phẩm chủ lực từ Chanh leo, Thanh long, Xoài, Dứa… Trong khi đó, các sản phẩm sấy và hạt dinh dưỡng đã chính thức thâm nhập vào kênh siêu thị tại thị trường Nga, hứa hẹn mang lại mức doanh số cao và ổn định cho công ty trong thời gian tới. Đáng chú ý, mảng kinh doanh cây giống xác lập kỷ lục mới, khi công bố cán đích kế hoạch cả năm 2021 chỉ sau 8 tháng.
Bước sang Quý 4, dù tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng với những kết quả đã đạt được 9 tháng đầu năm, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, Nafoods tự tin hoàn thành đạt và vượt tối thiểu 10% mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2021 đã công bố.
Công ty CP Vicostone (VCS) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với kết quả kinh doanh đẹp mỹ mãn. Theo đó, dự kiến, quý III/2021, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt ước đạt 1.858,6 tỷ đồng và 574,6 tỷ đồng, tương ứng ước tăng 23,47% và 22,40% so với cùng kỳ năm 2020. Tính lũy kế từ đầu năm 2021, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Vicostone lần lượt ước đạt 76,54 % và 80,24% kế hoạch năm 2021 đã đề ra.
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) cũng ước doanh thu thuần quý 3 đạt 123 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. lợi nhuận sau thuế 60 tỷ đồng, tăng 80%. Lũy kế 9 tháng, doanh thu của TNH đạt khoảng 308 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, tương ứng tăng lần lượt 31% và 37% so với cùng kỳ 2020. So với kế hoạch đề ra cho cả năm 2021, bệnh viện đã thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và 79% chỉ tiêu lợi nhuận.
LỢI NHUẬN QUÝ 3 VẪN RẤT KHẢ QUAN
Trước đó, cũng đã có nhiều doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch doanh thu lợi nhuận tăng so với thời điểm đầu năm. Chẳng hạn, ngày 6/9, HĐQT của VnDirect đã thông qua việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu hoạt động năm 2021 lên mức 3,951 tỷ đồng, tăng 55% so với kế hoạch ban đầu và lợi nhuận sau thuế lên mức 1.600 tỷ đồng, tăng 82% so với kế hoạch cũ. Sau khi điều chỉnh, kế hoạch lợi nhuận sau thuế gấp hơn 2,3 lần so với thực hiện năm 2020.
Công ty chứng khoán SmartInvest (ASS - UpCOM) mới đây cũng điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế lên 200 tỷ đồng, gấp 42 lần chỉ tiêu đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên là hơn 4,8 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận thay đổi ngay sau khi công ty chứng khoán vừa chào bán riêng lẻ 49 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần để tăng vốn gấp hơn 2,5 lần, tương đương vốn điều lệ tăng từ 310 tỷ lên 800 tỷ đồng.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ bất thường 2021, HĐQT Tổng công ty Idico (IDC) dự kiến trình phương án điều chỉnh tăng kế hoạch doanh thu công ty mẹ từ 996 tỷ đồng lên 1.711 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng từ 460 tỷ đồng lên 1.032 tỷ đồng, lần lượt tăng 72% và 117%. So với thực hiện 2020, kế hoạch mới của công ty mẹ gấp đôi và lợi nhuận gấp 3,2 lần. Cùng với đó, đơn vị cũng điều chỉnh tăng kế hoạch cổ tức 2021 từ 10% lên 40%, gồm 30% tiền mặt (900 tỷ đồng) và 10%.
Trong báo cáo mới đây, FiinPro cho rằng, tác động của dịch bệnh đến chất lượng và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp là không phải là yếu tố khó ước đoán. Cụ thể là tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ bị chậm lại trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, nhờ mức tăng ấn tượng nửa đầu năm 2021 (+68,5% YoY), nếu lợi nhuận nửa cuối năm nay chỉ tương đương mức cùng kỳ năm 2020 thì các doanh nghiệp niêm yết vẫn có thể ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cả năm là 31,5%, cao hơn so với dự báo trong báo cáo trước đó của FiinPro là tăng 20,7%. Còn nếu lợi nhuận nửa cuối 2021 chỉ bằng 70% của quy mô lợi nhuận cùng kỳ năm 2020 thì các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 13%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận